Ngày 29-9-2011, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4520, quy định mức phí trần với dịch vụ chung cư nhằm giải quyết những mâu thuẫn gay gắt giữa người dân tại các khu chung cư với chủ đầu tư. Tuy nhiên, quy định về mức giá trần của TP đã sớm thất bại và những tranh chấp vẫn tiếp tục diễn ra không hồi kết.
UBND TP Hà Nội đã gửi kiến nghị lên Bộ Xây dựng
cho phép Hà Nội công bố đơn giá dịch vụ nhà chung cư
Ảnh: HOÀNG LONG
Chung cư hai giá dịch vụ
Ghi nhận về giá dịch vụ tại một số chung cư, có thể nhận thấy, tình trạng "loạn giá” vẫn tiếp tục diễn ra trong suốt một năm qua. Tại chung cư Keangnam, thậm chí chủ đầu tư còn áp dụng hai mức giá dịch vụ. Người dân được lựa chọn giữa mức phí 16.500 đồng/m2 và 4.000 đồng/m2 (mức phí 4.000 sẽ bị cắt giảm nhiều dịch vụ). Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều chủ hộ, về cơ bản dịch vụ ở cả 2 mức giá không có sự khác biệt. "Điều chúng tôi cần không phải mức giá rẻ vì 4.000 đồng đúng là không thể vận hành chi phí ở Keangnam, song mức giá phải đi kèm chất lượng dịch vụ, giá có thể cao nhưng cần nhất là sự minh bạch, rõ ràng, có như thế chúng tôi mới thấy đồng tiền mình bỏ ra là đúng đắn và hiệu quả” – một chủ hộ ở tòa nhà B, tầng 42 bức xúc. Chị Trịnh Thúy Mai, thành viên Ban quản trị chung cư Keangnam cho biết, hiện nay chỉ những hộ gia đình có nhu cầu ở thực sẽ đóng phí 4.000 đồng/m . Những cá nhân cho người nước ngoài thuê lại căn hộ thì mới đóng giá 16.500 đồng/m2. Những hộ ngại tranh chấp cũng đồng ý mức phí do chủ đầu tư đưa ra dù họ chưa thật sự hài lòng về chất lượng dịch vụ.
Ghi nhận ở một chung cư khác, chung cư 93, Lò Đúc do chủ đầu tư Kinh Đô xây dựng. Chị Phan Minh Thúy, Trưởng ban đại diện chung cư cho biết, sau khi mức giá trần được ban hành, phí dịch vụ ở chung cư vẫn giữ nguyên như cũ, tức là 300.000 đồng/căn hộ dưới 180m2 và 400.000 đồng/căn hộ trên 180m2. "Thời gian gần đây, do những tranh chấp, khiếu nại liên miên nên chủ đầu tư cũng không có nhiều động tĩnh. Hiện chung cư đang thiếu bảo vệ, chỉ có người trông xe. Giá nước vẫn ở mức cao, giá điện có dấu hiệu khuất tất. Nhìn chung, so với trước, mức giá vẫn giữ nguyên song chất lượng dịch vụ ở chung cư ngày một xuống cấp. Một số hộ dân ngại va chạm thì vẫn nộp phí, nhưng xu hướng ngừng nộp phí để yêu cầu về chất lượng đang tăng cao”.
Tại một số chung cư có mức phí bình dân hơn, chung cư Pháp Vân – Tứ Hiệp, từ 1-10-2011, chủ đầu tư đã áp dụng mức phí mới là 90.000 đồng/căn hộ/tháng với khu chung cư từ 9 tầng trở lên (đã tăng 30.000 đồng) và 60.000 đồng/căn hộ/tháng với khu chung cư 5 tầng (tăng 20.000 đồng). Song trong nửa năm trở lại đây, mức giá này tiếp tục được thay đổi, quy theo diện tích sử dụng với giá 1.500 đồng/m2. Tuy nhiên, theo phản ánh của cư dân, cư dân đã kiến nghị chủ đầu tư trở về mức thu phí như cũ bởi cách thu phí mới này đang khiến giá cao hơn trước, song, chất lượng dịch vụ không có gì thay đổi.
Vẫn áp dụng giá trần
Khái quát cơ bản về thực trạng phí tại các chung cư có thể thấy, mức phí trần do UBND TP Hà Nội đưa ra hầu như chưa phát huy được tác dụng. Cũng sớm nhận ra điều này, giữa tháng 7 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã gửi kiến nghị lên Bộ Xây dựng cho phép Hà Nội công bố đơn giá dịch vụ nhà chung cư thay cho việc ban hành giá trần hoặc khung giá dịch vụ nhà chung cư. Nếu được chấp thuận, việc công bố đơn giá dịch vụ sẽ sát thực tế hơn, mức giá sẽ thay đổi khi chi phí đầu vào thay đổi. Theo UBND TP, không thể xây dựng được tất cả các loại dịch vụ do tính chất của dịch vụ nhà chung cư. Thêm nữa, việc đưa ra mức phí cứng là không phù hợp với thực tiễn do quan hệ giữa cư dân và người cung cấp dịch vụ là quan hệ dân sự. Đặc biệt, trên thực tế, nhiều bên liên quan đã cố tình hiểu sai, cho rằng mức giá trần là giá cao nhất được thu đối với dịch vụ nhà chung cư, dẫn đến việc tiếp tục tái diễn các tranh chấp.
Song, mới đây nhất, trong công văn số 1725/BXD-KTXD ngày 5-10 của Bộ Xây dựng, Bộ vẫn giữ quan điểm, UBND TP Hà Nội có trách nhiệm ban hành giá trần hoặc khung giá dịch vụ nhà chung cư. Trên cơ sở giá trần hoặc khung giá dịch vụ này, Ban quản trị nhà chung cư, các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, Bộ sẽ nghiên cứu phản ánh của UBND TP Hà Nội về những khó khăn, vướng mắc trong quản lý giá dịch vụ nhà chung cư theo giá trần, đồng thời khảo sát, tập hợp thêm thông tin trên cả nước để báo cáo Chính phủ khi sửa đổi Nghị định số 71/2010/NĐ-CP.
Tại buổi hội thảo được tổ chức vừa qua tại Hà Nội về thực trạng, giải pháp trong quản lý vận hành tòa nhà, ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, cần tạo dựng sự chuyên nghiệp trong quản lý các tòa chung cư, công khai chi phí và làm rõ về các khoản phí, đồng thời, hướng tới mô hình quản lý tòa nhà là công ty cổ phần phi lợi nhuận.
Theo Nguyễn Nga (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.