Việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà ở xuống cấp trên địa bàn TP Hà Nội là vấn đề không mới. Mặc dù TP Hà Nội có nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy các dự án cải tạo này sớm được thực hiện song vẫn còn nhiều khó khăn.

Khu tập thể Nguyễn Công Trứ mất rất nhiều năm mới triển khai được bước đầu của dự án cải tạo.

Ưu tiên các khu tập thể nguy hiểm mức độ C, D

Theo báo cáo của UBND TP, hiện trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.155 nhà chung cư cao bốn đến sáu tầng, 10 khu nhà cũ (một đến ba tầng) và các nhà thuộc diện vắng chủ, cải tạo, tập trung tại các quận nội thành (khu vực hạn chế phát triển theo quy hoạch chung đã phê duyệt) với tổng diện tích khoảng 5 triệu m2.

Đa phần các khu chung cư cũ trên địa bàn đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu sử dụng, song tiến độ triển khai phương án quy hoạch cải tạo còn chậm, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đến nay, TP Hà Nội mới chỉ tập trung giải quyết các nhà chung cư cũ, nguy hiểm cấp D di dời để đảm bảo an toàn cho người sử dụng: B4, B14 Kim Liên, 187 Tây Sơn, I1-2-3 Thành Công, C7, D6, D2 Giảng Võ, 148-150 phố Sơn Tây.

Trong ba khu chung cư cũ thí điểm thực hiện cải tạo, mới xây dựng được 4/14 nhà tại Khu B Kim Liên và khởi công nhà A1, A2 Khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Khu Văn Chương chưa phê duyệt được quy hoạch.

UBND TP Hà Nội đã đề xuất bốn nhóm biện pháp (gắn với từng loại chủ thể tham gia việc cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, nhà cũ) trong đó ưu tiên thực hiện đầu tư xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ nguy hiểm mức độ C, D.

Di dời ra ngoại thành được ưu đãi 1,3, 15 lần số diện tích đất

Cũng theo nội dung tờ trình, người dân thuộc phạm vi dự án cải tạo chung cư cũ có nhiều ưu đãi. Nếu người dân không có nhu cầu mua nhà tái định cư tại chỗ thì được ưu tiên mua nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp tại các dự án trên địa bàn TP.

Đối với các hộ dân đang thuê nhà của Nhà nước không có khả năng đóng góp kinh phí mua hoặc thuê phần diện tích tăng thêm để đạt diện tích sàn căn hộ không nhỏ hơn 45m2, ngân sách TP sẽ hỗ trợ thanh toán mua hoặc thuê phần diện tích này cho chủ đầu tư và tiếp tục cho các hộ dân thuê căn hộ này với giá thuê nhà ở theo quy định của TP.

Tuy nhiên, dự thảo này quy định sẽ giãn dân ra khỏi khu vực nội đô bằng cách ưu đãi 1,3, 15 lần số diện tích đất người dân đang sử dụng nếu họ đồng ý ra khỏi khu vực nội thành.

Theo ý kiến của một số đại biểu, người dân ở những chung cư cũ đa số họ ở với diện tích 20m2. Nếu ra ngoài thì chưa được 50m2 có hấp dẫn để hút họ ra ngoại thành không trong khi ở trong nội đô quá nhiều điều kiện giữ chân họ.

Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, với góc độ của Ủy ban đây đã là sự cố gắng cao nhất còn việc đã đủ hấp dẫn chưa thì tùy thuộc từng người.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Hoạt Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cũng đồng tình, “Hệ số 1,5 đối với người ở chung cư cũ, cơ bản giữ khuyến khách ra ngoại thành vừa trách nhiệm cá nhân với Thủ đô chứ tăng lên không biết bao nhiêu mới thỏa mãn”.

Với tỷ lệ 78,9%, HĐND TP Hà Nội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà ở xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội.

H.Nguyên (Báo Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.