Chuyện cao ốc Thuận Kiều Plaza đổi chủ và sẽ đập bỏ để xây dự án mới đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhưng làm thế nào để đập bỏ tòa nhà cao tới 33 tầng ở ngay giữa trung tâm quận 5 sầm uất lại không hề đơn giản.
Đập bỏ tòa nhà hoàn toàn có thể, nhưng nó phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng, phương án của chủ đầu tư - Ảnh: Diệp Đức Minh
Theo các chuyên gia, phá dỡ một tòa nhà cao đến 33 tầng gồm 3 block sẽ rất khó khăn, nhất là nằm trong khu dân cư buôn bán sầm uất ngày đêm. Vì đập bỏ tòa nhà không chỉ đập phía trên mà còn phải tính đến cả phần móng, hầm rất kiên cố phía dưới. Từ trước đến nay ở VN chỉ mới đập một số chung cư nhỏ thấp tầng và đã xuống cấp. Còn với tòa nhà lớn như Thuận Kiều Plaza thì chưa thấy bao giờ.
Đánh mìn sẽ rất nguy hiểm
Kỹ sư Nguyễn Văn Đực, Phó tổng giám đốc Công ty Đất Lành, cho rằng tòa nhà có thể đánh sập bằng mìn. Tuy nhiên, phương án này chủ đầu tư phải phối hợp chính quyền địa phương di dời các hộ dân sống xung quanh và đặc biệt là khu chợ sát bên để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân. Ngoài ra, phải tính toán thời điểm thích hợp nhất để nổ mìn và quan trọng nhất là chỉ nổ mìn một lần nhưng toàn bộ công trình bị phá sập. “Phương án này sẽ nhanh gọn nhưng hơi nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn, chủ đầu tư cũng có thể mất nhiều thời gian để đập phá từng tầng của tòa nhà”, ông Đực nói.
Theo ông Nguyễn Văn An, Phó tổng giám đốc Công ty xây dựng Hòa Bình, “về mặt kỹ thuật thì không việc gì không thể làm được”. Trên thế giới có nhiều phương pháp, từ nổ mìn đến phá dỡ thủ công. Mỗi phương án có những ưu và nhược điểm. Nếu đập từ trên xuống rồi chuyển dần vật tư xuống thì mất nhiều thời gian. Còn đặt mìn xung quanh các chân cột, che chắn xung quanh để đánh sập thì rất nhanh. Nhưng giải pháp này có thể gây nguy hiểm cho người dân và các vật kiến trúc xung quanh. Nếu tính toán không kỹ dự án không đổ sụp xuống mà đổ lệch về một bên nào đó thì nguy hiểm vô cùng. “Về nguyên tắc, xây từ dưới lên thì tháo từ trên xuống. Cái gì lắp sau cùng thì phá đầu tiên. Chủ đầu tư sẽ xem xét phương án để không ảnh hưởng đến môi trường, người dân thì làm. Phương án đánh mìn ít được sử dụng ở châu Á và cả ở VN, nhất là ở những nơi đông dân cư. Theo tôi chủ đầu tư không nên dùng phương án đặt mìn vì rất nguy hiểm”, ông An khuyến cáo.
Vì sao ế ẩm ?

Không phải ngẫu nhiên mà trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp bậc nhất TP.HCM ở khu vực trung tâm Q.5 là Thuận Kiều Plaza chỉ có mười mấy hộ sống (mà đa phần là khách thuê lại - PV), trung tâm thương mại cũng chỉ có mấy gian hàng thuê rồi dọn đi chỉ sau một thời gian ngắn buôn bán ế ẩm. Những sai lầm trong thiết kế xây dựng cùng hàng loạt câu chuyện đồn thổi kinh dị về trung tâm này cứ chồng chất theo thời gian khiến tòa nhà gần như bị bỏ hoang mười mấy năm nay.

