Thi hành án bó tay, ủy ban từ chối cấp giấy hồng mới, kiện lại tòa không thụ lý… Bế tắc, người dân không biết phải làm gì để đòi lại giấy tờ nhà đang bị một công ty chiếm giữ dù đã có quyết định của tòa.

“Quyết định của tòa tuyên trả giấy hồng cho tôi rành rành như thế, họ cố tình không chấp hành mà không ai làm gì được. Tôi không biết phải làm gì nữa” - bà Đỗ Thị Mai, ngụ phường 13, quận Gò Vấp (TP.HCM) chua chát thốt lên khi kể lại vụ việc của mình.

Thi hành án chào thua

Theo lời bà Mai, tháng 2-2009, vợ chồng bà Mai đã cho một người quen là bà PTĐ, đại diện Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Viễn thông MĐ mượn giấy hồng để thế chấp ngân hàng vay tiền. Hai tuần sau khi cho mượn, ngồi suy nghĩ lại, bà Mai thấy lo lắng nên hủy ngay hợp đồng ủy quyền và đòi bà Đ. trả lại giấy tờ nhà. Tuy nhiên, bà Đ. một mực giải thích là công ty của bà đang có nhiều dự án làm ăn lớn với số vốn hàng chục tỉ đồng và khuyên bà Mai cứ yên tâm.

Quãng thời gian sau đó, bà Mai liên tục gọi điện thoại cho bà Đ. để đòi lại giấy hồng không được nên quyết định khởi kiện bà Đ. và Công ty MĐ ra TAND quận Thủ Đức. Tháng 7-2011, TAND quận Thủ Đức đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo đó, Công ty MĐ đồng ý hủy hợp đồng ủy quyền và giao trả bản chính giấy hồng cho bà Mai.

Sau khi quyết định trên có hiệu lực pháp luật, Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức đã vào cuộc, ra quyết định cưỡng chế thi hành án đối với Công ty MĐ. Phía công ty này vẫn cố tình không giao trả giấy hồng cho bà Mai. Đến đây thì Chi cục Thi hành án bế tắc vì không biết cưỡng chế kiểu gì, chế tài ra sao đối với công ty.

Bà Đỗ Thị Mai bức xúc vì không cơ quan nào giúp bà lấy lại được giấy tờ nhà. Ảnh: T.HIỂU

Quận từ chối cấp giấy hồng mới

Sau đó, Chi cục Thi hành án đã làm công văn đề nghị UBND quận Gò Vấp ra quyết định thu hồi, hủy bỏ bản chính giấy hồng đã cấp cho bà Mai và cấp lại giấy mới cho bà.

Thế nhưng UBND quận đã từ chối bởi theo ủy ban, Điều 4 Nghị định 181/2004 của Chính phủ (về thi hành Luật Đất đai) quy định việc thu hồi giấy chứng nhận đã cấp chỉ thực hiện khi cấp đổi giấy chứng nhận, sạt lở tự nhiên đối với cả thửa, có thay đổi ranh giới thửa đất và trong trường hợp thu hồi đất. Trường hợp đã cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng ổn định thì việc thu hồi chỉ thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của tòa đã được thi hành. Ngoài ra, Điều 25 Nghị định 88/2009 của Chính phủ (về cấp giấy đỏ, giấy hồng…) cũng quy định việc thu hồi giấy chứng nhận đã cấp chỉ thực hiện trong trường hợp giấy chứng nhận đó trái với quy định của pháp luật hoặc khi có bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Từ các căn cứ trên, UBND quận Thủ Đức cho rằng giấy tờ nhà của bà Mai không thuộc trường hợp được thu hồi, cấp lại. Theo ủy ban, phía cơ quan thi hành án phải trả lại đơn yêu cầu thi hành án và hướng dẫn bà Mai khởi kiện ra tòa bằng một vụ án khác để yêu cầu tòa tuyên rõ trong bản án là UBND hủy giấy tờ cũ để cấp mới. Lúc đó, ủy ban mới có cơ sở để thực hiện theo.

Kiện lại không được

Tuy nhiên, bà Mai cũng không thể khởi kiện lại theo hướng mà ủy ban gợi ý, bởi ngày 21-9-2011, TAND Tối cao đã ra Công văn 141, hướng dẫn rằng các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất… không phải là giấy tờ có giá theo Điều 163 Bộ luật Dân sự. Do đó, ngành tòa án không thụ lý, giải quyết các yêu cầu đòi lại giấy tờ bị người khác chiếm giữ.

Chưa kể, theo một số chuyên gia, vụ đòi lại giấy tờ nhà của bà Mai vốn đã được một tòa án giải quyết bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật rồi nên về nguyên tắc thì tòa không được giải quyết lại, trừ trường hợp có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm.

Bà Mai buồn bã: “Nhà của tôi vừa qua đã bị mối mọt hết, xuống cấp trầm trọng, rất may ủy ban phường châm chước cho sửa chữa tạm để ở. Gia đình chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng có biện pháp lấy lại giấy tờ nhà cho chúng tôi hoặc cấp giấy mới. Chẳng lẽ quyết định của tòa có hiệu lực pháp luật rồi cũng chỉ để làm cảnh, chẳng lẽ pháp luật phải chào thua, không bảo vệ được những người như chúng tôi hay sao?”.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Nhiều vụ việc cưỡng chế trả giấy tờ đến nay chưa thực hiện được cho thấy quan điểm của các cơ quan nhà nước có liên quan thiếu sự phối hợp đồng bộ. Theo tôi, cần có quy định rõ rằng cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản… cần phải cấp giấy mới cho chủ sở hữu khi cơ quan thi hành án không thể thu hồi để trả cho chủ sở hữu. Ngoài ra, tòa án cũng cần phải thụ lý đơn kiện của người dân về tranh chấp dân sự liên quan đến giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản khi có yêu cầu của người dân, cơ quan, tổ chức…

LÊ THỊ LỆ DUYÊN, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận 3 (TP.HCM)

Phải mạnh tay hơn

Tôi nghĩ là cơ quan thi hành án cần phải mạnh tay hơn với những trường hợp cố ý không giao trả giấy tờ để răn đe chung. Cụ thể là chuyển hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc truy cứu trách nhiệm hình sự những người liên quan về hành vi không chấp hành án. Thực tiễn cũng đã có không ít vụ chây ỳ không thi hành án bị xử lý hình sự rồi.

Luật sư ĐẶNG TRƯỜNG THANH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Tiến Hiểu (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.