Cùng với cả nước, trong thời gian qua các địa phương ở miền Trung đã triển khai đồng loạt các dự án nhà ở xã hội nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở cho những người có thu nhập thấp. Thế nhưng do thiếu sự giám sát của các ngành chức năng, sự thiếu trách nhiệm của các chủ đầu tư đã và đang gây ra không ít bức xúc cho người dân.

Khởi công rồi để đó

Tháng 7-2013, Liên doanh Công ty CP Đức Mạnh - Công ty CP Đầu tư - Xây dựng 579 (DCM-CECICO 579) khởi công xây dựng 3 khu chung cư (KCC) thu nhập thấp, gồm 1.558 căn hộ với tổng kinh phí đầu tư 500 tỷ đồng. Đây là những KCC đầu tiên tại Đà Nẵng được nhận hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ đồng của Chính phủ. Tại lễ khởi công, với sự chứng kiến của hàng trăm quan khách, ông Đàm Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Liên doanh DCM-CECICO 579, cho rằng: Việc xây dựng các dự án KCC dành cho người thu nhập thấp tại Đà Nẵng là một trong những chủ trương lớn của Liên doanh DCM-CECICO 579 với mong muốn thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người dân nơi đây. Chính vì vậy, TP Đà Nẵng đã ưu ái giao cho Liên doanh DCM-CECICO 575 những vị trí đắc địa để triển khai dự án này. Đó là những khu đất tại phường An Hải Tây (Sơn Trà) nằm ngay mặt tiền đường Ngô Quyền, 2 khu còn lại nằm sát cầu Trần Thị Lý (cây cầu bắt qua sông Hàn thuộc loại đẹp nhất nhì ở Đà Nẵng).

Thế nhưng, từ ngày khởi công đến nay hơn 8 tháng trôi qua nhưng tất cả chỉ là bãi đất trống, cây cỏ mọc um tùm (dự kiến hoàn thành vào quý 3-2015). Thậm chí tại KCC An Trung 2 (phường An Hải Tây, Sơn Trà), chủ đầu tư cho máy móc đào thành một cái ao rộng hàng trăm mét vuông, sâu đến 2m rồi để cho nước ứ đọng, rong rêu nổi lình bình. Bà Lê Thị Bảy, người bán quán nước ngay sát hàng rào công trình này, cho biết: Họ làm được vài ngày thì lần lượt xe ủi, máy xúc di chuyển đi nơi khác hết. Đã nhiều tháng nay có thấy động tĩnh gì đâu. Bây giờ cả công trình trở thành cái ao nuôi ruồi, muỗi rồi”.

Sau khi khởi công, với vị trí thuận lợi, giá thông báo chỉ từ 6 - 7 triệu đồng/m2 và cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhiều người thuộc diện được mua nhà ở xã hội ở Đà Nẵng hết sức kỳ vọng vào dự án này. Thế nhưng sự “bất động” của dự án đã làm không ít người hụt hẫng. Anh Lê Hải, giảng viên một trường đại học, cho biết: “Thấy vị trí xây dựng dự án quá đẹp, nằm trên khu đất 4 mặt tiền, ngay giữa cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý nên tôi rất muốn đăng ký mua, nhưng nay xem thực tế thì thấy công trình vắng lặng, bỏ tiền ra mua thì biết đến bao giờ mới có được căn hộ để ở”.

Khóc với chung cư

Trong khi đó, tại hai block nhà thuộc dự án nhà ở xã hội nằm trong Khu đô thị mới An Vân Dương (phường Xuân Phú, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) với hơn 200 căn hộ do Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vicoland (Công ty Vicoland) triển khai lần lượt được bàn giao và đưa vào sử dụng. Nhưng nhiều người mua căn hộ chung cư ở đây đã phải khóc ròng vì không những nhận nhà chậm so với hợp đồng mà còn lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi nhà vừa vào ở đã bị thấm dột, sơn tường bị mốc và bong tróc loang lổ, các thiết bị điện và vệ sinh hư hỏng rất nhanh.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu chung cư B Vicoland hệ thống dây điện nối từ đồng hồ chính đến từng căn hộ rối như mạng nhện, sà xuống lối đi hành lang và các cửa ra vào từng căn hộ. Chỉ tay về phía mấy sợi dây điện treo lủng lẳng giữa lối đi hành lang, anh Dương Trí Thành (33 tuổi), chủ căn hộ số 611 ở khu chung cư này, bức xúc nói: “Theo hợp đồng thì tháng 9-2012, Công ty Vicoland sẽ phải bàn giao căn hộ cho gia đình tôi nhưng phải một năm sau (tháng 8-2013), chúng tôi mới nhận được nhà nhưng chưa hoàn thiện. Để có thể đưa gia đình vào ở, tôi và một số hộ dân ở đây phải mua dây điện, ống nước để đấu nối từ bên ngoài vào nhà mới có điện, nước sinh hoạt”.

Trong khi đó, tại khu chung cư A Vicoland người mua căn hộ còn phải đau đầu vì những giấy báo nợ từ “trên trời rơi xuống”. Chị Hoàng Thị Quỳnh Trang (nhà 511, khu A) cho biết: Ngày 25-2-2012, vợ chồng chị đã thanh toán đủ tiền mua nhà gần 298 triệu đồng cho Công ty Vicoland, nhưng sau đó doanh nghiệp trên lại gửi giấy yêu cầu vợ chồng chị phải thanh toán hơn 27 triệu đồng tiền còn nợ. Tương tự, hàng loạt hộ mua nhà chung cư tại đây cũng bị Công ty Vicoland vô cớ biến thành con nợ. Hộ ít thì vài chục triệu đồng, hộ nhiều lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, theo hợp đồng mua bán nhà, phía Công ty Vicoland cam kết sẽ trả lãi suất cho khách hàng theo lãi suất ngân hàng thương mại nếu bàn giao nhà chậm nhưng đến nay tất cả những hộ dân bị giao nhà chậm đều chưa được trả tiền lãi. Công ty này cũng chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho khách hàng theo đúng hợp đồng, dù rất nhiều hộ đã vào ở hơn 1 năm.

Đem bức xúc của những hộ mua nhà trao đổi với ông Trần Đức Vẽ, Phó Giám đốc Vincoland - Huế, ông Vẽ thừa nhận, có tình trạng chậm bàn giao căn hộ như phản ánh bởi một phần do thiếu vốn. Nhiều căn hộ tường bị thấm nước, sơn bong tróc có thể do lỗi pha sơn. Riêng vấn đề nhiều hộ dân ở khu chung cư A nhận được thông báo thiếu tiền ngân hàng thì công ty đã kiểm tra và phát hiện có sự nhầm lẫn ở bộ phận tài chính kế toán.

Trước đây, UBND TP Đà Nẵng đã “cấm cửa”, không cho Công ty Vicoland tiếp tục tham gia các dự án nhà ở xã hội của thành phố do không đảm bảo năng lực tài chính, không thực hiện đúng tiến độ các dự án. Đơn vị này ra Huế để triển khai dự án và đến bây giờ mọi hậu quả chỉ người dân gánh chịu .

Nguyễn Hùng - Văn Thắng (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.