Tại buổi họp báo diễn ra sáng 28/2, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định: Nhà nước sẽ tiếp tục giữ vai trò định giá các loại đất, nhưng phù hợp với nguyên tắc thị trường…

Trao đổi tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, thời gian qua, những ý kiến góp ý đối với Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2003 phần lớn đều xoay quanh các vấn đề thu hồi đất, bồi thường và tái định cư.

Sẽ giám sát chặt chẽ việc thu hồi và giao đất

Về vấn đề thu hôi đất, ông Hiển cho biết, có 2 cơ chế thu hồi đất, đó là theo chỉ định của Chủ đầu tư và theo quy hoạch. “Trong thời gian vừa qua, chúng ta chủ yếu thực hiện theo chỉ định của chủ đầu tư bởi chúng ta không có tiền. Nhưng sửa đổi sẽ phải khắc phục được tình trạng thu hồi đất tràn lan, đó là Nhà nước sẽ thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Đối với các dự án kinh tế, kế hoạch sẽ phải thông qua Hội đồng nhân dân và có sự giám sát chặt chẽ.” – Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển nói.

Sẽ không có chuyện nhà đầu tư cứ lập dự án là địa phương thu hồi đất để giao - ảnh minh họa

Ông Hiển cũng cho biết, sẽ không có chuyện nhà đầu tư cứ lập dự án là địa phương thu hồi đất để giao mà phải kèm theo các điều kiện như năng lực tài chính, kiểm toán, có ký quỹ, có xem xét việc thực hiện các dự án trước đó như thế nào… “Nếu trước đó đơn vị có dự án đang triển khai chậm, hoặc thực hiện chưa tốt thì chắc chắn sẽ không được giao dự án mới. Tiêu chí này sẽ áp dụng đối với cả cơ quan nhà nước và chủ đầu tư” – Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định.

Riêng đối với đất lúa, ông Hiển nhấn mạnh rằng, sẽ làm rất chặt chẽ. “sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi chấp nhận đầu tư. Một trong những điều kiện cần thực hiện nghiêm, đó là khi nhà đầu tư muốn dùng đất lúa thì phải có phương án bóc lớp đất mặt, nộp bù khoản tiền để nhà nước khai hoang hóa khu vực khác... Điều đó buộc nhà đầu tư phải cân nhắc xem nên sử dụng đất lúa hay đất đồi. Nếu chi phí cho đất lúa quá lớn thì chuyển vị trí khác” – ông Hiển giải thích.

Đối với việc thu hồi dự án treo, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, theo Dự thảo, đối với dự án có chủ trương đầu tư nhưng chưa giao đất, sau 3 năm nếu khong thực hiện được thì đương nhiên bị hủy bỏ. Còn nếu dự án đã giao thuê đát thì chỉ cần sau 12 tháng mà chưa triển khai là bị thu hồi. Đối với dự án đã có một số bước triển khai thì cho phép 24 tháng, thời gian gia hạn 1 lần và tối đa là 12 tháng.

Quá thời hạn đó mà không làm, nhà nước sẽ thu hồi mà không cần phải bồi hoàn những khoản đã chi phí, Vì vậy, nếu nhà đầu tư thấy không làm được thì trả lại cho Nhà nước trước khi hết hạn đầu tư, khi đó vẫn được xem xét bồi hoàn lại. Còn nếu cố tình chây ì giữ dự án thì sẽ không được bồi hoàn” – Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển giải thích và cho biết thêm, tới đây sẽ tăng cường giám sát thường xuyên chứ không phải chỉ kiểm tra, thanh tra đột xuất. “Doanh nghiệp sẽ phải báo cáo thường xuyên về tình hình triển khai thực hiện dự án và tự họ cũng sẽ biết rằng đã rơi vào tình trạng báo động đỏ hay chưa để quyết định trả lại hay làm tiếp” – ông Hiển nói.

Về chủ trương thu hồi đất sạch để đấu giá, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh hiển giải thích: trước đây hoàn toàn giao cho chủ đầu tư, nhưng hướng sửa đổi Luật là Nhà nước sẽ bỏ tiền ra đền bù, thu hồi đất trước rồi mới đấu giá sau. “Các địa phương lúc ấy phải tính toán, các khu vực đất vàng sẽ không làm trụ sở, cơ quan mà để dành đấu giá" - ông Hiển gợi ý.