Ông A Lý, một người Hoa chuyên môi giới nhà đất khu vực này, cho biết khi dự án mới đưa vào hoạt động ông đã dẫn rất nhiều người đến đây xem và thuê mặt bằng kinh doanh. Những năm đầu mức giá bán căn hộ tại dự án này đến 40.000 USD/căn. Mặt bằng cho thuê cũng khoảng 160.000 - 200.000 đồng/m2. Mức giá này được xem là khá đắt đỏ nhưng mọi người vẫn đổ xô về xem nhà và hỏi thuê mặt bằng vì nó là một trong những dự án trung tâm thương mại, căn hộ “hoành tráng” đầu tiên tại TP.HCM được xây dựng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau khách hàng lần lượt “chạy mất dép” khi họ nhận thấy mức giá đắt cộng với thiết kế căn hộ, trung tâm thương mại quá bức bối, trần nhà quá thấp, phòng nhỏ, không gian ngột ngạt... Cách thiết kế, bố trí gian hàng không hợp lý, tối tăm khiến người mua nhà, thuê mặt bằng kinh doanh phải bán nhà, trả lại mặt bằng tháo chạy, để tìm nơi kinh doanh, nơi ở khác. Càng về sau, lượng người đến xem căn hộ thưa dần. “Cho đến 2006, hầu như không có khách đến hỏi mua hay thuê nữa. Đến năm 2009 khi một đám cháy tại đây bùng phát cộng với những lời đồn ma mị ngày càng nhiều khiến nơi đây trở nên hoang vắng, lạnh lẽo”, ông A Lý nói.

Chuyện “ma” ở Thuận Kiều Plaza cũng được đồn thổi đến mức... nhiều người mua nhà xong không dám ở. Ghé vào khu vực này sáng 28.10, hỏi những người sống và làm việc quanh đây ai cũng kể câu chuyện anh T. làm việc cho một công ty của Hàn Quốc thuê văn phòng tại tầng 30 của tòa nhà này đã gặp “ma”. Thậm chí chủ một căn hộ hiện đang cho thuê cũng cho biết bà mua căn hộ nhưng không dám ở vì sợ “ma”. “Căn hộ của tôi khoảng 100 m2 với 2 phòng ngủ chỉ cho thuê được giá 5 triệu đồng nhưng khách thuê chỉ được một thời gian cũng dọn đi, bỏ luôn tiền cọc thuê nhà. Khách nào cũng nói họ thấy ma trong căn nhà. Họ nói ban đêm ngủ thường nghe tiếng cọt kẹt ở cửa sổ. Nhưng khi kiểm tra lại thì tất cả các cửa sổ, cửa chính đều đóng. Nhiều người yếu bóng vía thậm chí còn nói thấy những bóng người đi lại trong nhà mỗi đêm. Cả tòa nhà rộng lớn nhưng chỉ có mấy người ở, cộng với những lời đồn đoán có ma nên không ai dám ở. Bản thân gia đình tôi cũng thấy sợ không dám ở, khiến căn nhà bỏ hoang mấy năm nay”, bà này cho hay.
“Sau khi dự án rơi vào tình trạng “chết” lâm sàng, chủ đầu tư vẫn không có kế hoạch “vực dậy” bằng các chính sách thu hút khách hàng mà gần như buông xuôi khiến tòa nhà càng “thê thảm” hơn”, A Lý nói.
Về nguyên tắc, xây từ dưới lên thì tháo từ trên xuống. Cái gì lắp sau cùng thì phá đầu tiên. Phương án đánh mìn ít được sử dụng ở châu Á và cả ở VN, nhất là ở những nơi đông dân cư. Theo tôi chủ đầu tư không nên dùng phương án đặt mìn
vì rất nguy hiểm
Ông Nguyễn Văn An, Phó tổng giám đốc Công ty xây dựng Hòa Bình

Để tìm hiểu phương án đập bỏ tòa nhà, PV đã nhiều lần liên lạc với những người lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty An Đông nhưng không nhận được câu trả lời, hoặc thư ký báo “lãnh đạo đang bận họp”.

Chủ đề: Thuận Kiều Plaza,
Đình Sơn (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.