Ông Châu Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai cho biết: Đồng Nai đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng cụm công nghiệp trên địa bàn bởi suất đầu tư quá cao.

Khu Công nghiệp Biên Hòa 2, Đồng Nai. (Ảnh minh họa, nguồn Internet).

Theo ông Nguyệt, do không có bộ tiêu chí riêng về tiêu chuẩn thiết kế, quy hoạch cụm công nghiệp nên việc thẩm định vẫn dựa trên tiêu chí chung của khu công nghiệp. Theo tiêu chí này, diện tích đất cho thuê tại cụm công nghiệp chỉ được chiếm tối đa 60% trong khi quy mô của một cụm công nghiệp chỉ từ 50-75 ha. Chính bất cập này đã khiến cho suất đầu tư hạ tầng tại cụm công nghiệp bị đẩy lên tới 5,8 tỷ đồng/ha, cao hơn nhiều so với suất đầu tư hoàn chỉnh 3,5- 4 tỷ đồng/ha của các khu công nghiệp tại Đồng Nai.

Việc rà soát quy hoạch 34 cụm công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai mới đây cho thấy, hiện chỉ có 2 cụm công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh nhưng nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng là của Nhà nước, còn 6 cụm công nghiệp đang được nhà đầu tư đền bù, giải tỏa nhưng tiến độ rất chậm vì suất đầu tư quá cao. Đây cũng là hệ quả tất yếu bởi các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với năng lực tài chính hạn chế, còn các doanh nghiệp lớn có khả năng tài chính mạnh thường chỉ đầu tư vào khu công nghiệp.

Vì vậy, để tạo thuận lợi cho Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành phố khác phát triển các cụm công nghiệp, Bộ Công Thương cần kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành tiêu chí quy hoạch thiết kế chi tiết dành riêng cho cụm công nghiệp cho phù hợp thực tế. Theo đó, Đồng Nai đề xuất diện tích đất cho thuê trong cụm công nghiệp nên chiếm khoảng 70%, phần hạ tầng cây xanh, thoát nước… chỉ nên chiếm khoảng 30% nhằm giúp hạ suất đầu tư cụm công nghiệp. Chỉ khi suất đầu tư cụm công nghiệp thấp hơn hoặc bằng suất đầu tư khu công nghiệp mới có thể thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào cụm công nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông phục vụ hoạt động của cụm công nghiệp cần có kế hoạch đầu tư tới tận các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong cụm công nghiệp bởi nếu đòi hỏi doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đầu tư hoàn chỉnh như khu công nghiệp thì doanh nghiệp sẽ không đủ tiềm lực để đầu tư.

Thừa nhận về những bất cập này, ông Đỗ Xuân Hạ, Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương- Bộ Công Thương cho biết: Ngay từ năm 2010, Cục đã phát hiện thấy sự bất hợp lý này bởi có nơi, suất đầu tư còn bị đội lên tới 7 tỷ đồng/ha. Tuy nhiên, với vai trò là đầu mối quản lý cụm công nghiệp, Cục chỉ có thể gửi văn bản đề nghị Bộ Xây dựng xem xét do việc đầu tư xây dựng cụm công nghiệp đang áp dụng theo Thông tư 19/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp.

Cuối năm 2012, Cục Công nghiệp địa phương cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về rà soát 2 năm thực hiện Quyết định 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý cụm công nghiệp; trong đó, Cục đã đề nghị Bộ Xây dựng xem xét sửa đổi bởi diện tích cho thuê mà vẫn giữ tối đa 60% thì suất đầu tư sẽ bị đẩy lên cao do phần lấp đầy diện tích tại cụm công nghiệp thấp.

Theo ông Đỗ Xuân Hạ, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối xem xét vấn đề bất cập này. Dự kiến, Chính phủ sẽ họp với đại diện các Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét và sớm giải quyết bất cập này.

Nguyễn Kim Anh (Báo Hải Quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.