Nhiều dự án khách sạn 5 sao mới đưa vào kinh doanh tại Hà Nội đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay, khi các chỉ số về công suất cho thuê, giá thuê và doanh thu đều sụt giảm.

Intercontinental Hà Nội Landmark (Phạm Hùng, huyện Từ Liêm), Grand Plaza Hanoi (Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy), Crown Plaza (Lê Đức Thọ, huyện Từ Liêm), Candeo Hotel (Đội Cấn, quận Ba Đình), Hotel de L’Opera (Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm)… là những tên tuổi lớn trong lĩnh vực khách sạn được khai trương và đưa vào kinh doanh trong thời gian gần đây. Những dự án này cung cấp gần 2.000 phòng nghỉ tiêu chuẩn 5 sao cho Thủ đô, đáp ứng tốt nhu cầu lưu trú cho những khách VIP ghé thăm Hà Nội trong nửa đầu năm 2012. Tuy nhiên, những “đại gia” trong lĩnh vực khách sạn này đang phải hứng chịu những tác động ghê gớm của khủng hoảng kinh tế đến doanh thu trong lĩnh vực được đánh giá là có triển vọng kinh doanh hết sức ổn định vào những năm 2007 - 2008.

Theo thống kê của Công ty TNHH Savills Việt Nam, quý I/2012, mặc dù đang trong mùa cao điểm của ngành kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhưng công suất thuê phòng vẫn giảm 5% và giá thuê phòng trung bình toàn thị trường giảm 7% so với quý IV/2011. Doanh thu phòng trung bình đạt 915.000 đồng, giảm 16% so với quý trước.

Trong quý I và II/2012, hàng loạt sự kiện quốc tế lớn diễn ra tại Hà Nội, như Triển lãm và Hội thảo quốc tế MTA Hanoi 2012, Hội nghị Thượng đỉnh Năng lượng Thái Bình Dương, Triển lãm quốc tế Vietnam Mining Exhibition 2012…, nên lượng khách quốc tế và nội địa tới Hà Nội tăng 5 - 6% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế khiến khách du lịch chuyển hướng lựa chọn, nhưng nơi lưu trú có giá rẻ hơn khiến áp lực cạnh tranh ngày càng tăng với các khách sạn 5 sao.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL) về xu hướng thị trường trong ngắn hạn, doanh thu của các dự khách sạn 5 sao sẽ tiếp tục khó khăn do yếu tố mùa vụ. Quý II và III là mùa thấp điểm với khách sạn hạng sang, do lượng khách quốc tế giảm sút. Ngược lại, đây là cao điểm của du lịch nội địa, nên khả năng doanh thu của các khách sạn hạng 3 - 4 sao có thể được cải thiện.

Triển vọng thị trường trong trung hạn tiếp tục được dự báo còn nhiều khó khăn khi các tổ hợp khách sạn lớn được hoàn thành và đưa vào hoạt động, như Tổ hợp khách sạn 5 sao JW Marriott Hanoi (cạnh Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình) với gần 500 phòng, Tổ hợp khách sạn 5 sao Gamuda Berhard trong khuôn khổ Dự án Khu đô thị Yên Sở (quận Hoàng Mai) với hơn 500 phòng sẽ được đưa vào hoạt động từ nay đến 2014. Như một hệ lụy tất yếu, những khó khăn trong việc kinh doanh khách sạn là điều kiện thuận lợi cho các vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực này.

Về dài hạn, theo PVL, cho dù thị trường có những thay đổi và khó khăn, nhưng nếu chủ dự án và nhà đầu tư chủ động tích cực thích nghi và cung cấp các dòng sản phẩm mới, sáng tạo, đánh trúng vào nhu cầu của khách hàng, chắc chắn, hoạt động kinh doanh khách sạn tại Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển mạnh.

Theo Báo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: khach san