Theo báo cáo của CBRE, quý I/2013, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) ghi nhận 4 vụ chuyển nhượng cao ốc ngay khu trung tâm quận 1 với tổng giá trị ước tính hơn 600 triệu USD. Trong khi đó, tại Hà Nội, có khoảng 70 dự án muốn chuyển nhượng nhưng lượng giao dịch thành công lại rất hạn chế.

Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã chuyển nhượng thành công phần góp vốn của Tổng công ty (tương đương 50% vốn điều lệ) tại Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh

TP.HCM: Những thương vụ hàng chục triệu USD

Tại TP.HCM số lượng dự án muốn bán qua Công ty Sohovietnam (đơn vị chuyên về tư vấn M&A các dự án BĐS) ước chừng khoảng 50 dự án. Điểm đáng chú ý trên thị trường bất động sản TP.HCM quý 1/2013 là khá nhiều cao ốc ngay tại trung tâm Thành phố đã được sang tay chủ mới. Tất cả các dự án đều đã đi vào hoạt động và tọa lạc tại các khu “đất vàng” ở trung tâm quận 1.

Vụ chuyển nhượng có giá trị cao nhất trong đầu năm 2013 là việc hãng hàng không Asiana Airlines, thuộc tập đoàn Kumho (Hạn Quốc) đã mua lại 50% khu phức hợp văn phòng - trung tâm thương mại - khách sạn Kumho Asiana Plaza từ Kumho E&C. Giá trị chuyển nhượng của thương vụ này là 93,9 triệu USD.

Cũng trong quý 1/2013, quỹ đầu tư VinaCapital đã bán khách sạn Legend (2A-4A, Tôn Đức Thắng, quận 1) cho Lotte Hotel & Resort với giá 62,5 triệu USD, nhằm thực hiện chủ trương thoái vốn khỏi lĩnh vực bất động sản.

Trong khi đó, trung tâm thương mại hàng hải Gemadept (Gemadept Tower) Công ty Cổ phần Đại lý liên hiệp vận chuyển, tại số 6 Lê Thánh Tôn, quận 1, cũng đang được doanh nghiệp này lên kế hoạch chuyển nhượng nhằm thanh lý một số tài sản để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính. Gemadept Tower là tòa nhà văn phòng hạng A với tổng diện tích 16.000m2, cao 22 tầng gồm 2 tầng hầm.

Hà Nội: Đại gia lớn cũng “bán” dự án cắt lỗ

Trong khi đó, tại Hà Nội, thống kê của Công ty Sohovietnam cho biết, hiện danh mục các dự án muốn bán tại Hà Nội lên đến khoảng 70 dự án. Trong đó chỉ khoảng 10% là các dự án ở khu trung tâm đang được người mua quan tâm, còn lại đa phần ở các quận vùng ven như Cầu Giấy, Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Trì, Hoài Đức, Mê Linh,…

Điểm qua có thể thấy, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang muốn chuyển nhượng lại dự án. Ban lãnh đạo Licogi16 xác định năm 2013 sẽ chuyển nhượng bất kỳ dự án nào có thể. Hiện Licogi16 đang thực hiện đầu tư một số dự án như Hiệp Thành 12,5ha tại quận 12, Nam An tại Bình Tân, Long Tân và Điền Phước tại Nhơn Trạch, Sky Park và Hoàng Mai tại Hà Nội.

Tại đại hội đại cổ đông năm 2013, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (HDG), cho biết năm 2013 công ty có thể bán vài dự án trong năm 2013, số tiền có thể thu về khoảng 1.400 tỷ. Hiện Hà Đô đang đàm phán với một số đối tác trong và ngoài nước để thực hiện chuyển nhượng lại dự án bất động sản.

Vinaconex 7 cũng đang tìm kiếm đối tác để có thể chuyển nhượng một tòa nhà thuộc dự án khu nhà ở tại khu vực Mỹ Đình mà đơn vị này đang là chủ đầu tư, giá trị chuyển nhượng vào khoảng 150 tỷ.

Vinaconex 2 đặt kế hoạch cho năm 2013 phải tích cực thu hồi vốn ở các dự án đang đầu tư. Cụ thể, bán thứ cấp tại dự án Golden Silk, bán 1622m2 sàn thương mại tại dự án No5 Đông Nam Trần Duy Hưng, dừng một số dự án chưa khả thi như KCN tại Hưng Yên, dự án cải tạo khu chung cư cũ tại Quảng Ninh…

Trước đó, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã chuyển nhượng thành công phần góp vốn của Tổng công ty (tương đương 50% vốn điều lệ) tại Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh – chủ đầu tư dự án Bắc An Khánh.

Mới đây nhất, hôm qua (8/4), Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico - mã SJS) đã công bố sẽ bán một phần dự án Dự án khu đô thị mới Nam An Khánh.

Về giá chào bán các dự án, hiện nay xuống tương đối nhiều so với năm ngoái mức giảm chung khoảng 20%, và giảm khoảng 30% so với thời đỉnh cao, có những dự án giảm sâu khoảng 50% so với trước.

Lãnh đạo CBRE Việt Nam cho rằng, cần xem việc mua bán dự án là chuyện bình thường trên thị trường bất động sản. Hoạt động mua bán dự án đơn thuần là một hình thức kinh doanh chứ không có nghĩa là làm ăn thua lỗ hay mất mặt. Với hình thức mua – bán này, người bán hàng bán được hàng với mức giá có lời và người mua sản phẩm tiếp tục phát triển để sản phầm có khả năng sinh lời.

Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, Marc Townsend ch rằng, làn sóng chuyển nhượng dự án sẽ tiếp tục dâng cao trong thời gian tới vì trong khó khăn tiềm ẩn nhiều cơ hội.

Vũ Anh (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.