Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, một trong những giải pháp được cả những nhà quản lý, giới chuyên môn và chủ đầu tư đưa ra là giảm giá sản phẩm: giảm giá trên tổng thể sản phẩm bằng cách giảm trực tiếp hoặc thay đổi quy mô sản phẩm. Thế nhưng, đến khi một số sản phẩm được thông báo giảm giá, thị trường lại có những phản hồi khác nhau.

Dự án Đại Thanh giảm giá căn hộ xuống còn 10 triệu mỗi mét vuông khiến nhiều chủ đầu tư khác nóng mặt. Ảnh: Anh Sơn

Giảm thực sự hay là một cách nói khác?

Trung tuần tháng 10, tập đoàn Hòa Phát đã chào bán căn hộ chung cư cao cấp Madarin Garden với mức giá mới, dao động từ 29 triệu đồng/m2, thay vì từ 45 triệu đồng/m2 như lần mở bán ban đầu trong năm 2010. Căn hộ 29 triệu đồng/m2 là loại căn hộ chưa bao gồm nội thất đầy đủ. Riêng đối với các căn hộ hoàn thiện, có nội thất đầy đủ, giá cũng được chủ đầu tư giảm xuống chỉ còn khoảng 35 triệu đồng/m2. Ngoài ra, khách hàng mua căn hộ tại Mandarin sẽ được các ngân hàng Vietinbank, Techcombank, MB hỗ trợ vay vốn với số tiền bằng 70% giá trị căn với mức lãi suất 12% trong 6 tháng.

Bình luận về hướng giảm giá này, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về thị trường BĐS cho rằng, động thái của Hòa Phát là đưa ra mức giá thấp hơn để kích cầu, và mức 35 triệu đồng/m2 giữ nguyên điều kiện như trước có thể coi là mức giảm giá ấn tượng.

Tuy nhiên, mức giá 29m2 không hoàn thành nội thất lại là mức người mua hàng phải xem lại. Vì, căn hộ cao cấp, dưới góc nhìn của chuyên gia, không chỉ là căn hộ có vị trí đẹp, mà còn phải hoàn chỉnh về việc xây lắp, cảnh quan, cấu trúc toàn bộ hệ thống tòa nhà. “Nếu nhận một căn hộ thô rồi tự mình hoàn thiện, thì chính khách hàng cũng đang góp phần tác động vào kết cấu và chất lượng sống của tòa nhà. Như thế, không thể gọi là căn hộ cao cấp được nữa. Chưa kể, mức chi phí để hoàn thiện có thể còn cao hơn mức chênh lệch về giá” – ông này nói. Thế nên, cách giảm giá mà không kèm hoàn thiện nội thất được coi là cách nói khác của việc giữ giá bán nhà.

Có phải bán phá giá gây nhiễu thị trường?

Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp ngành bất động sản khu vực Hà Nội mới đây, một phó tổng giám đốc của Vinaconex cho rằng, “nhiều đơn vị không đủ kiên trì chờ thị trường khởi sắc đã tìm mọi cách thoát khỏi cuộc chơi bằng cách phá giá thị trường bất động sản, khiến người dân cho rằng, một đơn vị bán phá giá sẽ có 2-3 ông hạ giá theo".

Trên thị trường, sau khi chung cư Đại Thanh hạ giá bán từ 14 triệu đồng mỗi m2 xuống còn 10 triệu đồng, hàng loạt doanh nghiệp cũng vào cuộc giảm giá để giành giật khách hàng bằng cách trực tiếp giảm giá hoặc tăng khuyến mãi chiết khấu. Vị phó tổng của Vinaconex lo rằng, việc bán giá sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt chủ đầu tư khác, đặc biệt là ở phân khúc nhà thu nhập thấp. "Khi nhà xã hội còn đắt hơn cả nhà ở thương mại, người dân sẽ so sánh. Họ sẽ có tâm lý chờ đợi để mua nhà thu nhập thấp, tội gì mua nhà ở xã hội", ông Phong lo ngại.

Chính vì thế, đại diện Vinaconex yêu cầu Bộ Xây dựng phải đưa ra chính sách chống bán phá giá: "Giá thành thế nào, bán ra bao nhiêu Bộ phải kiểm soát chặt chẽ để tránh ảnh hưởng đến doanh nghiệp khác. Giá công bố bao nhiêu, tạo sao lại bán thấp như vậy, cần kiểm tra kỹ".

Trước đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP - Invest) cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi một số đơn vị tung ra giá bán căn hộ khoảng 10 triệu đồng mỗi m2. Với kinh nghiệm 40 năm trong nghề bất động sản, ông Hiệp khẳng định khi định giá địa ốc, các doanh nghiệp phải "nhìn nhau" và thường chỉ được lãi khoảng 10-12%. "Đơn cử, suất đầu tư xây dựng mỗi m2 trung bình khoảng 8-8,5 triệu đồng mỗi m2, chưa kể giá đất 20-25% và phí bôi trơn. Thực ra cách này hay cách khác có thể làm được giá thành thấp nhưng cần phải lưu ý đến chất lượng nữa", ông Hiệp nói.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho hay, "thành phố sẽ kiểm tra những dự án phá giá đó có bán thật như vậy không hay chỉ đưa thông tin gây xáo trộn thị trường”.

“Tôi cho rằng, nếu doanh nghiệp biết tiết giảm chi phí, áp dụng công nghệ tiên tiến thì chúng ta có thể tạo ra được nhà với giá 10 triệu/m2 chứ không phải là không thể làm được”.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Theo Bách Nguyễn (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.