Theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội, các địa phương phải cơ bản hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ - sổ đỏ) lần đầu trong năm 2013 (đạt tỷ lệ 85%). Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng Hà Nội mới đạt tỷ lệ hơn 40%. Như vậy, chỉ tiêu cấp GCN QSDĐ năm 2013 ở Hà Nội sẽ khó hoàn thành.

Mới cấp được hơn 40%

Từ cuối năm 2012, đầu năm 2013, Hà Nội đề ra chỉ tiêu cấp 86.400 GCN QSDĐ đối với hộ gia đình, cá nhân trong năm 2013. Đến thời điểm này, có thể khẳng định mục tiêu này không thể hoàn thành. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), toàn thành phố mới cấp GCN cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được 7.820/19.247 thửa đất cần cấp, đạt 40,6%. Với các căn hộ chung cư thuộc các dự án nhà ở, do có nhiều vướng mắc nên còn hơn 80.000 căn chưa cấp được GCN.

Giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tại UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Trần Hải

Về nguyên nhân tỷ lệ cấp GCN lần đầu đạt thấp, đại diện Sở TN-MT giải thích, trên địa bàn đang tồn tại nhiều trường hợp các tổ chức kinh tế chưa kê khai đăng ký quyền sử dụng đất và sử dụng đất vi phạm Luật Đất đai như để hoang hóa, sử dụng không hiệu quả, cho thuê mượn trái quy định… Sở đã nhiều lần thông báo tới các tổ chức, cá nhân sử dụng đất đến cơ quan chức năng đăng ký làm thủ tục cấp GCN. Tuy nhiên, số đơn vị, cá nhân đến liên hệ làm thủ tục không nhiều. Chỉ những tổ chức, cá nhân khi có các nhu cầu liên quan đến sử dụng đất như giao dịch bảo đảm, chuyển nhượng, tách nhập doanh nghiệp hoặc xin chuyển mục đích sử dụng đất thì mới liên hệ để được hướng dẫn làm thủ tục. Việc xác định nguồn gốc đất, giải quyết tranh chấp đất đai của các hộ dân rất phức tạp. Ngoài ra, nghĩa vụ tài chính cũng khiến cho nhiều hộ dân chưa mặn mà với việc xin cấp sổ đỏ. Hơn nữa, kinh phí phục vụ công tác này còn hạn chế…

Nhiều quận, huyện của Hà Nội có tỷ lệ hoàn thành cấp GCN rất thấp, với cùng những vướng mắc giống nhau. Ví dụ như thị xã Sơn Tây mới đạt gần 35% kế hoạch năm 2013. Ông Chu Quang Dũng, Trưởng phòng TN-MT Sơn Tây cho biết, toàn thị xã đang tồn đọng gần 8.000 thửa đất của hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp GCN, trong đó hơn 7.200 thửa bị vướng mắc do nguyên nhân liên quan đến thừa kế, tranh chấp đất đai; hồ sơ địa chính ở các xã, phường chưa đủ, thiếu đồng bộ nên việc xác định nguồn gốc, loại đất, thời điểm sử dụng đất gặp nhiều khó khăn.

Đại diện một số quận, huyện cũng phản ánh, nhiều trường hợp sử dụng đất trước ngày 15-10-1993 theo quy định phải thu tiền sử dụng đất bằng 50% giá đất ở do UBND TP Hà Nội quy định đối với phần diện tích đất trong hạn mức giao đất ở; thu bằng 100% theo giá đất ở phù hợp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường tại thời điểm cấp GCN đối với diện tích ngoài hạn mức giao đất ở. Quy định này đang khiến nhiều hộ gia đình không mặn mà làm sổ đỏ vì không có đủ tiền nộp thuế.

Mục tiêu cơ bản hoàn thành vào năm 2015 có đạt?

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN-MT, nhằm đẩy nhanh tiến trình cấp GCN, Sở đã tập trung thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (làm hồ sơ thủ tục cấp GCN qua mạng internet). Để sớm giải quyết các trường hợp tồn đọng trong việc cấp GCN cho các tổ chức trên địa bàn, Sở đã yêu cầu các tổ chức kinh tế sử dụng đất chậm nhất đến ngày 31-12-2013 phải liên hệ với Sở để kê khai, đăng ký quyền sử dụng lần đầu. Đối với trường hợp không đăng ký lần đầu, không đăng ký biến động, không đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất, không đăng ký gia hạn quyền sử dụng đất khi hết hạn sử dụng đất sẽ xử phạt theo quy định. Trường hợp các tổ chức kinh tế chưa kê khai đăng ký quyền sử dụng đất và sử dụng đất vi phạm Luật Đất đai như để hoang hóa, sử dụng không hiệu quả, cho thuê mượn trái quy định... thì lập hồ sơ thu hồi đất.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở TN-MT khẩn trương thực hiện "Đề án cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội; đất tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn thành phố". Mục tiêu của đề án này đến năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành công tác cấp GCN cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Qua đó bảo đảm mỗi thửa đất và tài sản trên đất đều được cấp GCN để tạo điều kiện cho người sử dụng đất thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; đồng thời thiết lập cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý đất đai và lập hồ sơ địa chính, quản lý tài sản nhà nước. Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 180 tỷ đồng được trích từ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo phân bổ của thành phố, trong đó kinh phí năm 2014 thực hiện 103 tỷ đồng, năm 2015 khoảng 77 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang, đến nay cả nước đã cấp 39 triệu GCN QSDĐ lần đầu, đạt gần 90% diện tích đất phải cấp. Hiện có 39 tỉnh đạt chỉ tiêu hơn 85%, có tỉnh đạt hơn 90%, điển hình là TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm, nhưng phải đề cập tới sự quyết tâm của các địa phương. Địa phương nào mà lãnh đạo tỉnh, UBND tỉnh chưa quan tâm, cơ quan TN-MT tham mưu chưa tốt thì công việc sẽ chậm trễ…
Tuấn Lương (Hà Nội Mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.