Các chuyên gia cảnh báo, xử lý nợ xấu diễn ra quá chậm, không tháo gỡ được “cục máu đông”, doanh nghiệp tiếp tục suy yếu và đóng cửa.

Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, việc xử lý nợ xấu của ngân hàng còn chậm, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng có xu hướng tăng trở lại; số lượng nợ xấu được xử lý còn thấp. Đây là một trong những trở ngại quan trọng của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, cản trở tăng trưởng, và tác động khiến kinh tế nước ta phục hồi với tốc độ còn chậm, chưa vững chắc.

Xử lý nợ xấu chậm hơn phát sinh nợ xấu

PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá rằng, tính đến tháng 7/2014, nợ xấu tăng lên 162,2 ngàn tỷ, chiếm 4,11% tổng dư nợ (trong khi đó, cuối năm 2013 chỉ 3,61%). Chỉ số này cho thấy, tốc độ xử lý nợ xấu chậm hơn tốc độ phát sinh nợ xấu. Nợ xấu gắn liền với BĐS trong khi rất nhiều dự án BĐS dở dang đang “đắp chiếu” vì không có tiền.


PGS-TS Trần Đình Thiên

Bức tranh xử lý nợ xấu được ông Thiên phân tích trước hết gắn với việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại. Mục tiêu là dẹp 9 ngân hàng yếu kém (và thực tế đã xử lý được 8) mà không dùng đến ngân sách, triệt tiêu nghịch lý “ngân hàng bé dâng lãi suất để tranh vốn của ngân hàng lớn”. Cùng với đó, đã xây dựng 2 đề án xử lý nợ xấu (gồm thành lập VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng) và tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015).

Kết quả cụ thể là trong 7 tháng đầu 2014, các TCTD đã xử lý được hơn 40,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Và, các ngân hàng bắt đầu quay về với chuẩn mực quản trị nghiêm túc, hiện tượng “ném” tín dụng vào các tài sản rủi ro được ngăn chặn đáng kể.

Tuy nhiên, nợ xấu vẫn tăng. Nếu không cơ cấu lại nợ, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD trên tổng dư nợ tín dụng là 8,09%. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (vốn tự có/tổng tài sản có rủi ro - CAR) tính đến tháng 6/2014 của cả hệ thống tổ chức tín dụng đã giảm 0,71 điểm % so cùng kỳ năm trước.

Hơn nữa, ông Thiên còn đặt vấn đề: tỷ lệ nợ xấu được công bố thấp hơn các con số dự báo hay đánh giá của cách tổ chức quốc tế hàm ý: các ngân hàng hiện vẫn chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, cho thấy tiềm lực vốn của các ngân hàng thấp hơn con số mà họ công bố; để giảm lượng trích lập dự phòng rủi ro.

Trong khi đó, theo đánh giá của ông Thiên, VAMC không thể xử lý nhanh nợ xấu. Nguyên nhân do thiếu thể chế thích hợp (thị trường mua bán nợ). Đến cuối tháng 8/2014, VAMC đã mua được hơn 56 ngàn tỷ đồng nợ xấu, giá mua hơn 46 ngàn tỷ đồng (giá mua nợ xấu = 82% giá nợ gốc); đã bán được 623 tỷ nợ xấu gốc với giá 484 tỷ (77%); bán 212 tỷ tài sản đảm bảo.

Một điểm cảnh báo quan trọng nữa là “khoảng tối cho vay “sân sau”: có thể lên tới hàng trăm ngàn tỷ, không rõ tình trạng sức khỏe, các món vay rất lớn và VAMC chưa đụng đến được”- ông Thiên nhấn mạnh.

Tái cơ cấu ngân hàng chỉ dừng lại ở "bình mới rượu cũ"

Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho hay, các ngân hàng sau hợp nhất, sáp nhập, mặc dù đã có sự tăng lên đáng kể về quy mô vốn và tài sản nhưng các thương vụ sáp nhập, hợp nhất thời gian qua mới chỉ là sự sáp nhập, hợp nhất về mặt cơ học, chứ chưa có sự cải thiện đáng kể về mặt tài chính và quản trị.

Trong khi tái cơ cấu chỉ có hiệu quả sau khi việc mua bán, sát nhập tạo ra một sắc diện mới cho chủ thể cũ. Hiện nay, tái cơ cấu mới chỉ dừng lại ở "bình mới rượu cũ", chưa có sự thay đổi mạnh mẽ cả về chất lẫn lượng, cũng như phương thức hoạt động

Chưa kể, ông Long còn cho rằng, nợ xấu ngày càng khó xác định và đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý cơ bản. Ðề án 254 về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 đặt ra lộ trình đến năm 2015 hoàn thành cơ bản xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, mục tiêu này khó có thể thực hiện được bởi cho đến nay, mặc dù tốc độ tăng nợ xấu có giảm nhưng quy mô nợ xấu còn rất lớn, rủi ro hệ thống vẫn còn và khủng hoảng thanh khoản vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào do ảnh hưởng của nợ xấu.

