Theo luật Đấu thầu mới, đề xuất kỹ thuật, năng lực và kinh nghiệm sẽ là những yếu tố được xét đến đầu tiên, thay vì ưu tiên các nhà thầu bỏ giá thấp nhất như trước đây.

“Một giai đoạn hai túi hồ sơ”

Tình trạng nhà thầu Trung Quốc yếu kém, chậm tiến độ, đội giá…đang khiến Việt Nam rơi vào mối nguy do phụ thuộc quá lớn vào nhà thầu nước ngoài. Điều này dấy lên hồi chuông cảnh báo rằng chúng ta đang thiếu một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ liên quan đến đấu thầu và xử lý sai phạm.

Tại Hội thảo “Cơ chế đấu thầu mới – cơ sở để thắng thầu các hợp đồng trong hoạt động xây dựng” diễn ra tại Hà Nội sáng 24/7, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật đấu thầu mới (có hiệu lực từ ngày 1/7/2014) đã đưa ra những giải pháp để loại nhà thầu có năng lực yếu nhưng chào giá thấp để trúng thầu. Theo đó, cơ hội cho các nhà thầu nội là rất nhiều.

Theo ông Tăng, Luật Đấu thầu mới thay thế cho Luật Đấu thầu (2005) đã cải tiến phương pháp đấu thầu, cho áp dụng phương thức “một giai đoạn hai túi hồ sơ”. Theo đó, các nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu vào hai túi riêng, một túi đựng hồ sơ đề xuất kỹ thuật, kinh nghiệm, năng lực và một túi đựng đề xuất tài chính.

Khi xét thầu, túi hồ sơ kỹ thuật sẽ được bóc và đánh giá trước. Nhà thầu nào đáp ứng về năng lực kỹ thuật thì mới được bóc túi hồ sơ về tài chính ra để chọn thầu. Lúc này, nhà thầu nào bỏ giá thấp mới được tính tới.

“Như vậy, chúng ta mới loại bỏ được nhà thầu yếu, năng lực kém. Trước đây, chúng ta thường mở đồng thời cả hai túi kỹ thuật và tài chính. Do vậy, trong một số trường hợp nhà thầu yếu nhưng họ chào giá thấp nên chủ đầu tư lúng túng trong việc đánh giá. Nay, do không bóc túi tài chính nên chủ đầu tư sẽ không bị tác động bởi giá bỏ thầu”, ông Tăng cho hay.

Luật mới cũng “cho điểm” uy tín nhà thầu. Nhà thầu nào có năng lực, kinh nghiệm và uy tín sẽ có điều kiện trúng thầu hơn so với nhà thầu chỉ “chăm chăm” bỏ giá thấp.

Theo ông Tăng, những điều kiện mới trên sẽ giúp hạn chế phần nào lợi ích nhóm, tình trạng “đi đêm”, “quân xanh, quân đỏ” để lựa chọn nhà thầu có năng lực thực sự.

Cùng với đó, Luật Đấu thầu mới còn ràng buộc trách nhiệm của tổ chấm thầu. Nếu cố tình chọn những nhà thầu yếu, tổ chấm thầu sẽ bị xử lý theo luật định.

“Nếu Luật được áp dụng nghiêm sẽ loại bỏ được nhà thầu yếu kém. Nhưng vấn đề là có đủ dũng cảm để loại hay không? Hay lại bị chi phối bởi nhiều vấn đề khác…Và để quá trình chấm thầu công bằng, minh bạch còn cần thêm yếu tố con người nữa.”, ông Tăng nói thêm.


Cầu Đông Trù (Hà Nội) đang chuẩn bị về đích, một công trình chứng tỏ năng lực của nhà thầu Việt Nam (ảnh: Ngọc Thành)

Lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu nhận định, theo quy định mới, việc đẩy mạnh đấu thầu qua mạng cũng được hy vọng sẽ giúp loại nhà thầu yếu kém và cạnh tranh bằng giá do hình thức này sẽ giúp công khai, minh bạch, nhà thầu ở bất kể nước nào cũng có thể tham gia.

Thêm nữa, điều 14, Luật Đấu thầu mới cũng quy định ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu: “Nhà thầu được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước hoặc đấu thầu quốc tế để cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên”.

“Đây cũng là chính là ưu tiên cho các nhà thầu nội, tránh hiện tượng nhà thầu nước ngoài khi trúng thầu mang toàn bộ nhân lực, máy móc, vật tư, nhân lực… sang Việt Nam để thực hiện gói thầu. Trước đây, hàng hóa nước ngoài bao giờ cũng được ưu tiên lựa chọn”, ông Tăng cho biết thêm.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho rằng, Luật Đấu thầu mới là bước tiến mà các nhà thầu Việt Nam đang mong đợi.

Theo ông Hiệp, mặc dù Trung Quốc cũng có những nhà thầu rất mạnh nhưng chúng ta không có đủ thông tin để phân biệt rõ những nhà thầu đó. Do vậy, chúng ta hay đặt yếu tố về giá lên hàng đầu.

Sau khi trúng thầu, các nhà thầu Trung Quốc thường gây khó dễ để đòi bổ sung vốn. Tuy nhiên, giờ đây kiểu làm ăn thiếu chuyên nghiệp như vậy sẽ không còn “đất sống” nữa. Thay vào đó là cơ hội cho các nhà thầu trong nước.

