Cơ chế chính sách, pháp luật còn bất cập; công tác quản lý nhà nước về đất đai thiếu chặt chẽ trong một khoảng thời gian dài… là một trong những nguyên nhân dẫn đến phát sinh khiếu nại đông người về đất đai.

Đó là nhận định của UBND TP.HCM tại cuộc làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, diễn ra trong chiều nay, 8.8.

TP.HCM là một đô thị lớn, có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều công trình cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị được triển khai.

Theo UBND TP.HCM, từ 2004 đến 2011, thành phố đã giải quyết thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho 1.540 dự án với tổng diện tích đất hơn 12.601 ha.

Quá trình phát triển này mang lại nhiều lợi ích chung cho cộng đồng, trong đó không tránh khỏi việc một bộ phận nhỏ dân cư bị thu hồi đất để thực hiện dự án cho rằng quyền và lợi ích của mình bị ảnh hưởng, dẫn đến phát sinh nhiều vụ việc khiếu nại.

Từ 2004 đến nay, Văn phòng tiếp công dân TP.HCM đã tiếp xúc 47.203 lượt công dân, trong đó liên quan đến lĩnh vực đất đai là 30.832 lượt công dân (chiếm đến hơn 65% tổng số công dân đến khiếu nại).

Mặc dù UBND TP.HCM luôn chú trọng đến công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; đã vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật theo hướng có lợi cho người có đất bị thu hồi được nhận mức bồi thường, hỗ trợ phù hợp, song số lượng quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai bị khiếu nại còn nhiều, trong đó vẫn còn nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài.

Cụ thể, tổng số quyết định hành chính trong quản lý đất đai là 31.341 quyết định, nhưng có đến 5.059 quyết định bị khiếu nại và chỉ có 3.597 quyết định được giải quyết, còn tồn đọng đến 1.462 quyết định (chiếm gần 30%).

Đa số các đơn tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai tập trung nhiều tại các quận, huyện ngoại thành có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa cao như Q.2, Q.9, Q.12, Q.Thủ Đức và Q.Bình Tân; H.Bình Chánh và H.Hóc Môn.

Trong đó, bồi thường, giải tỏa, tái định cư phát sinh nhiều vụ việc khiếu nại nhất.

Về tình trạng khiếu nại đông người, UBND TP.HCM cho biết trong thời gian qua trên địa bàn thành phố đã xảy ra nhiều vụ gây áp lực lớn cho cơ quan thụ lý giải quyết. Một số vụ việc đã được giải quyết nhiều lần nhưng người dân vẫn không chấp nhận và tiếp tục khiếu nại.

Tuy không tạo thành “điểm nóng” nhưng thời gian gần đây vẫn còn phát sinh thêm một số vụ như dự án khu công nghệ cao (Q.9), khu đô thị Sing - Việt (H.Bình Chánh), dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia TP.HCM (Q.Thủ Đức), dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (Q.Gò Vấp)…

Cơ chế chính sách còn bất cập

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín, nguyên nhân phát sinh khiếu nại đông người là do cơ chế chính sách, pháp luật còn bất cập; công tác quản lý nhà nước về đất đai thiếu chặt chẽ trong một khoảng thời gian dài.

Bên cạnh đó, quá trình giải quyết khiếu nại ở một số quận huyện chưa đảm bảo công khai, dân chủ; việc chấp hành kỷ luật hành chính trong công tác giải quyết khiếu nại đôi khi chưa được coi trọng. Việc thực hiện đối thoại với người đi khiếu nại một số nơi còn mang tính hình thức…


Bồi thường, giải tỏa, tái định cư phát sinh nhiều vụ việc khiếu nại nhất - Ảnh: Diệp Đức Minh

Cũng theo ông Tín, tình trạng đơn khiếu nại tồn đọng quá hạn theo quy định còn nhiều, một phần là chính sách pháp luật thường xuyên có sự thay đổi, thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn và không tương thích về thời hiệu, trình tự thủ tục giải quyết với pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Một khó khăn khác là tình trạng khiếu nại không có điểm dừng, không rõ trách nhiệm cuối cùng thuộc về cơ quan nào làm cho các cơ quan có thẩm quyền gặp nhiều lúng túng trong việc áp dụng quy định pháp luật để giải quyết.

Để đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất và giảm bớt phức tạp cho cơ quan quản lý khi dự án trải qua nhiều giai đoạn, thời gian kéo dài, về thu hồi đất và bồi thường, UBND TP.HCM đề nghị áp dụng nguyên tắc giá bồi thường đất nông nghiệp (trong khu vực phát triển đô thị) quy đổi theo tỷ lệ % giá trị đất ở, cho phép chuyển nhượng quyền được hưởng bồi thường thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất (trên cơ sở đã có chính sách về bồi thường đã được ban hành nhưng chậm triển khai bồi thường).

Theo Thanh Niên
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.