Với nhiều công trình hạ tầng trọng điểm được đầu tư xây dựng, khu Đông của TP. HCM đang thay da, đổi thịt từng ngày.

Hầm Thủ Thiêm nối quận 1 với quận 2, mở hướng lưu thông mới cho toàn khu Đông Bắc Thành phố

Hạ tầng mở lối

Đông Bắc là cửa ngõ đặc biệt quan trọng về nhiều mặt của TP.HCM. Đây là cửa ngõ kết nối TP.HCM với vùng Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc. Với vị trí đặc thù và quan trọng này, trong những năm qua, TP.HCM đã dồn lực phát triển hàng loạt công trình trọng điểm khu vực này. Hiện nay, nhiều công trình đã và đang được hình thành, tạo nên một diện mạo mới cho toàn khu Đông Thành phố.

Sau công trình “vượt sông” ngoạn mục của cầu Thủ Thiêm và đường hầm Thủ Thiêm để nối liền quận 1 và quận 2, mở ra một hướng lưu thông mới cho toàn khu Đông Bắc, nhiều công trình khác cũng đã đưa vào sử dụng.

Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, những ngày này, Dự án Xa lộ Hà Nội mở rộng cũng đang khẩn trương được thi công. Đây là tuyến đường xương sống chạy từ cầu cầu Sài Gòn đến cầu Đồng Nai, với tổng chiều dài 15,7 km, do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 2.300 tỷ đồng, mở rộng từ 4 - 6 làn xe hiện hữu lên 16 - 20 làn xe. Dự kiến, toàn bộ dự án sẽ chính thức hoàn thành vào tháng 4/2013.

Cũng những ngày này, trên trục đường xương sống Xa Lộ Hà Nội, cầu vượt bằng thép tại ngã tư Thủ Đức đang đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp phục vụ người dân và góp phần giảm ách tắc giao thông trong giai đoạn cao điểm trước tết.

Theo Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, trong tương lai, sẽ làm thêm một cầu có quy mô tương tự, song song với cầu này, nằm ở nửa đường bên trái, theo hướng TP.HCM - Đồng Nai, đúng với quy hoạch 8 làn xe trên Xa lộ Hà Nội.

Một dự án quan trọng khác cũng đang khẩn trương được thi công là Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Đây là dự án do Công ty GS E&C xây dựng theo hình thức đổi hạ tầng lấy đất. Dự án có tổng chiều dài gần 13,7 km, chạy từ Sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) tới Xuân Hiệp (quận Thủ Đức), với tổng vốn đầu tư khoảng 340 triệu USD.

Hiện nay, các hạng mục quan trọng của tuyến đường này gồm những chiếc cầu bắc qua sông Sài Gòn đã cơ bản hoàn tất, nhiều đoạn đường đã cho xe lưu thông tạm. Dự kiến, đến cuối năm 2013, toàn tuyến đường này sẽ chính thức đưa vào sử dụng.

Bên cạnh những dự án đang thi công, hàng loạt công trình cầu, đường khu Đông Thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng thời gian qua đã rút ngắn được rất nhiều thời gian đi lại giữa các quận, huyện, góp phần giảm ách tắc giao thông, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.

Nút giao thông Cát Lái (quận 2) giúp giải tỏa ùn tắc giao thông trên tỉnh lộ 25B và Xa lộ Hà Nội. Còn cầu Phú Mỹ vượt sông Sài Gòn đã được đưa vào sử dụng, nối liền quận 7 với quận 2, tạo nên một sức bật mới cho toàn khu vực.

Bất động sản hưởng lợi

“Dòng chảy" giao thông khu Đông phát triển mạnh đã kéo theo sự phát triển của thị trường bất động sản tại các quận 2, quận 9, quận Thủ Đức. Đã có biết bao nhiêu người dân ở khu vực này đổi đời từ sự phát triển này. Ông Nguyễn Văn Thủy, ngụ đường Trần Não, quận 2, nhớ lại: Khi mới thành lập (1997), quận 2 là vùng đất bưng trũng, bị nhiễm phèn, thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt, thiếu trường lớp, cơ sở y tế, văn hóa, thể thao, chủ yếu là đường giao thông nông thôn, đời sống nhân dân gặp khó khăn nhiều mặt.

“Lúc đó gia đình tôi có được gần 1.000 m2 đất, chủ yếu để trồng trọt và chăn nuôi, nếu bán đất cũng chỉ chừng vài trăm ngàn đồng/m2. Nhưng năm ngoái, tôi bán 100 m2, được hơn 3 tỷ đồng, có vốn xây dựng lại ngôi nhà mới”, ông Thủy nói và cho biết, trước đây, muốn đi qua trung tâm Thành phố, bà con phải đi vòng qua Cầu Sài Gòn hoặc đi phà Thủ Thiêm, mất ít nhất 30 phút. Bây giờ, chỉ cần 5 đến 10 phút là có thể sang quận 1.