Vì thế, ông Long nhấn mạnh: Nợ xấu vẫn là 'ung nhọt' của các ngân hàng thương mại. Nếu xét về tỷ lệ nợ xấu, thì đáng nói nhất nằm ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần khi đa số các tổ chức có tỷ lệ vượt 3% - ngưỡng an toàn do NHNN và các tổ chức quốc tế đặt ra. Ông Long cho rằng, việc xử lý nợ xấu hiện nay còn gặp nhiều khó khăn và hiện mới chỉ thực hiện khoanh vùng nợ xấu chứ chưa xử lý dứt điểm được.

Cần tạo vốn để VAMC mua nợ bằng “tiền tươi thóc thật”

PGS – TS Trần Đình Thiên đề xuất rằng, việc ra đời công ty VAMC là một sáng kiến tốt, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Vì cách xử lý này phù hợp với tình trạng ngân sách và sức khỏe ngân hàng, doanh nghiệp yếu, bảo đảm an toàn hệ thống. Nhưng cách làm hiện tại đang khiến tốc độ tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu diễn ra quá chậm, không tháo gỡ được “cục máu đông”, doanh nghiệp tiếp tục suy yếu và đóng cửa.

Cho nên, quan điểm của ông Thiên là phải chịu chi phí và lâu dài. Hơn nữa, về quan điểm thị trường thì cần tạo vốn để VAMC mua nợ bằng tiền tươi thóc thật, tìm nguồn tài chính bằng cách: bán tài sản nhà nước (cổ phần hoá); vay nợ…. Đồng thời, cần phát triển thị trường mua bán nợ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ ngân hàng một phần lãi suất để ngân hàng hạ lãi suất tín dụng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phục hồi.

Một giải pháp nữa là ông Thiên đề nghị thành lập công ty xử lý sở hữu chéo. Dẫn kinh nghiệm Nhật Bản đã áp dụng thành công mô hình công ty chuyên mua cổ phần ngân hàng “Bank’s shareholding purchase”. Ở Việt Nam, khi không ít NH liên quan tới sở hữu chéo chưa niêm yết trên sàn chứng khoán và TTCK đang “bết bát”, tính thanh khoản của các cổ phiếu này không cao và khó bán thì việc thành lập công ty xử lý sở hữu chéo sẽ giải được “bùng nhùng” sở hữu chéo và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các ngân hàng. Công ty này có thể là Công ty TNHH hai thành viên, do Nhà nước sở hữu 50% vốn, phần còn lại là vốn góp của các NHTM quốc doanh được chỉ định.

Còn chuyên gia Ngô Trí Long đề nghị: xử lý nợ xấu, trước mắt cần minh bạch hóa thông tin nợ xấu của từng tổ chức tín dụng. Để thực hiện vấn đề này, NHNN phải có biện pháp kiểm tra và giám sát chặt chẽ hoạt động của từng tổ chức tín dụng, đảm bảo các thông tin về nợ xấu do các tổ chức này cung cấp phải phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế. Bản thân các tổ chức tín dụng cũng cần tích cực xử lý nợ xấu....

Ngoài ra, ông Long cho rằng cần minh bạch thông tin trong các tổ chức tín dụng, tiếp tục sáp nhập ngân hàng yếu kém, tăng cường năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại... Cần phải thực hiện được những điều căn bản này mới góp phần vào tái cơ cấu ngành ngân hàng, tăng cường sức khoẻ cho nền kinh tế.

TS. Lê Đăng Doanh: Xử lý nợ xấu còn cắt khúc, thiếu tính đồng bộ

Ông Doanh nhận định, việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng thời gian qua triển khai nhiều mảng cắt khúc, riêng lẻ, thiếu tính đồng bộ và cho đến nay chưa giải quyết những cản trở chính.

Cụ thể, việc xử lý nợ xấu vẫn chưa đánh giá đầy đủ quy mô nợ xấu, cơ cấu nợ xấu nằm ở đâu: bất động sản, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu chéo ở hệ thống ngân hàng, hay chất lượng tài sản thế chấp? Thêm nữa, mô hình VAMC với số vốn 400 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước ứng ra thực chất không khai thông được nợ xấu!

Đặc biệt, “không có tiền tươi thóc thật "cục máu đông" nợ xấu vẫn còn cản trở quá trình lưu thông của tín dụng trong nền kinh tế./.

Chủ đề: Nợ xấu ngân hàng,
Xuân Thân (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.