Cũng là người đi thuê ở trọ, họ những tưởng việc làm “thầu” cho thuê lại sẽ được lợi đơn lợi kép, nhưng khi cung – cầu bão hòa, câu chuyện kinh doanh trở nên một trải nghiệm khó khăn mà không phải ai cũng biết cách vượt qua…

Từ thuê trọ lên làm chủ thuê, không ít người gặp những tình huống dở khóc dở cười. Ảnh minh họa.

Các xã Mỹ Đình, Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội trước đây thuần nông. Nhưng nhờ nằm trong khu vực quy hoạch khu Liên hợp thể thao Quốc gia, cùng với xu hướng “Tây tiến” đô thị Hà Nội, nên khoảng chục năm trở lại đây đời sống người dân các xã này trở nên giầu có nhờ bán đất và kinh doanh các dịch vụ, trong đó dịch vụ được ưa chuộng nhất là cho thuê nhà trọ.

Với lợi thế đất cha ông để lại rộng, nhiều gia đình đã bán một phần đất để lấy tiền đầu tư xây nhà trọ kiên cố, khép kín, hiện đại. Nhà ít có khoảng gần chục phòng, nhà nhiều khoảng 35 - 40 phòng. Tầng 1 gần mặt đường thì cho thuê làm cửa hàng, văn phòng, giá cho thuê tùy địa điểm và diện tích, còn những tầng trên thì cho thuê ở trọ với giá dao động 1,8 triệu – 2,5 triệu/phòng, tiền điện 4.000 đồng/số (kw), nước 20.000 đồng/m3. Nhẩm tính ra thì đây là một món lợi không nhỏ, mang đến nguồn thu nhập đáng mơ ước so với mặt bằng chung của xã hội.

Nhưng món lợi lớn cho những người có đất đó không phải dành thỏa mãn ước mơ cho tất cả.

Chị Hằng – kế toán của một công ty truyền thông - là người sống và thuê trọ ở Hà Nội đã nhiều năm. Gia đình có điều kiện lại vốn là người năng động thích kinh doanh, thấy việc cho thuê nhà có vẻ “bở ăn”, chị Hằng đã bỏ nhiều thời gian để săn tìm những nhà đang trong quá trình hoàn thiện rồi đặt vấn đề thuê lại cả ngôi nhà.

Sau nhiều ngày tìm kiếm, nhờ người quen dò la khắp hang cùng ngõ hẻm, chị cũng tìm được một căn 4 tầng 8 phòng trong làng bún Phú Đô xã Mễ Trì với giá 14 triệu đồng/tháng, hợp đồng 1 năm gia hạn 1 lần, thanh toán trước 6 tháng.

Chị Hằng nhẩm tính, mỗi phòng chị thuê giá 1,75 triệu đồng/tháng, cho thuê lại 2 triệu đồng/phòng, thêm vào đó là tiền điện, nước, tiền internet, mỗi tháng chị cũng dư ra khoảng vài ba triệu, coi như không phải mất tiền ở trọ mà lại được làm “bà chủ”, đi sớm về muộn không phải làm phiền chủ nhà.

"Thương trường như chiến trường", chỉ đến khi dấn thân vào công việc kinh doanh, nhiều “chủ đầu tư thứ cấp” này mới vỡ lẽ mọi chuyện không đơn giản như họ nghĩ. Hiện nay, do lượng cung tăng nên dịch vụ cho thuê trọ gần như đã bão hòa, người bán không luôn "cầm trịch" thị trường nữa. Thêm vào đó, tình hình kinh tế khó khăn nên nhiều người đã tìm những chỗ trọ xa hơn để tiết kiệm chi phí, khiến những khu trọ nội thành đắt đỏ trở nên ế ẩm.

Căn nhà chị Hằng thuê, có 1 phòng cho chị ở và 7 phòng cho thuê lại mà nửa năm nay tháng nào cũng có người chuyển đi, có thời điểm trống 2 phòng gần tháng mà không có người nào thuê.