“Cũng không hy vọng Luật Đấu thầu mới sẽ giải quyết được toàn bộ những “trục trặc” nhưng tôi cho rằng sẽ phần nào giảm những bất cập và “lợi ích nhóm”, ông Hiệp chia sẻ quan điểm.

Các nhà thầu nội phải làm gì?

Luật Đấu thầu mới đã mở ra cơ hội lớn cho các nhà thầu trong nước. Song, bài toán đặt ra là phải làm thế nào để vừa phát huy nội lực của các nhà thầu, vừa tích lũy thêm được kinh nghiệm từ đối tác ngoại. Nhiều quan điểm cho rằng, thực hiện được bài toán này cần một sự sàng lọc, các nhà thầu dù ngoại hay nội nếu không đủ năng lực sẽ bị đào thải.

“Nếu nhà thầu nội không đảm bảo được các yêu cầu về trình độ quản lý, máy móc thiết bị, nhân lực và tài chính tất yếu sẽ bị giải thế. DN nào năng lực tốt, thương hiệu uy tín thì cần thiết có cơ chế khuyến khích, chính sách hỗ trợ bằng hàng rào kỹ thuật. Không chỉ sàng lọc nhà thầu mà phải sàng lọc cả quy trình làm việc của cơ quan quản lý và các chủ đầu tư”, một chuyên gia tham dự Hội thảo chia sẻ quan điểm.

Theo nhận định của ông Nguyễn Quốc Hiệp, thời gian 10-15 năm gần đây, năng lực của các nhà thầu Việt Nam đã được nâng cao rất nhiều. Có nhiều nhà thầu có hệ thống công cụ hiện đại, đáp ứng được yêu cầu, kể cả yêu cầu của chủ đầu tư nước ngoài, như Coteccons chẳng hạn.

“Chúng tôi biết có những nhà thầu được chủ đầu tư nước ngoài cho triển khai ngay dự án mà không cần qua đấu thầu bởi họ có niềm tin rất lớn vào một số nhà thầu Việt Nam. Điều này cho thấy, sự phát triển về năng lực của các nhà thầu Việt Nam là điều không còn phải nghi ngờ”, ông Hiệp nhận định.

Tuy nhiên, theo TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng, để nắm bắt được cơ hội mới, các nhà thầu Việt Nam cần phải đổi mới. Bản thân ngành xây dựng cũng phải đổi mới, tái cơ cấu.

“Cần một đội ngũ ít nhân sự thôi nhưng chuyên nghiệp, tính giá thầu giỏi. Việt Nam cũng phải có những DN chuyên cho thuê lao động, máy móc thi công chuyên dụng…Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có thời gian cho các nhà thầu “học việc” thì sau mới cạnh tranh được, chứ 7-8 tuổi thì làm sao cạnh tranh với “anh thanh niên” ngay được. Chúng ta cũng không nên hiểu từ “cạnh tranh” một cách máy móc, đơn giản quá”, ông Liêm khuyến cáo.

Liên quan đến vấn đề này, ông Dương Văn Cận - Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho rằng, các thương hiệu nhà thầu “nội” như VINACONEX, COFICO, Sông Đà… đã từng bước vươn lên rất mạnh, cả trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông và họ đã có đủ năng lực để cạnh tranh với các nhà thầu quốc tế.

Ông Cận lấy ví dụ trước đây để xây một ngôi nhà chừng 15 - 20 tầng với 1 đến 2 tầng hầm thì các nhà thầu Việt Nam rất lúng túng nhưng bây giờ một tòa nhà 30- 35 tầng, các nhà thầu Việt Nam, nhất là các nhà thầu hàng đầu trong nước làm rất tốt.

Hay ngành giao thông trước đây không thi công được cầu thì nay đã làm được những cầu lớn như: Bãi Cháy, Mỹ Thuận và nhiều công trình đường sắt, đường bộ, các cảng và sân bay…

Tuy nhiên, hạn chế của các nhà thầu nội là về tài chính. Các nhà thầu tư nhân thường có vốn nhỏ, các nhà thầu lớn có nguồn vốn lớn nhưng do Nhà nước nắm giữ phần chi phối.

“Chính vì vậy, việc sử dụng nguồn vốn này cần phải được sự phê chuẩn của rất nhiều bước nên mất rất nhiều thời gian. Hiện một số chính sách thuế, tín dụng của Việt Nam chưa ưu đãi đối với chủ đầu tư và nhà thầu trong nước trong khi một số nhà thầu nước ngoài được hưởng ưu đãi. Năng lực cạnh tranh của từng nhà thầu không chỉ phụ thuộc vào thể trạng của chính họ mà còn phụ thuộc vào môi trường thể chế”, ông Cận cho hay.

Ông Cận cũng khuyến cáo bản thân các nhà thầu muốn giành lại lợi thế trên sân nhà thì phải cố gắng, nỗ lực và nghiêm khắc với chính mình, phải tự xây dựng chiến lược và mục tiêu cho mình. Ngay từ những công trình nhỏ phải có phương án tổ chức, quản lý dự án tốt, tạo được tư duy làm việc khoa học để dần hình thành cái chất cần có của nhà thầu.

Quỳnh Anh (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.