Đó là ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tại hội thảo “Ý nghĩa và tính thực tiễn của Nghị quyết 02 trong việc giải phóng tồn kho bất động sản” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) tổ chức ngày 24/5

Ông Nguyễn Ngọc Thành cho biết, theo thống kê của Bộ Xây dựng cũng như Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đối với nhu cầu nhà ở trên thị trường hiện nay thì nhu cầu về nhà ở xã hội chiếm 70%. Tuy nhiên, theo Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về cho vay vốn nhà ở “NH xem xét và quy định việc cho vay có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật”, thì số lượng người tiêu dùng có khả năng đảm bảo đủ điều kiện để tiếp cận vốn không quá 50%.

Ảnh minh họa

Như vậy, cả người có nhu cầu mua nhà ở xã hội lẫn doanh nghiệp kinh doanh nhà ở xã hội vẫn đang gặp phải một “rào cản kỹ thuật” rất lớn trong vấn đề tiếp cận gói 30 ngàn tỷ hỗ trợ mua nhà ở xã hội. Hiện nay thu nhập của người lao động còn ở mức thấp, chỉ đáp ứng vừa đủ cho nhu cầu sinh hoạt gia đình. Bởi vậy mà việc mua nhà ở dựa vào mức thu nhập cố định là rất khó thực hiện, quy định về tài sản thế chấp để được vay vốn đã làm hạn chế tốc độ giải quyết nhà ở cho đối tượng được mua nhà ở xã hội và nhà cho người có thu nhập thấp.

Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, ông Thành cho rằng, chính sách nhà nước chỉ mang tính hỗ trợ, mà sự hỗ trợ lúc này đang có tính tích cực. Vấn đề tiếp cận vốn nhanh hay chậm, phải có sự nỗ lực và phối hợp của nhà nước, người tiêu dùng và nhà đầu tư chứ không thể chỉ trông chờ vào một bên nào.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, đã gọi là đối tượng có thu nhập thấp, người ta không có nhà để ở nên mới nhờ đến chính sách hỗ trợ của nhà nước thì lấy đâu tài sản để thế chấp. Vậy nên, cần xem xét điều chỉnh lại thông tư 11 để có thể cho người tiêu dùng dùng ngôi nhà đang vay vốn để mua làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng. Như thế sẽ đảm bảo chính sách được đến với người dân một cách hợp tình hợp lý và đáp ứng đúng hoàn cảnh thực tế.

Ông cho biết thêm, ngoài tài sản thế chấp là chính căn hộ đang vay vốn để mua, ngân hàng còn yêu cầu khách hàng phải có thêm một tài sản thế chấp cộng với thu nhập ổn định, như vậy thì con đường để người tiêu dùng còn rất gian nan mới có thể đến được với nguồn vỗn hỗ trợ của chính phủ.

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Hoàng Quân cho rằng, các chính sách và thủ tục làm nhà ở xã hội hiện chưa tạo điều kiện cho nhà đầu tư, không khuyến khích doanh nghiệp tham gia.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, không phải bất cứ đối tượng mua nhà nào cũng phải thế chấp mà tùy đối tượng. Thông tư 11 của NHNN cũng nói rõ là người dân phải có phương án trả nợ, như lương bao nhiêu một tháng, đã có tiền 30% để đối ứng, có nguồn trả nợ... Tuy nhiên có một điều mở là các NH được quyền quyết định phải có thế chấp hay không trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở hiệu quả của việc gói 30.000 tỷ đồng, NHNN và Bộ Xây dựng sẽ phối hợp để tính toán đồng thời căn cứ vào khả năng, nhu cầu của ngân sách, nguồn vốn cũng như nhu cầu thị trường sẽ có đề xuất mới thêm. Nếu NH thấy căn nhà đi mua đã hoàn thiện, vị trí tốt, người đi vay có thu nhập tốt… thì có thể không cần thế chấp. Đối với những người có thu nhập không ổn định thì có thể đòi hỏi thế chấp, khi đó người dân phải đáp ứng các điều kiện NH đưa ra.

Infonet
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.