Đó là nhận định của TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM khi góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại buổi thảo luận ở tổ chiều 6/11.

Đại biểu Lê Trọng Sang (TP. HCM) góp ý xây dựng Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại buổi thảo luận ở tổ chiều ngày 6/11

Sao lại thu hồi đất?

Câu hỏi này được lặp đi lặp lại nhiều lần qua những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội vào Dự án Luật Đất đai sửa đổi. Đại biểu Lê Trọng Sang đề nghị thay cụm từ “thu hồi đất” trong Dự thảo luật bằng cụm từ “trưng mua quyền sử dụng đất”, bởi một lý do rất đơn giản: vì đất là sở hữu toàn dân mà Nhà nước chỉ là đại diện chủ sở hữu mà thôi.

“Không thể có chuyện người đại diện lại có quyền thu hồi của chủ sở hữu được, đây là một cách hành xử thiếu bình đẳng cho người có quyền sử dụng đất”, ông Sang nói và kiến nghị Dự thảo luật cũng cần thu hẹp phạm vi trưng mua chỉ để phục vụ mục đích an ninh quốc phòng và công cộng.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trần Du Lịch phân tích, khi các tổ chức, cá nhân được giao đất hoặc được cho thuê đất thì đã phát sinh quyền sử dụng trên đất và đó chính là quyền tài sản. Và khi đã coi là quyền tài sản của dân thì nếu thu hồi là không phù hợp với quy định về quyền tài sản trong Luật Dân sự.

“Chẳng hạn như với loại đất ở được giao không thời hạn như hiện nay thì đất được coi là tài sản của người dân. Trên đất ở đó là nhà cửa và các tài sản khác, với dạng đất như vậy mà bị thu hồi thì chẳng khác nào thu hồi tài sản của người ta, tôi thấy không ổn lắm”, ông Lịch nói và cho rằng, theo quy định của Hiến pháp thì Nhà nước có quyền trưng mua, trưng dụng bất kỳ khi nào để phục vụ cho mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích công cộng, vì vậy không nên chỉ áp dụng một cơ chế là thu hồi.

Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, muốn tránh được tình trạng khiếu kiện kéo dài về đất đai như hiện nay thì Dự thảo luật cần có hẳn 1 chương quy định cụ thể về công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến đất đai trên địa bàn, từ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến thời gian thực hiện. Tâm đắc với kiến nghị này, đại biểu Trần Du Lịch nói thẳng, “không đâu làm đô thị dễ như ở Việt Nam” và dẫn chứng, chỉ cần có một quyết định hành chính được giao làm chủ đầu tư dự án là nhà đầu tư có quyền đi thỏa thuận đền bù để thu hồi đất của dân với giá rẻ rồi bán với giá trên trời, khiến người dân bức xúc.

Ông Lịch kiến nghị, Nhà nước cần có quy hoạch và công khai mục đích sử dụng cho từng thửa đất tại đô thị, sau đó đứng ra lập dự án, thu hồi đất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tổ chức đấu giá cho các nhà đầu tư vào thực hiện dự án. Cách làm này vừa tránh được chuyện “đi đêm dự án” dẫn đến tham nhũng, thất thoát, lại vừa tạo được mặt bằng giá trị quyền sử dụng đất một cách công khai và chính xác.

Đền bù với giá đất nào?

Đây cũng là câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra. Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh phân tích, Dự thảo luật quy định Nhà nước có quyền định giá đất, nhưng dựa trên tiêu chí nào, cơ sở gì là rất khó. “Thực tiễn vừa qua cho thấy, Nhà nước định giá một kiểu, DN định giá một kiểu và người dân lại định giá một kiểu khác, khiến tạo nên cơ chế 2 - 3 giá đất. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện gay gắt và kéo dài về đất đai thời gian qua”, ông Ánh nói.

Một vấn đề nữa, cũng theo ông Ánh, trên cùng một thửa đất có quá nhiều quy định về giá đất như đất ở, đất ao, đất trồng cây lâu năm…, đến khi có quy hoạch và lên kế hoạch thu hồi đất thì vướng vì không thể phân định và tách bạch được các loại đất để tính giá đền bù, đó là chưa kể đến chuyện người dân “chạy” chuyển đổi đất để được hưởng đền bù cao hơn, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng.

Vì vậy, ông Ánh kiến nghị, Dự thảo luật chỉ nên quy định một loại giá đất cho cả một diện tích dự án cụ thể nhất định, đồng thời căn cứ vào nguồn lực để làm đến đâu thu hồi đất đến đó, tránh tình trạng đất thu hồi rồi để hoang hóa. Khi triển khai tiếp dự án thì phải tính giá đền bù tại thời điểm thu hồi đất cho dân.

Đại biểu Lê Trọng Sang thì cho rằng, hiện có sự chênh lệch về địa tô rất lớn khi thu hồi đất làm đường giao thông tại các đô thị. Vì vậy, đại biểu kiến nghị cần thực hiện thu hồi cả đất liền kề mặt đường nhằm tạo quỹ đất đấu giá lấy tiền bù đắp cho làm đường cũng như hạn chế chênh lệch địa tô giữa người dân với nhau.

Cũng theo ông Sang, đối với đất nông nghiệp đã có quy hoạch chuyển đổi mục đích phi nông nghiệp thì cần tính giá đất theo giá trị thặng dư trong tương lai để làm căn cứ xác định tiền đền bù cho người dân. Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị, khi Nhà nước công bố bảng giá đất thì nên lấy căn cứ vào mức giá trung bình 5 năm liên tục trên cùng địa bàn.

Theo Minh Nhật (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.