Theo nhận định của một số chuyên gia, danh sách NH giảm lãi sẽ vẫn còn nhiều trong thời gian tới, vì tín dụng tăng chậm, lãi biên có xu hướng thu hẹp hơn. Nhất là khi các NH phải đẩy mạnh việc trích lập dự phòng cho các khoản nợ đã xấu và những khoản nợ có nguy cơ trở thành nợ xấu theo yêu cầu phân loại nợ và trích lập dự phòng của cơ chế mới.

Lợi nhuận giảm do đâu?

Theo báo cáo của một số NHTM, lợi nhuận trong quý I/2014 khá khả quan. Trong đó, bất ngờ nhất phải kể đến Techcombank. Theo báo cáo mà NH này công bố, lợi nhuận hợp nhất trước thuế trong quý I đạt 673 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ, đạt 57% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2014. Ngoài ra, Eximbank, SHB… là NH có lợi nhuận khả quan trong quý I/2014. Dự kiến từ nay đến hết tháng sẽ có thêm nhiều NHTM công bố báo cáo tài chính quý I/2014, nhất là các NH đã niêm yết chính thức.

Cùng với việc tín dụng các NH đang tăng trở lại, giới đầu tư kỳ vọng bức tranh lợi nhuận trong năm 2014 sẽ sáng sủa hơn so với năm 2013. Nhưng, lãnh đạo một NHTMCP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thẳng thắn thừa nhận, diễn biến lợi nhuận các NH có thể đảo ngược, tức là cuối năm lãi giảm hoặc thậm chí thua lỗ. Như năm 2013, lãi quý IV của VietinBank giảm hơn 60%; SHB công bố lợi nhuận quý IV giảm hơn 70%. Hay như ACB công bố lỗ 293 tỷ đồng trong quý IV/2013. Năm nay, không loại trừ tình huống này cũng sẽ xảy ra đối với các NH khi hoạt động kinh doanh dự báo vẫn còn nhiều khó khăn.


Khó khăn của nền kinh tế tác động mạnh đến lợi nhuận của NH

Việc giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn với khách hàng là yếu tố đầu tiên tác động đến lợi nhuận NH. Đây cũng là điều mà các NH băn khoăn khi tiếp tục nhận nhiệm vụ giảm lãi suất cho vay. Một nguyên nhân nữa khiến lợi nhuận khó tăng mạnh, theo TS. Lê Thành Trung – Phó tổng giám đốc HDBank, là do thị trường ngày càng nhiều biến động, đặc biệt những sự kiện thời sự mới xảy ra cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế nói chung và hệ thống NH nói riêng. Vì thế, các NH hy vọng lợi nhuận ở mức chấp nhận được chứ không kỳ vọng lợi nhuận lớn trong năm nay.

Sự thận trọng trên của các NH có vẻ không thừa, khi kết quả kinh doanh trong quý I/2014 cũng cho thấy, nhiều NH đang bị sụt giảm lãi. Trong đó, Sacombank là cái tên đáng chú ý nhất. Sau khi trở lại ấn tượng với kết quả kinh doanh nổi bật trong năm 2013, sang đến quý I/2014, lợi nhuận trước thuế của NH này giảm hơn 11% so với cùng kỳ, đạt 793,8 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là nợ xấu tại NH này đã tăng lên đáng kể từ 1,45% cuối 2013 lên 1,86% khi kết thúc quý I/2014. Hiện, nợ xấu cũng đang là mối lo của nhiều NH khác như DongABank, ACB… Nợ xấu tăng lên gần 4% khiến DongABank giảm lãi tới 60% so với cùng kỳ. Tại ACB, tỷ lệ nợ xấu đã chính thức vượt mốc 3% lên 3,27%.