Chị còn đau đầu với chuyện khách gian lận tiền điện, nước bằng cách chỉnh công tơ điện, vặn nhỏ nước…, thậm chí có trường hợp còn chủ động thân quen với chị để xin chậm tiền nhà. Ban đầu chị cứ nghĩ mình “tính thanh niên” nên nhiều người quý, ai ngờ họ lợi dụng lòng tốt của chị để "bùng" tiền nhà.

Không chỉ có vậy, thỉnh thoảng chị cũng nhận được những lời đề nghị khiếm nhã. Mới ngoài 30 lại làm trong môi trường năng động, biết cách ăn mặc, chồng là bộ đội thường xuyên vắng nhà, nên thi thoảng chị bị mấy chú “choai choai” nửa đêm gõ cửa trêu ghẹo. “Ban đầu, mình cũng chỉ nghĩ từng là người đi thuê trọ chịu cảm giác chủ nhà “đối đãi” với mình với thái độ như thế nào, bây giờ làm “bà chủ” rồi nên muốn cải thiện mối quan hệ với những người thuê trọ. Nhưng chính sự thân thiện ấy lại làm khổ mình khi gặp phải những khách thuê trọ láu cá”, chị Hằng chia sẻ.

Trong một hoàn cảnh khác, vợ chồng anh Cường quê Bắc Ninh lên Hà Nội thuê được một xuất đất 50m2 tại Mỹ Đình giá 60 triệu đồng/năm. Anh chị phải tự bỏ tiền đầu tư xây nhà cấp 4 trên mảnh đất đó mất 130 triệu để vừa làm chỗ ở vừa làm cửa hàng ăn uống. Số tiền đầu tư ban đầu đã hơn 200 triệu đồng, từ khi cửa hàng ăn uống của anh hoạt động gần 1 năm nay xoay đủ thứ mặt hàng hết bán đồ ăn sáng lại đến bán bia hơi, bán hàng cơm, mà không có hiệu quả.

Khách khứa lèo tèo làm anh chán nản suốt ngày sang hàng nước bên cạnh để chơi xèng, hai vợ chồng thường xuyên to tiếng người nọ đổ lỗi người kia không biết cách làm ăn.

Xu hướng người thuê nhà để trở thành chủ nhà đang trở nên phổ biến. Rất nhiều người đã tự đứng ra thuê nhà rồi cho thuê lại kiếm tiền lãi hoặc để tiết kiệm tiền thuê nhà ở của mình. Nhưng kinh doanh không chỉ trông chờ vào tài năng mà đôi khi cần phải hội tụ cả những yếu tố khác. Có người thành công, nhưng cũng không ít người lâm vào tình trạng dở khóc dở cười như chị Hằng hay anh Cường.

  • GS.Đặng Hùng Võ: Cần thanh lọc các doanh nghiệp BĐS

    GS.Đặng Hùng Võ: Cần thanh lọc các doanh nghiệp BĐS

    "Phải thanh lọc những doanh nghiệp BĐS hoạt động không hiệu quả, thậm chí không có vốn, không có năng lực tài chính, không có tri thức, không có kinh nghiệm. Bởi vì bước vào thị trường BĐS là một thị trường khó tính, phức tạp chứ không phải cứ có mối quen biết, cứ lấy được đất rồi bán ra được là có lời là lao vào..." - Ông Đặng Hùng Võ cho biết.

  • Lo Việt Nam rơi vào “thập kỷ mất mát”

    Lo Việt Nam rơi vào “thập kỷ mất mát”

    Diễn ra tại Nha Trang trong các ngày 5-6/4, Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013 trở thành nơi chia sẻ các khúc mắc, âu lo của giới chuyên gia về khủng hoảng thị trường bất động sản, với nhiều ý kiến lo ngại Việt Nam sẽ rơi vào “thập kỷ mất mát” như nền kinh tế Nhật Bản thời kỳ 1980-1990.

  • Bất động sản le lói tia hy vọng

    Bất động sản le lói tia hy vọng

    Trong ba tháng qua, tất cả các phân khúc sản phẩm của thị trường bất động sản Tp.HCM đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn. Đó là nhận định chung từ báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản Tp.HCM quý 1/2013 do công ty CBRE Việt Nam thực hiện, công bố ngày 4/4.

Xuân Hân (Pháp luật Việt Nam)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.