Nhiều năm nay, hàng chục hộ dân thuộc diện di dời giải tỏa tại các tổ 3, tổ 14 và 16, P. An Hải Tây (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) đã chiếm dụng hàng trăm mét vuông đất thuộc quản lý của Nhà nước để dựng nhà tạm sinh sống, hình thành nên "khu ổ chuột" trong lòng thành phố. Điều đáng nói, việc chiếm dụng đất, dựng nhà tạm trái phép này chính quyền sở tại biết rõ, nhưng không kịp thời có phương án giải quyết, dẫn đến tình trạng có nguy cơ gây mất an toàn PCCC, ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị...
Hàng chục căn nhà tạm mọc lên ở P. An Hải Tây đã hình thành nên "khu ổ chuột" trong lòng thành phố.
Cận cảnh "khu ổ chuột"
Lụp xụp, nhếch nhác, ô nhiễm môi trường..., đó là những gì chúng tôi ghi nhận được tại khu nhà tạm mà một số người dân ở tổ 3, 14 và 16 P.An Hải Tây tự ý dựng lên để ở trong nhiều năm nay. Những ngôi nhà được che chắn sơ sài bằng các vách tôn cũ kỹ, bao quanh là rác thải, xà bần chất thành đống. Sự "hiện diện" của hàng chục căn nhà tạm đã làm cho các hộ dân, vốn không chịu ảnh hưởng của việc di dời, giải tỏa, hiện đang sinh sống ổn định nơi đây bất bình, thậm chí làm đơn gửi chính quyền địa phương nhờ can thiệp. Theo phản ánh của nhiều hộ dân, tại các tổ dân phố khu vực An Thị (P.An Hải Đông), có hàng chục hộ dân "tạm cư" nơi đây.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Công Út, Tổ trưởng tổ 16 cho biết: "Tại tổ 16, theo danh sách đăng ký tạm trú thì có 14 hộ kiểu này, tuy nhiên theo thông báo của UBND phường trong đợt kiểm tra vừa rồi thì có đến 18 hộ". Ngoài ra, tại các tổ 14, 12 và tổ 3 cũng có hàng chục hộ chiếm đất làm nhà tạm ở gần chục năm nay. Ông Đ., hộ dân sinh sống cận "khu ổ chuột" than thở: "Nhìn bề ngoài không ai nghĩ có thể tồn tại khu nhà tạm bợ như thế, quá nhếch nhác. Phần lớn người dân ở các nhà tạm trên không có hệ thống cầu tiêu, mà trực tiếp xả thẳng vào cống thoát nước nên rất mất vệ sinh, nhất là mùa mưa. Nhà cửa tạm bợ, lôm nhôm và cảnh sống tạm bợ của những hộ dân này ảnh hưởng không nhỏ đến ANTT và mất văn minh đô thị. Người dân nơi đây cũng phản ánh thực trạng trên nhiều lần nhưng chưa thấy ngành chức năng hồi âm".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, được biết trước đây có một số hộ thuộc diện giải tỏa, tuy đã nhận đền bù rồi nhưng họ vẫn ở lại chỗ cũ nên đồng hồ điện, nước vẫn còn. Sau khi dự án dừng triển khai, khu đất cũ còn thừa lại một số khoảnh đất nằm trên hệ thống thoát nước nên con cháu, người quen của các hộ dân đã di dời giải tỏa, người các nơi tập trung đến che chắn để ở. Điện, nước được các hộ dân này đấu nối cho nhau dùng chung. Điều đáng nói là từ khi xuất hiện "khu ổ chuột" này, tại đây đã nhiều lần xảy ra hỏa hoạn và gần nhất là vụ cháy lớn hồi đầu năm 2016. Theo phản ánh của người dân, nếu lực lượng chữa cháy không có mặt kịp thời thì hậu quả khó ai lường hết.
Nhếch nhác, ô nhiễm là tình trạng đang diễn ra tại các khu nhà tạm trên địa bàn P. An Hải Tây.
