Để giảm áp lực vốn quá lớn cho dự án trong giai đoạn khó khăn hiện nay, ACV đã phân kỳ giai đoạn 1a - 1b, nhưng nhu cầu vốn cho 1a vẫn lên tới 5,66 tỉ USD (1 đường băng cất hạ cánh, nhà ga có công suất 17 triệu khách/năm, đáp ứng nhu cầu vào năm 2023), giai đoạn 1b sau đó mới triển khai đầu tư tiếp đáp ứng nhu cầu 25 triệu hành khách vào năm 2025.

Đối với giai đoạn 1a, ACV dự kiến huy động vốn nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay ODA... dự kiến hơn 57.800 tỉ đồng (tương đương 2,7 tỉ USD) để đầu tư các khu vực quan trọng như khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay), hệ thống cấp điện, nước... Các khu vực khác như nhà ga hành khách, hàng hóa, sửa chữa bảo trì máy bay... được huy động từ các nguồn vốn của DN, CP, liên doanh liên kết, hợp tác công tư (PPP) với trị giá gần 2,9 tỉ USD.

Theo ACV, nguồn vốn ODA được huy động từ hỗ trợ tài chính của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và một số chính phủ như Nhật, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc... Các hạng mục sử dụng vốn PPP đang được Bộ KHĐT xây dựng nội dung thông tin chi tiết của dự án.

Được biết hiện đã có một số nhà đầu tư quan tâm đến dự án như Tập đoàn ADP của Pháp; Samsung và cảng hàng không Incheon của Hàn Quốc... Ngoài ra, ACV cũng đề nghị Bộ GTVT được cổ phần hóa để thu hút thêm vốn tư nhân vào đầu tư dự án.