Người dân không yêu cầu gì phức tạp, chỉ cần việc thu hồi phải được tiến hành theo quy định của pháp luật. Thế nhưng cơ quan thẩm quyền lại không làm như thế. Tiền hậu bất nhất, họ vừa vòng vo tam quốc lại làm trái pháp luật. Bởi thế, vụ việc mặc dù rất giản đơn nhưng kéo dài 20 năm nay vẫn chưa đến hồi kết thúc…

Nguồn gốc nhà đất

Ngày 1/4/1973 vợ chồng ông Nguyễn Xuân Quang mua của vợ chồng ông Phan Chánh Phước nhà đất tại ở vị trí ngã tư đường, 52B Trần Nguyên Hãn, phường Tân Lập, TP Nha Trang. Nhà đất ngoài 52B Trần Nguyên Hãn, còn có mặt tiền đường Hồng Bàng. Theo bản đồ quy hoạch thị xã Nha Trang đã được cấp thẩm quyền phê duyệt ngày 3/2/1975 thì lộ giới đường Hồng Bàng 13m, đường Trần Nguyên Hãn 13m.

Bức tường xây ngang vỉa hè đường Trần Nguyên Hãn.

Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cấp sổ đăng kí nhà ở số 0944 ngày 25/7/1977; bảng kê khai đứng tên Nguyễn Xuân Quang ngày 18/12/1977 thửa đất có diện tích 120m2. Ông Quang làm thủ tục kê khai đăng kí cấp chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, được UBND phường Tân Lập và UBND thành phố Nha Trang xác nhận ngày 24/11/1992. Năm 1993 ông Quang làm đơn xin sửa chữa nhà. Sở Xây dựng Khánh Hòa cấp Giấy phép số 424/QHXD ngày 12/6/1993; theo đó vị trí nhà cách tim đường Hồng Bàng 8m, đường Trần Nguyên Hãn 9m đúng như quy hoạch.

Tùy tiện hết chỗ nói…

Năm 1995, Nhà nước mở đường Hồng Bàng. Đất của ông Quang bị giải tỏa 30m2; năm 1999 mở đường Trần Nguyên Hãn, ông Quang bị giải tỏa tiếp 18m2.

Điều kì lạ là cả 2 lần mở đường, chính quyền địa phương không ban hành quyết định thu hồi đất và ông Quang cũng không được bồi thường giá trị quyền sử dụng đất? Riêng mặt đường Trần Nguyên Hãn, ngày 27/12/1999 ông được bồi thường 4,5m2 thuộc diện giải tỏa để làm cống thoát nước 7,603 triệu đồng, gia đình ông đã nhận.

Ông Nguyễn Xuân Quang khiếu nại phần diện tích còn lại của 2 dự án (30m2 + 18m2) – 4,5m2 = 43,5m2. Ngày 31/1/2001 UBND tỉnh Khánh Hòa có Công văn số 147/UB gửi ông Quang: Hỗ trợ 30% giá trị 30m2 đất bị giải tỏa để mở rộng đường Hồng Bàng năm 1995 và đền bù 80% giá trị 4,5m2 đất bị giải tỏa để làm đường Trần Nguyên Hãn năm 1999. Tổng số tiền 2 khoản là 16,247 triệu đồng. Ông Quang không hiểu nổi cung cách làm việc tùy tiện nói trên và tiếp tục khiếu nại. Ngày 10/7/2002, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2286/QĐ-UB bác khiếu nại của ông Nguyễn Xuân Quang. Ông khiếu nại lên Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau khi xác minh và làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa, ngày 29/3/2004 Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn 901/BTNMT-TTr với nội dung: “Đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra xác định diện tích trong số 120m2 đất của hộ ông Nguyễn Xuân Quang đã bị giải tỏa năm 1995 và năm 1999 để mở đường Hồng Bàng và đường Trần Nguyên Hãn để bồi thường giá trị quyền sử dụng đất cho ông tại thời điểm thu hồi đất”.

