Trong tuần này, nhiều ngân hàng đã lần lượt công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2012.
Phần lớn kết quả cho thấy các ngân hàng sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm.

Dù kết quả hoạt động của CTG quý III khả quan hơn quý 2,
nhưng do tính đến quý III/2012, CTG chỉ đạt được 66% mục tiêu cả năm
Khó đạt chỉ tiêu

Theo báo cáo tài chính các NHTM đã công bố tính đến 24/10/2012, dẫn đầu trên toàn hệ thống đang là Ngân hàng TMCP Công Thương VN (Vietinbank- CTG) với sự cải thiện về kinh doanh trong quý III so với quý II/2012.

Cụ thể, trong quý 3/2012, tổng tài sản của VietinBank tăng 9,6% so với quý 2/2012; lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 3.177 tỉ đồng và 2.414 tỉ đồng, gấp 4,23 lần và 4,27 lần so với quý 2/2012. Lũy kế 9 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế gần 6.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 4.500 tỉ đồng (lần lượt tăng 7,6% và 10,4% so với cùng kỳ 2011), đạt 66,2% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm là 9.000 tỉ đồng. Thu nhập ròng từ lãi giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 13.402 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2012 do tăng trưởng tín dụng chậm và tỉ lệ biên lãi ròng (NIM) giảm. Các hoạt động dịch vụ tăng 19% (883 tỉ đồng) trong khi thu nhập từ giao dịch ngoại hối tương đương 3/4 cùng kỳ năm ngoái (273 tỉ đồng). Tuy nhiên, dù kết quả hoạt động của CTG quý III khả quan hơn quý 2, nhưng do tính đến quý III/2012, CTG chỉ đạt được 66% mục tiêu cả năm, nên nhận định riêng về kết quả của CTG, bộ phận Phân tích CTCK Bản Việt cho rằng ngân hàng này khó có thể đạt mục tiêu đặt ra ban đầu nếu không có những bước cải thiện tiếp theo, đặc biệt về cắt giảm mạnh chi phí lương (thu nhập nhân viên).

Hiện tại, trong quý 3/2012, tiền chi trả cho nhân viên và các hoạt động quản lý công vụ của CTG đã tăng thêm so với quý II/2012, từ mức 5.599 tỉ đồng đồng lên 6.598 tỉ đồng. Mặc dù vậy, nhìn chung chi phí hoạt động 9 tháng đầu năm của CTG đã giảm 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó ngân sách lương giảm nhiều nhất gần 50%.

CTG là một trong những NH có tài sản vốn tiền, vàng gửi cho vay các TCTD khác khá cao nhưng trong quý III và tính chung cả 9 tháng khoản mục này đều giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy cho vay trên các TCTD trên thị trường 2 giảm cũng là một trong những nhát cắt mạnh tay đối với nguồn thu lợi nhuận của các TCTD lớn.

Cũng như CTG, Vietcombank – NHTMCP Ngoại thương VN VCB đang đạt lợi nhuận với con số nghìn tỉ và đứng thứ 2 trên toàn hệ thống sau CTG về tỉ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2012 do đại hội đồng cổ đông đề ra.

Theo đó, lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của VCB đạt hơn 4.200 tỉ, lợi nhuận sau thuế của VCB đạt 3.237 tỉ đồng, giảm nhẹ 2% cùng kỳ 2011 và đạt khoảng 65% so với kế hoạch. Riêng trong quý III/2012, nếu so với cùng năm trước, VCB đã cải thiện khoản “kinh doanh khác” và không bị lỗ, do đó dù thu nhập từ lãi giảm 900 tỉ so với quý 3/2011, lợi nhuận trước thuế quý 3/2012 của VCB vẫn tăng 6% quý 3/2011, đạt 1.436 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.080 tỉ, tăng 5%.

