Theo tính toán của TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nền kinh tế đang trả lãi NH 20 tỉ USD/năm, với lãi suất cho vay 15%/ năm.
Biểu đồ lãi suất huy động và cho vay từ tháng 12/2010 đến tháng 2/2013

Xin được đưa ra một số con số so sánh như sau: 20 tỉ USD tiền lãi cho 2,7 triệu tỉ đồng dư nợ tín dụng trong hệ thống ngân hàng, có giá trị tương đương 1/6 GDP. Vậy, tổng lợi nhuận của các ngân hàng năm qua đạt bao nhiêu? Và có giá trị tương đương bao nhiêu bao nhiêu phần GDP?

Chơi... bập bênh

Theo một số liệu thống kê, đáp số của câu hỏi đầu tiên là: Tổng lợi nhuận của các NH năm 2012 đạt 28.600 tỉ đồng, tương đương 1,36 tỉ USD. Tức lãi từ hoạt động cho vay mà các NH thu được tính trên dư nợ tín dụng đạt trị giá gấp 14,7 lần so với lợi nhuận hạch toán. Và như vậy lợi nhuận của các NH chỉ tương đương 1/88 GDP.

Như vậy, vai trò của các ngân hàng và khả năng bơm hút vốn, lãi từ nền kinh tế là quá lớn, nhưng đóng góp tương quan với tỉ trọng GDP so với số tiền lãi mà các NH đã thu, lại quá khiêm tốn.

Xuất phát từ nghịch lý này, dĩ nhiên, nhiều người sẽ đặt tiếp câu hỏi tại sao không giảm lợi nhuận xuống, để vừa giảm tải cho nền kinh tế khi phải trả lãi khủng cho hệ thống ngân hàng, vừa giảm tải cho chính hệ thống ngân hàng trước áp lực tăng thêm dư nợ tín dụng vào lúc cầu tín dụng suy giảm?

Thực tế, ngân hàng đã giảm lãi quá nhiều lần, trong nhiều đợt và với điểm số phầm trăm được cắt giảm không hề thấp trong suốt năm 2012 rồi. Nhưng, vấn đề là dường như lãi suất vẫn đang… chơi bập bênh. Ở một đầu, lãi suất cơ bản đã được định trần và do các ngân hàng chủ động thỏa thuận (trên kỳ hạn); neo mức 8 phần trăm – mức được cho là thấp “sát đáy”. Đầu kia – lãi suất ra, do các đối tượng muốn vay dường như có tiếng nói “nhẹ hều”, nên dù cả nền kinh tế có đến 2,7 triệu tỉ đồng dư nợ vay, vẫn cheo leo lãi các khoản vay ở hầu hết 15%/năm và trên 15%/năm. Không có mấy người vay được hưởng sự cân bằng, thu khoảng cách hẹp tới 7% trên cái bập bênh đó. Một chuyên gia nói rằng dù NHNN có thống kê bao nhiêu khoản vay đã về mức dưới 15%, thì thực tế vẫn cho thấy có thể còn có nhiều con số sát sườn khác. Còn một đại diện Hội DN TP HCM thì bức xúc: “Dù với lý do gì, trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu hay xử lý nợ xấu, các NH cũng không thể khiến DN phải còng lưng nặng gánh và chia sẻ gánh nặng với các NH như thế. NH luôn nói DN chết, NH chết, nhưng cách họ chia sẻ với chúng tôi đang cho thấy sự quan tâm kiểu khác”.

Có thể điều chỉnh?...

Một cách thực tế, có vẻ hệ thống ngân hàng vẫn chưa nhận thấy sự san sẻ gánh nặng theo cách chi phối cái bập bênh lãi suất này là quá mức. Lãi suất hút về từ hoạt động cho vay xem ra vẫn chưa thể thấm vào đâu, do các NH đang phải đối diện với những thách thức mà cả hệ thống loay hoay chưa xử lý được. Thách thức đó, không chỉ bao gồm nợ xấu, còn gồm cả sự phấp phỏng thanh khoản mà thời gian gần đây, do ứ đọng một đầu cho vay, cảm giác dồi dào từ ứ đọng khiến nhiều người quên mất các NH nhỏ vẫn nhất loạt hút vốn với lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng, ở mức từ 9%/năm trở lên. Thậm chí, là 12%/năm. Nếu cộng vào thêm 7% khoảng cách chênh lệch đầu vào đầu ra lãi suất mà nhiều NH đang tính toán bù cho các chi phí khác, các DN có mơ nổi lãi suất dưới 12%/năm?

Kỳ vọng lãi suất cơ bản chỉ giảm 1% trong năm 2013 như dự báo, sẽ không phải là điều các DN quan tâm nữa.

Bản thân Thống đốc NHNN, vốn đã được Chính phủ giao cho trách nhiệm chính với lạm phát, sẽ không dễ dàng hỗ trợ thanh khoản để các NH chấm dứt trò “thỏa thuận” cho những khoản gửi tiền năm một, thậm chí, cho những khoản tiền gửi vài ba tháng nhưng giá trị món tiền lớn, khách VIP, người quen... Mọi cái giá ưu đãi của NH cho người gửi tiền đều đang đổ gánh nặng ngược lại lên các DN, và chính cả những người đã có tiền đi gửi do nền kinh tế trì trệ, lãi suất cao bào mòn khả năng hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế. Tất nhiên, người gửi tiền sẽ chẳng có cái nhìn thiện cảm nào dành cho Thống đốc nếu Thống đốc đi ngược cam kết của mình, đổi lãi suất một đầu từ thực dương sang âm. Cũng như, các ngân hàng chắc chắn sẽ không mấy ủng hộ người đứng đầu hệ thống nếu ông lại “chơi” chính sách ấn định lãi suất hai đầu, cân bằng và thu hẹp độ chênh của cái bập bênh mà các NHTM vẫn muốn, hoặc bắt buộc phải tạo ra, vì các vấn đề của họ.

Do đó, kỳ vọng lãi suất cơ bản chỉ giảm 1% trong năm 2013 như dự báo, sẽ không phải là điều các DN quan tâm nữa. Thậm chí, lãi suất cơ bản có thể giảm nhiều hơn cũng không phải là điều các DN quan tâm. Ngành NH phải làm gì để dư nợ hệ thống tăng lên, trên con số 2,7 triệu đồng tỉ đồng nhiều lần, nhưng lãi mà họ thu về có thể hạ thấp xuống dưới con số 20 tỉ USD, và lợi nhuận thuần lại có thể cho một tỉ trọng tốt hơn trong tương quan GDP của toàn nền kinh tế? Đây có thể cũng là thách đố mà lời giải liệu sẽ lại “bất khả thi”?

Mỹ Lê (Diễn đàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.