Khiếu kiện đất đai, đặc biệt là khiếu kiện kéo dài đang diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Để hạn chế tình trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp…

Ảnh minh hoạ

Rà soát 100% vụ việc khiếu nại

Theo ông Huỳnh Phong Tranh - Tổng Thanh tra Chính phủ, tính đến ngày 15/5/2013, cả nước đã rà soát 528/528 vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai (đạt 100%); xem xét, giải quyết 462/528 vụ (87,5%). Trong đó, đã ban hành thông báo chấm dứt thụ lý hành chính 340/528 vụ việc (64,39%). Nhiều vụ việc được giải quyết đúng pháp luật, không phát sinh tình tiết mới, thống nhất chấm dứt vì đã qua nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lần giải quyết…

Đến nay còn 66/528 vụ việc (12,5%) chưa được giải quyết dứt điểm. Đây là những vụ việc rất phức tạp, nhiều liên quan đến cơ chế, chính sách, cần phải có thời gian nghiên cứu đầy đủ và thống nhất cao giữa các Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo thống kê ban đầu, thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài các ngành, các cấp và địa phương đã giải quyết, khôi phục quyền lợi và hỗ trợ cho công dân 316,29 tỷ đồng; 33,27 ha đất sản xuất; 0,78 ha đất ở; 24 nền nhà tái định cư… tập trung ở một số địa phương như: Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Kom Tum, Bình Phước, Bạc Liêu, Kiên Giang, Tây Ninh.

Bất cập từ cơ chế, chính sách

Nguyên nhân chính của thực trạng trên bắt nguồn từ việc cơ chế, chính sách, pháp luật còn nhiều điểm bất cập. Dù nhiều lần nhà nước thay đổi chính sách về bồi thường, hỗ trợ theo hướng có lợi cho người bị thu hồi đất, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết được các trường hợp mới nhưng có một số trường hợp bị thu hồi đất trước đây so bì, phát sinh khiếu nại.

Thực tế có những vụ việc khiếu nại, tố cáo về bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất rất khó khăn để tìm ra được phương án giải quyết vừa bảo đảm đúng pháp luật vừa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân (như trường hợp giá đất bồi thường thấp hơn so với giá thị trường hoặc trường hợp cùng một dự án nhưng có sự khá nhau về thời điểm thu hồi nên dẫn đến chênh lệch về giá đất). Một số vụ việc khiếu nại do lịch sử để lại (như đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai, nhà ở, đòi lại cơ sở tôn giáo…) công dân khiếu nại phức tạp, gay gắt, kéo dài nhiều năm, nay rất khó khi áp dụng pháp luật để giải quyết.

Công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước ở một số địa phương còn yếu kém, nhất là công tác quản lý đất đai, thể hiện ở việc: thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn để xảy ra sai sót, không theo quy hoạch và quy định của pháp luật. Việc quản lý nhà nước về đất đai ở một số địa phương còn buông lỏng, hồ sơ địa chính lưu trữ không đầy đủ, thiếu cập nhật thường xuyên. Tình trạng lấn chiếm đất công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định, xây dựng nhà ở, công trình trái phép nhưng không được kiểm tra, xử lý kịp thời.

Một số dự án thu hồi đất làm thủ tục thiếu chặt chẽ, không đúng quy định, không tạo sự đồng thuận với người dân trước khi thu hồi đất và lập phương án bồi thường, giải quyết quyền lợi của dân chưa thỏa đáng nên công dân không nhất trí, phát sinh khiếu nại. Đáng chú ý, có dự án thu hồi đất của dân nhưng thời gian dài không sử dụng mà để đất đai hoang hóa, lãng phí hoặc chuyển nhượng dự án kiếm lời, nên công dân bức xúc, phát sinh khiếu nại, tố cáo. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, yếu kém.

Chủ động xử lý khiếu nại

Ông Huỳnh Phong Tranh khẳng định: Từ nay đến hết năm 2013 sẽ tiếp tục chủ động xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các vụ việc đông người, gay gắt, phức tạp; không để xảy ra “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp: Chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong quản lý nhà nước; công khai, minh bạch quá trình xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp tại Thông báo Kết luận số 130-TB/TW ngày 10/01/2008 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

Tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh, phấn đấu đạt tỉ lệ trên 85%; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, vượt cấp. Chú trọng việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 80%. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; trình Quốc hội thông qua Luật Tiếp công dân; ban hành các thông tư hướng dẫn quy trình nghiệp vụ trong giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo…

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào ngày 21/6. Việc thông qua luật được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai; tạo sự minh bạch trong quản lý, sử dụng đất nhằm phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai thông qua việc bổ sung quy định về hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai, quyền tiếp cận thông tin đất đai.
Nguyễn Hải (Báo Công thương)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.