Theo nhận định của một số chuyên gia, danh sách NH giảm lãi sẽ vẫn còn nhiều trong thời gian tới, vì tín dụng tăng chậm, lãi biên có xu hướng thu hẹp hơn. Nhất là khi các NH phải đẩy mạnh việc trích lập dự phòng cho các khoản nợ đã xấu và những khoản nợ có nguy cơ trở thành nợ xấu theo yêu cầu phân loại nợ và trích lập dự phòng của cơ chế mới. Thông tư 09 sắp áp dụng được dự báo tiếp tục là gánh nặng cho các NH khi tìm kiếm lợi nhuận trong năm 2014. Giới chuyên gia cũng cho rằng, nếu các NH muốn xử lý dứt điểm những “ung nhọt” trong cơ thể mình, việc chấp nhận lợi nhuận sụt giảm, thậm chí chấp nhận thua lỗ để có một sức khỏe tài chính tốt hơn cũng là điều phải tính đến.

Đầu tư giá trị tương lai

Nếu tình hình lợi nhuận của các NH không được khả quan, khả năng chi trả cổ tức cho các cổ đông chắc chắn sẽ khó cao. Trong mùa đại hội cổ đông vừa qua, vấn đề cổ tức được hâm nóng khi nhiều NH chia cổ tức thấp, thậm chí một số NH tuyên bố không chia cổ tức trong vài năm tới.

Thừa nhận việc chia cổ tức thấp là điều không mong muốn, nhưng theo một lãnh đạo NHTMCP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, các cổ đông nên thay đổi quan điểm về vấn đề này. Khi kinh tế khó khăn, NH là huyết mạch của nền kinh tế cũng sẽ không thể hoạt động tốt được. Mặt khác, vị lãnh đạo NHTMCP trên lưu ý, các cổ đông nên quan tâm nhiều hơn đến giá trị cổ phiếu. Đây mới là yếu tố quan trọng.

Ví dụ sau 6 tháng, giá cổ phiếu tăng từ 10 nghìn đồng lên 20 nghìn đồng/cổ phiếu, tăng 100%, lợi tức từ cổ phiếu của cổ đông tăng tương ứng. Còn nếu chỉ trông chờ cổ tức thì rất khó có mức sinh lời cao như vậy. Một số chuyên gia dự báo, cổ phiếu NH sẽ hấp dẫn trong trung và dài hạn, vì các NH đã và đang có những bước tái cấu trúc mạnh mẽ, quyết liệt xử lý các điểm nóng như nợ xấu, sở hữu chéo và cắt giảm các hoạt động rủi ro cao không có lợi cho nền kinh tế như vàng, ngoại hối...

Phân tích thêm giữa lợi nhuận và chia cổ tức, TS. Lê Thành Trung cho rằng, không phải lúc nào mối quan hệ này cũng đồng nhất. Có NH lợi nhuận cao, nhưng do chiến lược phát triển họ muốn dành phần lợi nhuận đó để tái đầu tư, tạo tiềm lực cạnh tranh tốt hơn nên sẽ không chia nhiều cổ tức. Mặt khác, cổ tức hay lợi nhuận cao, thấp còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Ví dụ như đối với DN bán lẻ, khi thị trường đi xuống họ phải chi phí nhiều cho quảng cáo để vực dậy thị trường, giữ thương hiệu. Theo đó, DN mới tiếp tục bán được hàng. Nếu cắt bớt chi phí quảng cáo, tiếp thị thì thương hiệu của DN này rất dễ bị lãng quên. Điều đó đồng nghĩa thị phần thu hẹp, dẫn đến họ phải rời bỏ thị trường bán lẻ.

Đối với các NH cũng vậy, cả nền kinh tế gặp khó khăn, mỗi NH có một chiến lược vượt khó cho mình. Có những NH sử dụng chiến lược tiết giảm tối đa chi phí để có được lợi nhuận. Nhưng lại có NH tranh thủ cơ hội mở rộng tìm kiếm lợi nhuận trong tương lai như phát triển mạng lưới hoạt động, đầu tư công nghệ tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, gia tăng giá trị đem lợi nhuận tốt hơn trong tương lai... Đây là xu thế mà rất nhiều NH Việt Nam đang hướng tới.

Nguyễn Vũ (Thời báo Ngân hàng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.