Hành lang pháp lý để xử lý hình sự đã có, vấn đề là cơ quan chức năng có áp dụng hay không.

Để giải quyết chuyện không chịu trả giấy tờ nhà, đất chiếm giữ của người khác, ngoài việc sửa các quy định cho đồng bộ, có chuyên gia còn cho rằng các cơ quan chức năng cần mạnh tay truy cứu trách nhiệm hình sự của người không chấp hành án…

Liên tiếp trên hai số báo qua, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh về tình cảnh của nhiều người ở TP.HCM bị người khác chiếm giữ giấy đỏ, giấy hồng nên nhà, đất không thể mua bán hay thế chấp, sửa chữa… Điều đáng nói là dù tòa tuyên buộc bên giữ giấy tờ phải giao trả nhưng nếu họ không chấp hành án thì cơ quan thi hành án (THA) cũng bó tay.

Khó chứng minh ý thức vi phạm?

Ngày 11-6, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lực (Cục trưởng Cục THA dân sự TP.HCM) cho biết trước thực trạng trên, Cục THA TP đã từng có công văn xin ý kiến hướng dẫn của Tổng cục THA dân sự (Bộ Tư pháp).

Sau đó, Tổng cục THA hướng dẫn như sau: Trước hết, chấp hành viên phải tiến hành xác minh làm rõ giấy tờ đó hiện nay đang do ai cất giữ. Trong trường hợp xác định được người phải THA hoặc người thứ ba giữ nhưng không tự nguyện giao thì chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế buộc người đó phải giao giấy tờ để THA theo quy định tại Điều 116 Luật THA dân sự. Nếu người đó vẫn không thực hiện theo quyết định cưỡng chế thì chấp hành viên có quyền xử phạt vi phạm hành chính và đề nghị cơ quan chức năng xử lý hình sự theo quy định.

Bảy năm qua kể từ lúc tòa tuyên án, giấy hồng căn nhà này của bà Lương Mỹ Anh vẫn chưa lấy lại được. Ảnh: T.HIỂU

Hướng dẫn của Tổng cục THA đã khá rõ nhưng theo ông Lực, trên thực tế việc xác định được giấy tờ đang do ai cất giữ là điều rất khó. Chẳng hạn, khi chấp hành viên đến làm việc, người phải THA chỉ cần nói rằng đã làm mất giấy tờ thì chấp hành viên cũng đành nghe vậy chứ chấp hành viên không có quyền khám xét nhà như cơ quan điều tra. Do khó chứng minh được ý thức không chấp hành án của người phải THA nên cơ quan THA không đủ căn cứ để đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự...

Theo ông Lực, các cơ quan liên quan như Bộ Tư pháp, VKSND Tối cao, TAND Tối cao cần phải ngồi lại với nhau để bàn giải pháp tháo gỡ. Chẳng hạn, nghiên cứu để sửa Luật Đất đai, Luật THA dân sự cùng các nghị định, nghị quyết hướng dẫn… cho đồng bộ. Ngoài ra, một giải pháp khác là trong mỗi bản án, quyết định của tòa cần thòng thêm một câu “nếu không thể thu hồi được thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ cũ để cấp lại giấy tờ mới”.

Quyết tâm xử lý, vẫn được!

Ở góc nhìn ngược lại, luật sư Nguyễn Thanh Lương (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre) cho rằng trong một số trường hợp, cơ quan chức năng vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự của người không chịu trả giấy tờ theo bản án, quyết định của tòa để răn đe, giáo dục chung.

Luật sư Lương phân tích: Điều 118 Luật THA đã nêu rõ là nếu người phải THA không thi hành nghĩa vụ thì chấp hành viên quyết định phạt tiền và ấn định thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định để người đó thực hiện nghĩa vụ. Hết thời hạn đã ấn định mà người phải THA vẫn không thực hiện nghĩa vụ thì chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án. Cạnh đó, Điều 304 BLHS quy định rất rõ rằng người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Như vậy, hành lang pháp lý đã có, vấn đề là cơ quan chức năng có áp dụng hay không. Thực tế vẫn có những vụ chây ì THA trong lĩnh vực khác như không thực thi nghĩa vụ trả nợ đã bị khởi tố, truy tố, kết án. Mà về pháp luật hình sự thì hành vi không chấp hành án trả nợ với hành vi không chấp hành án trả giấy tờ không có gì khác nhau.

Theo luật sư Lương, có những vụ bên phải THA cương quyết không chấp hành án, không chịu trả giấy tờ dù cơ quan THA đã nhắc nhở, cưỡng chế chứ không chỉ đối phó bằng cách nói rằng làm mất. Chẳng hạn, trường hợp của bà Lương Mỹ Anh mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trên số báo ngày 10-6. Bà Anh bị anh rể lấy giấy hồng, giả mạo chữ ký để thế chấp vay Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Hoa 1,7 tỉ đồng. Ngân hàng Việt Hoa lại mang giấy hồng của bà Anh “tái thế chấp” cho Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM để vay tiền. Tòa tuyên Ngân hàng Việt Hoa và Ngân hàng Nhà nước cùng có trách nhiệm trả giấy hồng cho bà Anh. Tuy nhiên, phía Ngân hàng Nhà nước không chịu giao trả với lý do chỉ giải chấp giấy hồng khi nào Ngân hàng Việt Hoa trả đủ nợ vay...

Với trường hợp người phải THA hoặc người thứ ba khai báo rằng đã làm mất giấy tờ, luật sư Lương cho rằng cơ quan THA cần lập văn bản buộc họ xác nhận. Căn cứ vào văn bản xác nhận này, cơ quan THA và người được THA đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy tờ mới. Nếu người phải THA hoặc người thứ ba không chịu xác nhận làm mất giấy tờ, cũng không bàn giao giấy tờ theo bản án, quyết định của tòa thì đây chính là căn cứ để cơ quan THA đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự của họ.

Những quy định cần đồng bộ

Khoản 2 Điều 116 Luật THA dân sự quy định trường hợp giấy tờ không thể thu hồi được nhưng có thể cấp lại thì chấp hành viên yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định hủy giấy tờ đó và cấp giấy tờ mới cho người được THA. tuy nhiên, theo Nghị định số 181 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003) và Nghị định số 88 của Chính phủ (về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất), trường hợp này không thuộc các trường hợp được cấp giấy tờ mới.

Tương tự, khoản 2 Điều 116 Luật THA dân sự cũng quy định đối với giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được thì thủ trưởng cơ quan THA dân sự ra quyết định trả đơn yêu cầu thA và hướng dẫn đương sự khởi kiện yêu cầu tòa giải quyết. tuy nhiên, Công văn số 141 ngày 21-9-2011 của hội đồng thẩm phán TAND tối cao lại hướng dẫn rằng các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản như giấy đỏ, giấy hồng… không phải là giấy tờ có giá. Do đó, tòa không thụ lý, giải quyết yêu cầu buộc người chiếm giữ trả lại các giấy tờ này.

Để dân tin

Cơ quan THA cần phải mạnh tay hơn nữa để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như thể hiện sự răn đe nghiêm khắc với các trường hợp khác. Bản án của tòa không được thực thi, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân không được bảo vệ thì còn ai tin vào công lý nữa?

Luật sư NGUYỄN THANH LƯƠNG

Tiến Hiểu (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.