Nợ xấu trong quý III của VCB hiện tại là 3,21%, tăng đáng kể so với con số 2% đầu năm, trong đó nợ có khả năng mất vốn trên 3.200 tỉ. Tuy nhiên nếu so với con số nợ xấu 3,5% vào cuối quý 2/2012 thì nợ xấu của VCB đang giảm và điều này lại có xu hướng tương tự CTG khi quý 3/2012 cả 2 NH hàng đầu đang chứng tỏ những nổ lực kiểm soát nợ xấu.

Đặc biệt, tính đến hiện tại, VCB đang cho vay các TCTD khác khoảng hơn 30.000 tỉ đồng và tiền gửi tại các TCTD khác hơn 73.000 tỉ đồng. Như vậy, dù đã đẩy mạnh cho vay nhưng VCB vẫn đang dư tiền và sức ép về tăng trưởng tín dụng lại phải đi đôi với cải thiện nợ xấu khiến VCB, cũng như các TCTD lớn phải cân nhắc lại bài toán đạt kế hoạch cho cả năm.

Xếp sau CTG và VCB, một số NHTMCP khác cũng đang ở khá xa so với mục tiêu đề ra của cả năm như ACB với kết quả đạt khoảng 22%, Eximbank với khoảng 53% và Sacombank với khoảng 62%. Trong đó, ACB tụt dốc do thua lỗ thê thảm trong nghiệp vụ kinh doanh vàng (trên 1.000 tỉ đồng trong quý III/2012), còn Sacombank trở thành điểm sáng sau cuộc chuyển giao quyền lực và cơ cấu lại nhân sự trong nội bộ.

Đáng chú ý trong top các NH lớn, báo cáo mới nhất tính đến 24/10/2012 của ngành NH, Ngân hàng Bảo Việt lại thể hiện các chỉ tiêu tài chính giảm mạnh. Theo đó lợi nhuận trước thuế của NH Bảo Việt chỉ đạt 6,9 tỉ đồng, giảm 84,8% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 98 tỉ đồng, giảm 24,6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu được NH này đưa ra là việc phải trích lập dự phòng rủi ro lớn cũng như tiến độ thu hồi nợ chậm. Đây phải chăng là bức tranh kinh doanh chung của các NH trong quý cuối năm 2012 và sẽ là màu sắc chủ đạo cho toàn năm, khi các NH bắt buộc phải bớt lãi để bù đắp nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro? TS Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh khẳng định đừng thấy các NH lãi nghìn tỉ mà tưởng nhiều. Vì nếu so với tổng tài sản và vốn chủ sở hữu thì tỉ suất lợi nhuận của các NH lại chẳng đáng là bao. Chưa kể, chất lượng của các con số này đạt tới đâu, rất khó để biết được.

Dấu ấn “tái cấu trúc”

Về cơ bản, kết quả của các NH đã “điểm danh” nói trên đang thể hiện tinh thần “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” và chưa cho thấy dấu ấn của một chặng đường tái cấu trúc mà hệ thống NH đã đi qua. Các kết quả nhìn chung, chịu sự tác động của bối cảnh và điều kiện kinh doanh của hệ thống, trong đó có một phần tác động từ các chính sách quản lý, bao gồm việc điều chỉnh lãi suất các khoản vay cũ xuống 15%, “siết” hoạt động cho vay bừa bãi trên thị trường liên ngân hàng và hoạt động kinh doanh vàng. “Kết quả này phần lớn không thể hiện hệ quả hay hành động tái cấu trúc. Ngay cả ở những NH đã thực hiện tái cấu trúc toàn diện và đồng bộ theo hướng sáp nhập, thì trong ngắn hạn, dù một số NH đã công bố kết quả kinh doanh ở 1, 2 quý trước đây và các chỉ tiêu có vẻ cải thiện. Nhưng điều đó cũng chưa thể nói lên điều gì và muốn biết kết quả tái cấu trúc của các NH sẽ đi đâu về đâu, phải mất ít nhất 1 đến 2 năm sau” - Một chuyên gia khẳng định. Tuy nhiên, trong ngắn hạn và căn cứ vào những nghiên cứu sâu hoạt động nội tại của các NH, sẽ thấy chương trình tái cấu trúc đang bắt đầu thể hiện những xáo trộn và thay đổi.