Cần xử lý rốt ráo
Thực tế là vậy, nhưng khi trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá An, Chủ tịch UBND P.An Hải Tây lại khẳng định "tại khu nhà tạm chỉ có 5 hộ đang sinh sống". Theo lý giải của ông An, nguyên nhân là do các khu đất trước đây đã giải tỏa, tuy nhiên chỗ đất dư thừa không ai quản lý nên dẫn đến tình trạng nhếch nhác, mất vệ sinh do người dân đổ rác, xà bần... Nhiều hộ dân, trong đó chủ yếu là các hộ đã giải tỏa thấy vậy liền quay về tổ chức dọn dẹp và che chắn, dựng nhà tạm để ở từ năm 2009 đến nay?!
Trả lời câu hỏi vì sao tình trạng trên diễn ra nhiều năm nay nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp gì tháo gỡ, dẫn đến tình trạng nhếch nhác, ô nhiễm môi trường và gây ra các vụ cháy nêu trên, ông An cho biết: "Do từ trước đến nay cấp trên cũng chưa có chỉ đạo gì, chưa thực hiện dự án gì nên phường chưa vận động người dân đi nơi khác, nếu họ đi thì những khu đất bỏ trống này sẽ có người đến đổ xà bần, xả rác lại càng mất vệ sinh hơn. Khi nào cấp trên có chỉ đạo thì chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm vận động dân đi nơi khác!". Ông An cũng khẳng định, chắc chắn người dân sẽ tự nguyện di dời khi địa phương vận động trả lại mặt bằng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh Văn phòng UBND Q.Sơn Trà cho biết, những khu đất mà người dân chiếm dụng để dựng nhà tạm là những rẻo đất mà Ban quản lý Dự án xây dựng số 3 (BQL Dự án Bạch Đằng Đông trước đây) thực hiện dự án đường Trần Hưng Đạo mở rộng còn sót lại (những khu đất nhỏ, không vuông vức, không đủ diện tích để phân lô, phân nền) những năm 1997-1998. Theo ông Hùng, mặc dù đến nay vẫn chưa bàn giao cho địa phương, nhưng dù sao quận, phường cũng phải có trách nhiệm quản lý. Ông Hùng nêu ví dụ, trước đây, cũng tại địa bàn P.An Hải Tây, khi thực hiện khu Trung tâm hành chính Q.Sơn Trà, địa phương cũng đã "dẹp" 26 hộ dân chiếm đất ở tạm, quyết không để tình trạng này kéo dài và phát sinh nhiều hệ lụy.
"Các khu nhà tạm tại các tổ trên địa bàn P.An Hải Tây hiện tại không những mất vệ sinh, ảnh hưởng môi trường mà còn mất ANTT, gây khó khăn trong việc quản lý nhân hộ khẩu. Khu này như "khu ổ chuột" nên quận sẽ tổng rà soát để có hướng xử lý. Quan điểm trước mắt là phải tháo dỡ, trả lại mặt bằng sạch, sau đó đề xuất thành phố tính toán xây dựng khu công viên công cộng hoặc công trình phúc lợi xã hội cho phù hợp", ông Hùng đề xuất.
Để tìm hiểu về "chủ nhân" chịu trách nhiệm quản lý những khu đất trên, cũng như hướng giải quyết trong thời gian tới, chúng tôi đã "gõ cửa" một số cơ quan, đơn vị có liên quan như BQL Dự án xây dựng số 3, Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố... nhưng không tìm được câu trả lời. Thiết nghĩ, với khu đất dường như "vô chủ" (chưa có đơn vị quản lý) trên, hàng chục hộ dân chiếm đất làm nhà tạm ở gần chục năm nay mà chưa dẹp được cũng không có gì khó hiểu. Đề nghị cơ quan chức năng TP Đà Nẵng khẩn trương vào cuộc để sớm có hướng xử lý rốt ráo, tránh tình trạng hình thành và tồn tại các "khu ổ chuột" tương tự trong lòng thành phố, nhất là khi Đà Nẵng đang thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố môi trường, nếp sống văn hóa văn minh đô thị...
Doãn Nguyên Hưng (CADN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.