Nhà nước giữ vai trò định giá

Tại một số cuộc hội thảo gần đây, nhiều đại biểu đã có ý kiến băn khoăn về việc định giá đất bồi thường. Theo đó, có ý kiến cho rằng giá đất phải được tính theo giá thị trường, nhưng có ý kiến lại cho rằng làm như vậy sẽ rất phức tạp và không thể thực hiện được và vì vậy, Chính phủ phải ban hành giá đất.

Giải thích về quan điểm của Ban soan thảo, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định: Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này vẫn xây dựng theo hướng Nhà nước đóng vai trò điều tiết, định giá đất, nhưng phù hợp với giá thị trường. Theo giải thích của ông Hiển, không thể hoàn toàn quyết định giá đất theo giá thị trường bởi thị trường ở Việt Nam mang tính chất ngầm, không ổn định.

Làm thế nào để xác định đâu là giá thị trường thì ở thời điểm này vẫn cần phải có sự quản lý của Nhà nước. Phải xác định giá nào là thực, giá nào là ảo, nếu chúng ta cứ theo thấy thấy giá đất lên đến đâu lại chạy theo đến đó thì rất khó.” – ông Hiển giải thích.

Hơn nữa, ông Hiển cho biết, giá đất liên quan đến hai vấn đề, trong đó phần lớn là liên quan đến nghĩa vụ tài chính như phí và thuế, còn phần liên quan đến bồi thường lại ít hơn. Nếu định khung giá đất cao để đền bù, bồi thường cao thì người dân cũng sẽ phải đóng thuế sử dụng đất, các loại phí… cao.

Theo Luật 2003, bảng giá áp dụng cho tất cả các loại từ thuế, phi, xử lý vi phạm hành chính… đến giao thuê đất… Thực hiện được vài năm, chúng ta thấy không ổn vì thuế thấp thì tốt, nhưng khi tính tiền ruộng đất bồi thường quá thấp thì dân không chịu. Vì vậy, cần phải tách ra làm 2 phương án định giá, Phương án thứ nhất là sử dụng bảng giá nhưng phải cập nhật thường xuyên khi có biến động, sử dụng cho tất cả mục đích. Mặt tích cực của phương án này là cơ quan nhà nước thực hiện dễ. Cái khó là có cập nhật được thường xuyên không, vì khi điều chỉnh bảng giá thì phức tạp. Nếu điều chỉnh cao mà không giảm thuế thì những người thực hiện nghĩa vụ tài chính cao. Được cái "ông" bồi thường thì "ông" sử dụng đất lại phải chịu cao" - Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển nói.

Theo ông Hiển, bất cập của phương án này cũng có thể xử lý được bằng cách, nếu nơi nào chưa xây dựng được bảng giá thì xây dựng giá đất cụ thể. Trong trường hợp giá cao thì nhà nước có thể giảm thuế, sử dụng công cụ thuế để điều chỉnh.

Còn phương án 2 là phương án mà nhiều nước hiện đang làm. Đó là đối với thuế, phí lệ phí thì xây dựng ổn định 5 cho năm. "Thu của Nhà nước thì nhà nước chịu thiệt thôi, giữ ổn định cho dân. Nhà nước thiệt tý nhưng người dân đỡ thiệt thòi, còn khi giao thuê đất thì xác định cụ thể từng trường hợp, cho phép vượt khung” – ông Hiển cho biết.

Tuy nói rằng Nhà nước giữ vai trò định giá đất, nhưng Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cũng khẳng định, nói như thế không phải là nhà nước làm theo kiểu cũ mà sẽ xác định giá đất trên các phương pháp mà các nước trên thế giới đang làm. "4 nguyên tắc nêu trong luật là 4 nguyên tắc phổ biến các nước đang làm. Đối với Việt Nam thì phải từng bước thực hiện chứ nếu không sẽ rất khó" - ông Hiển nhấn mạnh.

Tuệ Khanh (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.