Chẳng hạn, với NH Sài Gòn – Hà Nội (SHB), khi sáp nhập Habubank vào, ngoài kết quả mang đến sự tăng trưởng ở mọi chỉ tiêu (là điều đương nhiên), nhưng đáng chú ý nhất chỉ sau 1 tháng sáp nhập, SHB đã thu hồi được 448 tỉ đồng nợ xấu tại các đơn vị của Habubank cũ. Không những thế, lãnh đạo SHB còn đặt mục tiêu khá tham vọng: Đưa nợ xấu đến cuối năm của các đơn vị thuộc Habubank cũ xuống dưới 10%; nợ xấu của toàn hệ thống SHB xuống dưới 5%.

Nếu nhìn trên toàn hệ thống nói chung, gần như 100% các NH đang trên hành trình thay đổi. Bởi nếu chỉ tính riêng quyết định hạn chế và đi đến cấm huy động vàng theo Nghị định 24 của NHNN sẽ có hiệu lực vào 25/11 tới đây, thì điều này buộc các NH phải thay đổi nội tại kinh doanh của mình, ít nhất là ở nghiệp vụ kinh doanh vàng. Ví dụ như ở ACB, việc chấp nhận thua lỗ cả nghìn tỉ đồng chỉ trong quý III để sẵn sàng đóng trạng thái vàng cũng là một động thái cho thấy ACB sẵn sàng “đoạn tuyệt” với một thế mạnh trong nghiệp vụ kinh doanh của mình ở các năm về trước. Và đây chắc chắn không chỉ là hiện tượng xảy ra chỉ ở ACB. Hay như trường hợp của VCB, CTG với số dư vốn khá lớn đang còn nằm ở khoản tiền gửi và cho vay các TCTD, nhưng Thông tư 21 về hoạt động cho vay trên thị trường liên NH và Nghị định 24 có hiệu lực, các TCTD “dư tiền” này chắc chắn phải tái cơ cấu các mảng hoạt động của mình và tìm lối ra mới cho đồng vốn. Thời của các NH lớn “ăn” trên lưng NH nhỏ không còn. Thời của các NH kinh doanh vàng ăn lãi lớn cũng chấm dứt và các NH buộc phải tái cấu trúc, xét trên bình diện, khía cạnh hay quy mô nào.

Suy cho cùng, tái cấu trúc theo như một chuyên gia từng chia sẻ, “không phải là điều gì đó quá lớn lao. Chỉ một sự thay đổi mới của hôm nay so với hôm nay cũng đã là tái cấu trúc”. Hiểu theo nghĩa này, hoạt động kinh doanh của các NH đang bớt lãi, các NH đang ở xa hơn so với kế hoạch “hoành tráng” đã đề ra. Nhưng dù vậy cũng cần phải tái cấu trúc, dù bắt buộc hay tự nguyện... Đó là sự mới, sự đổi thay. Chỉ có điều là chưa biết sự mới mẻ, đổi thay này liệu có mang lại hiệu quả và mang đến lợi ích cho nền kinh tế?

Cải thiện nợ xấu trong bối cảnh một chủ thể vừa vì nợ xấu mà sáp nhập rõ ràng là bài toán khó. Cải thiện nợ xấu trong bối cảnh toàn hệ thống đau đầu vì nợ xấu sẽ còn là bài toán nan giải hơn. Nhưng những tín hiệu sáng sủa ban đầu trong cải thiện nơ xấụ đã cho thấy có sự thay đổi tại SHB này, sau sáp nhập. Những tín hiệu sáng sủa, mới mẻ, sự đổi thay cụ thể đó cũng là điều mà các ngân hàng khác trong quá trình tái cấu trúc hy vọng đạt được. Tuy nhiên, yếu tố cơ bản của mỗi ngân hàng hay của cả hệ thống là tính ổn định và phát triển lâu dài. Điều này thì cần phải tiếp tục chờ.

Theo Lê Mỹ (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.