Có thể nói, quận 2 hiện đang có nhiều đại công trình nhất Thành phố. Từ những dự án khủng nằm trong tổng thể Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hàng loạt công trình vui chơi công cộng, giải trí cao cấp, nhà cao tầng đang thi nhau mọc lên, rải đều ở các phường trong quận. Chỉ tính riêng phường Bình Khánh đã có ba dự án xây dựng căn hộ cao cấp đang được triển khai.

Ở dự án 38,4 ha Bình Khánh, có bốn đơn vị tham gia đầu tư, xây dựng khu căn hộ cao cấp. Khu 30,2 ha Bình Khánh do Công ty TNHH Phát triển quốc tế Thế Kỷ 21 đầu tư xây dựng 4.213 căn hộ; ở khu 17,3 ha Bình Khánh do Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc đầu tư xây dựng 1.844 căn hộ.

Tương tự, ở phường Thạnh Mỹ Lợi, dự án 174 ha Thạnh Mỹ Lợi cũng đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và đã có hàng chục nhà đầu tư tham gia xây dựng căn hộ cao cấp.

Tại phường Thảo Điền, ngoài làng biệt thự ven sông Sài Gòn đã hình thành, còn có hàng loạt dự án đã và đang được phê duyệt, hứa hẹn sẽ hình thành một thành phố đẳng cấp quốc tế.

Trong đó, phải kể đến Khu đô thị An Phú - An Khánh đón đầu cửa ngõ thành phố, được xem là khu đẹp nhất hiện nay. Có tổng diện tích gần 90 ha, đây là quần thể khu dân cư khép kín, với hàng loạt dự án cao cấp như Thảo Điền Pearl, Estela, Dự án Khu phức hợp Cantavil An Phú - Cantavil Premier; Dự án Intresco... Ước tính, đến nay, trên 90% diện tích của quận 2 được phủ kín bởi hơn 300 dự án bất động sản.

Ở phường Thạnh Mỹ Lợi, Dự án Thạnh Mỹ Lợi 174 ha cũng đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và căn hộ cao cấp có mức giá trung bình 42 triệu đồng/m2.

Không chỉ riêng quận 2, quận 9 cũng tạo được sức hút nhờ những công trình giao thông trọng điểm. Chẳng hạn, đường vành đai phía Đông TP.HCM (nối quận 2 với quận 9) đoạn từ cầu Phú Mỹ đến cầu Rạch Chiếc mới đã được thông xe, cùng với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành cũng đang hình thành. Những dự án mới có thể kể đến như Villa Park, Riverscape South, Khu biệt thự ven sông Rạch Chiếc, dự án biệt thự The Garland…

Bên cạnh những công trình trên, theo quy hoạch, quận 9 sẽ được xây dựng thành khu đô thị tri thức và công nghệ cao của TP.HCM. Quận 9 có khu công nghệ cao với quy mô 872 ha; Khu đại học quốc gia 800 ha; Công viên văn hóa lịch sử - dân tộc 395 ha.

Đặc biệt, đầu năm 2011, UBND TP.HCM đã có quyết định về Đồ án Quy hoạch Khu giáo dục đại học tại phường Phước Long (quận 9) với quy mô hơn 172 ha.

Theo giới kinh doanh địa ốc, thời gian tới, khu Đông Thành phố vẫn sẽ là điểm sáng của thị trường bất động sản. Khi những dự án giao thông trọng điểm như Xa Lộ Hà Nội, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành… đi vào hoạt động, cả khu vực này hứa hẹn sẽ còn phát triển mạnh hơn.

  • 3 tuyến đường đắt nhất TP HCM

    3 tuyến đường đắt nhất TP HCM

    Từ ngày 1/1/2013, giá đất mặt tiền cao nhất tại TP HCM vẫn thuộc về 3 tuyến đường Lê Lợi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ (quận 1) ở mức 81 triệu đồng mỗi m2. Từ năm 2008 đến nay giá đất vàng không đổi trong suốt 5 năm qua. <br/br>

  • Thị trường bất động sản 2013 sẽ khởi sắc

    Thị trường bất động sản 2013 sẽ khởi sắc

    Với một loạt các chính sách quyết liệt mới của Chính phủ từ cuối năm 2012 nhằm vực dậy thị trường bất động sản, các chuyên gia tuy vẫn dè dặt, thậm chí có ý kiến nhận định khá bi quan, nhưng nhìn chung đa số là cái nhìn khá lạc quan về năm 2013.

  • Quý I/2013, các địa phương phải hoàn tất kế hoạch hỗ trợ nhà ở người có công

    Quý I/2013, các địa phương phải hoàn tất kế hoạch hỗ trợ nhà ở người có công

    Với quyết tâm hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho người có công trong năm 2013, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.

Theo Tăng Triển (Báo Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.