Từ cuối năm 2011 đến nay, thị trường bất động sản "đóng băng" đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Theo kết quả thống kê, sáu tháng đầu năm 2012, nền kinh tế tăng trưởng 4,3%, tức là thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 7,1%/năm vào những năm 2000 - 2010.

Chính vì vậy, gần đây, hàng loạt các giải pháp đã được đưa ra nhằm khơi thông thị trường này. Tuy nhiên, việc "giải cứu" đã thật sự cấp bách hay chưa, thì còn nhiều ý kiến trái ngược. Theo một chuyên gia kinh tế của VinaCapital, Chính phủ cần đưa ra một kế hoạch hành động nhằm gỡ bỏ nút thắt nợ xấu và sau đó tạo ra nhu cầu nhà ở để giúp giải quyết lượng căn hộ rất lớn chưa bán được hiện nay.

Việc kích cầu thị trường là cần thiết, bởi bất động sản đang tồn đọng một lượng lớn sản phẩm, trong đó, nhiều nhất là căn hộ chung cư, tới hơn 16.000 căn. Thế nên, sự kiện đặc biệt được doanh nghiệp cũng như người có nhu cầu đều rất quan tâm là buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với TP Hà Nội để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản và xử lý nợ xấu.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, theo kế hoạch năm 2013, sẽ dành 100.000 - 150.000 tỷ đồng để giải quyết nợ xấu có tài sản thế chấp bằng bất động sản. Song, cần chứng minh được giá bất động sản đã lùi về ở mức hợp lý, không thể thấp hơn được nữa, như vậy người dân sẽ mua nhà. Với lượng hàng tồn kho hiện nay, người dân có mua nhà thì ngân hàng mới cho vay được, mà điều kiện để người dân mua nhà chính là giá bán và lãi suất, thời hạn vay vốn hợp lý.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cần phải minh bạch thông tin để tạo niềm tin không chỉ trên thị trường bất động sản mà trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời yêu cầu Hà Nội cần phải làm rõ dự án nào dừng, dự án nào tiếp tục, dự án nào chuyển từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội. Thủ tướng đề nghị, thành phố phải có chính sách cụ thể để người thu nhập thấp mua, thuê được nhà. Ngân hàng Nhà nước đề xuất chính sách cho vay kích cầu nhà ở xã hội, ngoài thuế cần có gói tín dụng khoảng 20.000 - 40.000 tỷ đồng để làm ấm thị trường. Ðể giải quyết hàng tồn kho, cần có quỹ khoảng 1.000 - 2.000 tỷ đồng để mua nhà thương mại làm nhà tái định cư theo giải pháp kiến nghị của thành phố Hà Nội.

Theo nhiều chuyên gia, việc kích cầu thị trường bằng nhà ở xã hội là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Nếu thực hiện biện pháp "giải cứu" đối với cả nhà ở thương mại, đất nền, biệt thự và "cứu" cả những nhà đầu tư lướt sóng (đầu cơ) thì chẳng khác nào "hòa cả làng". Trong khi đây là nhóm người đẩy giá bất động sản lên quá cao. "Chúng ta thấy cả nghìn biệt thự hoang vắng, hàng nghìn căn hộ không ánh sáng ban đêm là một phần do thiếu chính sách phát triển thị trường bất động sản hợp lý, một phần là do giới đầu cơ thao túng" - một chuyên gia nói.

Nhận xét về thị trường hiện nay, đại diện Công ty CBRE Việt Nam cho biết, trong ba tháng gần đây, tại thị trường Hà Nội, một mặt bằng giá mới đã được thiết lập với phân khúc nhà đất trong các khu đô thị. Thị trường đã định giá lại các dự án với mức giá thấp hơn 18% so với cùng kỳ năm 2011. Ðáng lưu ý, dự án có mức độ hoàn thiện càng cao, thì mức giảm càng nhiều và giá của các dự án đã và sắp hoàn thiện có mức giảm sâu nhất.

Nhiều chuyên gia nhận định, trong nửa đầu năm 2013, bất động sản sẽ tiếp tục hạ giá. Nguyên nhân là do nguồn cung vẫn lớn, giá còn cao. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại "khan" tiền mặt sẽ buộc phải phát mại tài sản là bất động sản đã cầm cố của khách hàng. Ðây là áp lực buộc các chủ đầu tư dự án phải giảm giá bán sản phẩm bất động sản.

Theo Nguyễn Vũ (Báo Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.