Chỉ cần khoảng hai ngày là giải quyết xong vi phạm xây dựng của một ấp.

Đó là khẳng định của Sở Xây dựng TP về việc cưỡng chế tháo dỡ nhà không phép tại TP.HCM nói chung và huyện Bình Chánh nói riêng. Chỉ riêng Bình Chánh, chậm nhất đến ngày 15-8 sẽ có 681 căn nhà không phép được xử lý.

Đã tháo dỡ 246 căn

. Thưa ông, tổ công tác đặc biệt do Giám đốc Sở Xây dựng làm tổ trưởng đã làm gì để thực hiện nhiệm vụ do lãnh đạo TP giao (đến ngày 15-8 phải xử lý dứt điểm nhà không phép)?

+ Ông PHAN ĐỨC NHẠN, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP: Tổ công tác đã rà soát, thống kê đầy đủ công trình vi phạm và phân loại quy mô để tháo dỡ. Các công trình nhỏ, mới bắt đầu xây móng sẽ giải quyết trước. Tổ công tác cũng chỉ đạo bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND các xã tăng cường vận động, thuyết phục người dân tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm. Chủ tịch các xã phải có kế hoạch thực hiện chi tiết để đến ngày 15-8 giải quyết dứt điểm công trình vi phạm.

Việc cưỡng chế tháo dỡ đã được thực hiện liên tục từ lúc tổ công tác thành lập. Đến ngày 15-7, tổ đã xử lý được 308/681 công trình vi phạm, trong đó cưỡng chế 246 trường hợp. Hiện chúng tôi đang tiếp tục cưỡng chế các trường hợp còn lại và sẽ cố gắng thực hiện đúng thời hạn do TP giao.

Người dân không nên nghe lời đầu nậu mua những căn nhà được xây dựng không phép để tránh bị “tiền mất tật mang”. Ảnh: X.NGỌC

. Một số người dân phản ánh rằng cùng vi phạm như nhau nhưng có nhà bị tháo dỡ, có nhà lại không do có sự bao che nào đó. Sở giải thích như thế nào?

+ Để chứng minh không có sự bao che trong xử lý, vừa rồi Sở thí điểm cách làm mới: Tổ thanh tra xây dựng (TTXD) phụ trách địa bàn tạm thời được rút ra, thay vào đó là nhóm TTXD phụ trách một ấp tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Sau khi xử lý hết những công trình vi phạm tại ấp này thì sẽ giao lại cho tổ TTXD địa bàn quản lý. Theo báo cáo, chỉ cần khoảng hai ngày là giải quyết xong vi phạm của một ấp.

Xử thật nặng người bao che

. Có ý kiến cho rằng việc tháo dỡ công trình không phép là quá nặng tay với những người nghèo không có chỗ ở phải mua liều xây đại. Trong khi đó những người bao che vi phạm thì không bị xử lý. Ông nghĩ sao?

+ Cần phải nhấn mạnh rằng Nhà nước không tháo dỡ nhà của dân nghèo mà xử lý theo quy định pháp luật những công trình vi phạm. Chúng ta phải đứng trên quan điểm này để tránh khuynh hướng lúc cực hữu, lúc lại cực tả.

Còn về việc những cá nhân bao che cho vi phạm, quan điểm của Sở là khi phát hiện có tiêu cực thì phải kiên quyết xử lý. Tại phiên chất vấn của HĐND vừa qua, Sở cũng đề xuất xử lý kỷ luật nghiêm các chủ tịch UBND phường xã, thị trấn để xảy ra tình trạng xây dựng không phép tràn lan, xử lý nghiêm cán bộ buông lỏng quản lý địa bàn, dung túng cho đầu nậu và chủ đầu tư. Sở sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nếu thấy có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Vừa qua, Sở cũng nhận được thông tin phản ánh tình trạng xây dựng không phép tại ấp Doi, phường 15, quận Gò Vấp là do có sự bảo kê của cán bộ phường, công an. Ngày 26-6, Sở đã lập đoàn kiểm tra và đang chờ kết luận. Nếu đúng có việc đó, Sở sẽ kiên quyết kiến nghị UBND TP xử lý thật nặng cá nhân liên quan.

. Có hay không việc một số công trình chỉ bị tháo dỡ qua loa và vài ngày sau đó đã xây dựng trở lại, thưa ông?

+ Sau khi thực hiện cưỡng chế, tổ công tác đã phân công địa phương và Thanh tra Sở Xây dựng giám sát, theo dõi tình hình. Tại xã Vĩnh Lộc B, sau khi tháo dỡ hơn 100 công trình vi phạm, chúng tôi đã yêu cầu phải tháo dỡ lần thứ hai với gần 70 căn. Lý do là việc tháo dỡ chưa triệt để, có thể sẽ dẫn đến xây dựng trở lại. Một số người thắc mắc vì sao nhà họ bị tháo dỡ hai lần thì đó là câu trả lời.

Không đùn đẩy trách nhiệm

. Một số quận, huyện phản ánh họ rất lo ngại lực lượng TTXD thuộc Sở Xây dựng đùn đẩy trách nhiệm cho địa phương, trong khi địa phương không có lực lượng này. Do đó, công trình xây dựng mới hoặc không phép sẽ rất dễ xuất hiện. Vậy có cần phải xem xét lại việc phân công phối hợp giữa TTXD và địa phương không?

+ Nói như vậy là không chính xác. Nên nhớ, những nghị định liên quan đến việc quản lý, xử phạt vi phạm còn hiệu lực như Nghị định 180/2007, Nghị định 23/2009… đều có nhiều phân lớp để quản lý trật tự xây dựng. Cụ thể, cấp xã quản lý công trình không có giấy phép xây dựng, TTXD địa bàn quản lý công trình có giấy phép và Thanh tra cơ động “quét” lại lần nữa để phát hiện có sót lọt hay không.

Trong các buổi giao ban hằng tuần, 24 đội địa bàn đều có báo cáo cụ thể về số lượng công trình xây mới, công trình vi phạm và việc xử lý đang đến đâu. Do đó, không có tình trạng bỏ lửng hay đùn đẩy trách nhiệm quản lý xây dựng.

Xin cảm ơn ông.

Cẩm Tú (Pháp luật Tp.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.