CafeLand – Hàng ngàn hộ dân sống tại dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (Bình Thạnh) đang khấp khởi mừng, lo vì sau hơn 20 năm bị treo, dự án này sắp tới sẽ có chủ đầu tư. Theo nhiều thông tin, chủ đầu tư mới của dự án này sẽ là tập đoàn Bitexco.

Nằm giữa trung tâm TP.HCM nhưng khu Bình Quới - Thanh Đa chẳng khác một vùng quê.

Thực tế, thông tin tập đoàn Bitexco được chọn làm chủ đầu tư mới của dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đã xuất hiện từ năm 2013. Thế nhưng, đến nay UBND TP.HCM vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức.

Mới đây, thông tin UBND thành phố sẽ quyết định chủ đầu tư cho dự án này vào tháng 11 này, lại khiến cho hàng ngàn hộ dân sinh sống tại dự án nửa mừng, nửa lo. Mừng vì sắp tới họ sẽ thoát được cảnh sống cực khổ vì dự án “treo” suốt hơn 20 năm qua, lo vì không biết chủ đầu tư mới có đủ khả năng để thực hiện dự án, hay lại như chủ đầu tư trước nhận rồi lại để đó không làm.

Theo tìm hiểu, dự án khu đô thị du lịch, sinh thái Bình Quới – Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh) được UBND TP.HCM phê duyệt vào năm 1992. Đến năm 2004, thành phố thu hồi, giao đất cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Thế nhưng, đến năm 2010, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn bị thu hồi quyết định chủ đầu tư. Sau đó, Tập đoàn Bitexco được thành phố giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2000 của dự án này vào năm 2011. Đến năm 2015, đồ án quy hoạch 1/2000 của Bitexco được chính thức phê duyệt với quy mô dự án là 450 ha, dân số 45.000 người. Trong tháng 11 tới, UBND thành phố sẽ đưa ra quyết định chọn chủ đầu tư mới cho dự án, nhiều khả năng sẽ là tập đoàn Bitexco.

Do dính “treo” hơn 20 năm, khu Bình Quới – Thanh Đa vẫn được ví như một “nông thôn” thu nhỏ giữa lòng TP.HCM. Đến đây, khung cảnh cuộc sống của người dân chẳng khác mấy một vùng quê với ruộng lúa, bờ ao, những con đường nhỏ dưới những hàng dừa. Thế nhưng, phía sau không gian tưởng như “yên bình” đó là cuộc sống khốn khổ của hàng ngàn hộ dân đã kéo dài hơn 20 năm vì dính quy hoạch. Nhà cửa ở đây đa phần lụp xụp, nhiều căn chỉ làm tạm bợ bằng lá dừa, tấm tôn. Theo người dân ở đây, mặc dù nhà cửa hư hỏng, xuống cấp nhưng họ không thể xây mới, muốn sửa chữa, cơi nới cũng phải xin phép, vướng rất nhiều thủ tục.

Ông Tâm, một người dân sống trong vùng dự án cho biết, bây giờ điều kiện sống đã đỡ hơn trước rất nhiều. Chỉ cách đây vài năm, vùng này không có đường bê tông như bây giờ mà chỉ là những con đường đất nhỏ, lầy lội thậm chí cũng không có điện, nước.

Khi được biết thông tin dự án sắp có chủ đầu tư mới, ông Tâm vẫn tỏ ra e ngại. Ông Tâm chia sẻ, dự án có chủ đầu tư mới thì cũng mừng vì sắp tới sẽ không còn phải sống khổ sở như trước đây nữa. Tuy nhiên, chủ đầu tư mới liệu có làm dự án ngay không, hay lại nhận đất rồi để đó vài năm nữa mới làm. Mặt khác, các phương án, mức giá hỗ trợ đền bù, tái định cư cho người dân như thế nào cũng là một vấn đề. Những thắc mắc của ông Tâm cũng là mối quan tâm chung của hàng ngàn hộ dân sẽ bị ảnh hưởng của dự án.

Trong một phát biểu trên báo chí, đại diện Tập đoàn Bitexco cho biết, doanh nghiệp này đang tiến hành các thủ tục để xin công nhận làm chủ đầu tư dự án, do phải theo đúng trình tự pháp lý nên hiện vẫn chưa có quyết định chính thức. Bitexco cũng đã tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng. Ngay khi có quyết định chấp thuận đầu tư của thành phố, Bitexco sẽ triển khai dự án. Trong vòng 5 năm, chủ đầu tư sẽ tiến hành công tác bồi thường, giải tỏa và xây dựng các trục hạ tầng chính của dự án.

CafeLand ghi nhận một số hình ảnh tại khu Bình Qưới – Thanh Đa:

Những tòa nhà cao tầng đang xây dựng tương phản với cảnh ruộng lúa, đồng quê tại Bình Quới - Thanh Đa.

Đã hơn 20 năm người dân nơi đây phải sống trong cảnh bị quy hoạch treo.

Những ngôi nhà nhỏ, lụp xụp của người dân.

Những con đường nhỏ được đổ đá để người dân đi lại dễ dàng hơn.

Sau bao năm chờ đợi người dân kỳ vọng sẽ sớm thoát khỏi cảnh sống khổ sở vì dự án bị treo.

Những đồng hoang như thế này sẽ biến mất khi dự án được triển khai.

Các phương án hỗ trợ, bồi thường, tái đinh cư được người dân quan tâm khi dự án có chủ đầu tư mới.

Con đường chính nối liền bán đảo Thanh Đa với các quận của TP.HCM.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.