Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc yêu cầu báo cáo tình hình thực hiện các dự án FDI có quy mô lớn, sử dụng nhiều đất, chậm triển khai và có vướng mắc.

Theo đó, đối tượng thuộc diện báo cáo, kiểm tra là các dự án đầu tư nước ngoài có vốn đầu tư đăng ký từ 100 triệu đô la Mỹ trở lên hoặc diện tích đất sử dụng từ 50 héc ta trở lên, gồm cả các dự án ngoài và trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao.

Sở Kế hoạch Đầu tư và các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu Kinh tế, khu công nghệ cao của các tỉnh thành sẽ yêu cầu các doanh nghiệp, dự án thuộc diện trên báo cáo về tình hình thực hiện dự án trong đó tập trung vào các nội dung như việc sử dụng đất, xây dựng; việc góp vốn của các chủ đầu tư; tình hình huy động vốn; việc thực hiện các mục tiêu quy định tại giấy phép đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư hoặc chủ trương cho phép đầu tư.
Việc thực hiện các cam kết về tiến độ triển khai dự án; tình hình chấp hành các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước (các loại thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất,...); tình hình sử dụng lao động; những khó khăn vướng mắc và kiến nghị giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án..., doanh nghiệp cũng phải báo cáo cho cơ quan quản lý của địa phương. Sau đó, các cơ quan quản lý tổng hợp, nhận xét và đề xuất kiến nghị cho từng dự án thuộc phạm vi quản lý gửi về cơ quan đầu mối của tỉnh, thành phố.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có nhiều dự án trong số gần 30 dự án có vốn đăng ký hàng tỉ đô la Mỹ được cấp phép từ năm 2007 đến nay đã bị rút giấy phép và giải thể trước hạn.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều dự án tỉ đô la Mỹ khác sử dụng nhiều đất đã được phép vẫn chưa triển khai hoặc chỉ khởi công rồi để đó.
Việt Nam có thể trở thành một bãi rác của thế giới không?
Bàn về hiệu quả của các dự án FDI tại kỳ họp Quốc hội, đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) lo lắng về công nghệ của nhiều DN FDI đã lạc hậu. "Việt Nam có thể trở thành một bãi rác của thế giới không? Chúng tôi xin đề nghị Chính phủ phải đánh giá lại những việc đó như thế nào” - ông Khiết nói.
Trong khi đó, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra nhiều nguy cơ đối với các dự án FDI.

Ví dụ về dự án lọc hóa dầu 27 tỷ USD tại khu kinh tế Nhơn Hội, Bình Định. Trước đây, khi Tập đoàn dầu khí Thái Lan đặt vấn đề xây dựng nhà máy, phía Tập đoàn dầu khí Việt Nam và một số chuyên gia đã phản đối quyết liệt bởi nguy cơ sẽ gây thừa cung với thị trường nội địa, giảm hiệu quả của nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn... Đấy là những vấn đề được đặt ra và cần phải giải quyết.
Theo GS Nguyễn Mại- Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp (DN) FDI tại VN, cách đây 25 năm, VN thu hút FDI là "không có gì, không kinh nghiệm và rất bỡ ngỡ".

Đến nay, 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội là của FDI. Nếu không có FDI thì VN không thể liên tục tăng trưởng 7-8%/năm và hiện nay là 5-6%/năm. Kim ngạch của 5 ngày xuất khẩu của VN hiện nay bằng xuất khẩu của cả năm 1991, trong đó 64% là của DN FDI.
Tuy nhiên, cũng từ ngày có dòng vốn FDI vào VN đã rộ lên những lo ngại như việc chuyển giá, trốn thuế; nhập khẩu thiết bị cũ, rồi VN trở thành "bãi rác" của thế giới; đình công tăng lên; ô nhiễm môi trường... "Nhìn thẳng các yếu kém này thì VN mới tự đánh giá được môi trường đầu tư của mình và cạnh tranh thu hút FDI trong tương lai"- ông Mại nhấn mạnh.
Cũng theo GS Mại, đã không ít nhà đầu tư "mạnh tay" xin hàng loạt dự án và nhiều địa phương vì chạy theo thành tích không đánh giá đúng năng lực của nhà đầu tư, đã giao dự án. Sau vài năm, khi dự án "án binh bất động" thì địa phương ra quyết định rút giấy phép.
Thuỵ Miên (Báo Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.