Ngày 9/8/2004 Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Nha Trang tổ chức cuộc họp đưa ra một số vấn đề hết sức ngang ngược. Về giải tỏa đường Hồng Bàng: “Giấy bán nhà viết tay ngày 1/3/1973 giữa vợ chồng ông Quang với vợ chồng ông Phước, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nên hộ ông Quang không đủ điều kiện để xét bồi thường, hỗ trợ. Vì vậy, phải thu hồi số tiền hỗ trợ trước đây đã tính 10,14 triệu đồng. Về giải tỏa đường Trần Nguyên Hãn, do nhà ông Quang nằm ở ngã tư góc đường Hồng Bàng – Trần Nguyên Hãn, để bảo đảm tầm nhìn giao thông và mĩ quan thành phố, Hội đồng đền bù báo cáo UBND tỉnh cho phép bồi thường bổ sung theo đúng lộ giới đường Hồng Bàng 16m. Số tiền bồi thường (18m2 x 1.920.000 đồng x 1,1 hệ số x 80%) = 30.412.800 đồng – 7,603 triệu đồng làm cống thoát nước đã nhận năm 1999, còn 22,809 triệu đồng. Đề nghị ông Quang đến nhận…

Vì sao cùng một thửa đất, một bên được đền bù, một bên không đủ điều kiện đền bù? Quy định nào của pháp luật? Tại sao mặt đường Trần Nguyên Hãn đã đền bù, 4,5m2 cống thoát nước rồi mà vẫn còn 18m2?

Ngày 3/6/2012, sau khi nhận công văn chuyển đơn của UBND thành phố Nha Trang khiếu nại của ông Nguyễn Xuân Quang, Ban Quản lí Dự án Các công trình xây dựng tỉnh Khánh Hòa có Công văn số 707/DADD-GPMB, trả lời hệt như biên bản cuộc họp nói trên. Ngày 4/4/2013, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định 823/QĐ-UBND phê duyệt phương án đền bù thuộc Dự án đường Hồng Bàng đối với ông Nguyễn Xuân Quang. Số tiền bồi thường được tính 30m2 x giá đất 800.000 đồng x hệ số 1,2 = 28,8 triệu đồng. Hỗ trợ lãi suất ngân hàng tính từ 1/1/1995 đến 31/3/2013 số tiền 144.881.309 đồng. Tổng cộng 2 khoản là 173.681.309 đồng?

Từ chỗ chỉ hỗ trợ 30%, sau đó không đủ điều kiện bồi thường phải thu hồi lại số tiền đã hỗ trợ; đến chỗ bồi thường 80%. Vì sao lại có chuyện tùy tiện như vậy? Và tại sao chỉ tính 30m2 đường Hồng Bàng chứ không tính 13,5m2 đường Trần Nguyên Hãn?

Phải nghiêm túc, đúng luật!

Điều 21 Luật Đất đai năm 1993 quy định: “Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành khi có quyết định thu hồi đất đó”. “Sau khi có quyết định thu hồi đất phải lên phương án đền bù giải tỏa”. Những năm 90 thế kỉ trước, ở Khánh Hòa khi thực hiện các dự án, có tình trạng chính quyền địa phương chỉ ban hành quyết định thu hồi đất chung cho cả dự án, sau đó lên danh sách thu hồi từng hộ cá nhân. Tuy nhiên, ở 2 dự án đường Hồng Bàng và Trần Nguyên Hãn, Ban Quản lí Dự án… không trình ra được bất kì một quyết định thu hồi đất nào, cả chung lẫn riêng; mà chỉ có phương án đền bù, hỗ trợ trình UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt, phương án hết sức tùy tiện. Rất tiếc lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa vẫn phê duyệt? Ông Nguyễn Xuân Quang khiếu nại về trường hợp của gia đình đã 20 năm nay yêu cầu Ban Quản lí Dự án các công trình xây dựng tỉnh Khánh Hòa làm việc nghiêm túc, theo quy định của pháp luật. Việc thu hồi đất để mở đường, ông sẵn sàng. Thực tế khi sửa chữa nhà ông đã lùi vào đúng lộ giới. Nhưng khi thu hồi phải ban hành quyết định. Không có chuyện cùng một thửa đất nhưng đường này được bồi thường, còn đường kia lại không đủ điều kiện? Hoặc bên này hỗ trợ 80% bên kia lại chỉ 30%?

Ông Nguyễn Xuân Quang chưa thể nhận bồi thường hay hỗ trợ; diện tích 48m2 lề đường Trần Nguyên Hãn và Hồng Bàng vẫn thuộc quyền quản lí, sử dụng của gia đình ông vì chưa có cấp thẩm quyền nào thu hồi. Ngay việc láng xi-măng vỉa hè gia đình ông cũng tự làm. Để phân biệt đâu là đất công, đâu là đất tư, từ lâu ông Quang đã xây bức tường chắn ngang vỉa hè đường Trần Nguyên Hãn. Đất của ông Quang có nguồn gốc lâu đời, thuộc diện được đền bù 100%, nên không có chuyện hỗ trợ. Đó là yêu cầu chính đáng của ông Quang và là quy định của pháp luật.

Nguyễn Xuân (NCT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.