Lo ngại dự án trễ hẹn, nhiều người mua nhà đã chuyển từ việc mua của những dự án đang triển khai và đóng tiền theo tiến độ sang mua những dự án đã hoàn thành.

Vốn là yếu tố quyết định nhất hoàn thành và bảo đảm dự án - Ảnh: Đình Quân

Sau nhiều lần cân đo, tính toán, chị Hằng, nhân viên kinh doanh ở Q.3 (TP.HCM) đã đặt cọc tiền mua căn hộ rộng 50 m2 với giá hơn 700 triệu đồng ở một dự án căn hộ đang xây dựng nằm ở Q.Tân Phú (TP.HCM).

Tuy nhiên, mới đây chị Hằng lên xin chủ đầu tư rút tiền đặt cọc để mua một căn hộ đã hoàn thành giá gần 900 triệu đồng của một dự án ở Q.12 (TP.HCM).

Lý do thay đổi, theo chị Hằng, là thời gian gần đây nghe nhiều thông tin về dự án căn hộ đóng tiền theo tiến độ nhưng chủ đầu tư thất hẹn với khách hàng về thời gian giao nhà. Nhiều dự án khởi công rồi “đắp chiếu trùm mền” dù trước đó chủ đầu tư đã thu tiền của người mua nhà.

“Mua căn hộ mới tôi phải vay thêm tiền so với dự tính ban đầu khá nhiều, lại phải thanh toán một lần chứ không chia làm nhiều lần nhưng bù lại có nhà ở ngay và không phải lo lắng tình trạng dự án trễ hẹn”, chị Hằng nói.

Lo lắng của chị Hằng không phải là thừa bởi thời gian gần đây có nhiều dự án bất động sản chậm trễ về tiến độ mà phía thiệt thòi nhiều nhất vẫn là người mua nhà.

Thậm chí có dự án sau quá nhiều lần chủ đầu tư thất hẹn, nhiều khách hàng đã đến trụ sở chủ đầu tư “ăn vạ”, treo băng rôn đòi chủ đầu tư thực hiện đúng lời hứa giao nhà.

Ông Vũ Khắc Hảo, một khách hàng mua nhà ở dự án căn hộ Mỹ Phú (Q.7, TP.HCM) do Công ty cổ phần đầu tư dầu khí Mỹ Phú làm chủ đầu tư trễ hẹn giao nhà hơn một năm, cho hay hơn một năm qua rất nhiều người mua nhà ở dự án này phải bỏ công bỏ việc đi đòi nhà.

“Lúc mua không ai nghĩ chủ đầu tư làm ăn bê bối kiểu này. Có người vì quá tin tưởng đã bán nhà để lấy tiền đóng cho kịp tiến độ của chủ đầu tư yêu cầu để giờ phải đi thuê nhà”, ông Hảo nói.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea) cho hay hầu hết các dự án bất động sản ở TP.HCM đều gặp tình trạng thiếu vốn khiến chủ đầu tư thất hẹn với người mua nhà.

“Có dự án chậm do chủ đầu tư không tính toán kỹ khiến chi phí phát sinh nhiều so với dự tính nhưng cũng có trường hợp doanh nghiệp đem tiền của khách hàng đi đầu tư dàn trải khiến dự án chậm vì thiếu vốn. Cho nên người mua nhà trả tiền theo tiến độ lo lắng dự án chậm trễ là có cơ sở”, ông Đực nói.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc trang web muabannhadat cho hay trước đây chủ đầu tư thường thu tiền của khách hàng trước rồi mới triển khai dự án.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, ở nhiều dự án, chủ đầu tư ngoài việc giao nhà ngay còn cho khách hàng thanh toán chậm nhằm thu hút người mua.

“Số tiền trả chậm này có thể được chủ đầu tư thu trực tiếp nhưng có thể thu thông qua ngân hàng với lãi suất khá thấp, khoảng 6-7%/năm”, ông Tuấn nói.

Có những dự án sau khi giao nhà còn “chẻ” thời gian thanh toán thành nhiều đợt cho phù hợp với thu nhập của người mua nhà.

Theo Horea, qua xem xét phương án tài chính của các dự án phát triển nhà ở, doanh nghiệp chỉ có vốn chủ sở hữu 15-20% trên tổng mức đầu tư dự án, còn 70-80% vốn đầu tư là vốn vay ngân hàng. Cho nên khi vốn vay gặp khó, lại không bán được hàng, không ít doanh nghiệp bị mất khả năng cân đối tài chính và tính thanh khoản, dẫn tới thiếu vốn để tiếp tục đầu tư làm nhiều dự án, công trình bị dở dang.

Đình Quân (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.