Theo các luật sư, tại các dự án (DA) quy hoạch treo hoặc quy hoạch treo đã được xóa nhưng vẫn treo quyền lợi của dân, nếu chứng minh được thiệt hại, người dân có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường.

Làm gì để hết quy hoạch treo?

Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM, cho rằng thực tế khi làm quy hoạch thường định hướng 15 năm, nên cũng khó lường trước được hết những khó khăn. “Cần rà soát thường xuyên, thúc đẩy các quy hoạch làm đúng tiến độ, nếu không phù hợp sẽ điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh DA để phù hợp hơn”, ông Dũng nói.

Nhà cửa tuềnh toàng của người dân trong khu vực quy hoạch treo ấp Doi (Q.Gò Vấp) - Ảnh: Đ.Sơn

Bình luận về tình trạng quy hoạch treo hiện nay, KTS Nguyễn Trường Lưu cho rằng, luật Đất đai có quy định rõ về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Tuy nhiên, việc hủy bỏ quy hoạch thì chưa có một quy định rõ ràng, cụ thể sẽ do cơ quan nào thực hiện. Theo ông, do việc công bố hủy quy hoạch không khác nào thừa nhận cái sai, thiếu tầm nhìn, kèm theo đó là việc giải quyết hậu quả do quy hoạch treo gây ra, nên có rất ít DA quy hoạch treo được xóa.

Ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ủy ban MTTQ TP.HCM, nhấn mạnh việc TP cho người dân xây nhà tạm trong vùng quy hoạch treo với điều kiện khi giải tỏa không bồi thường cũng vi phạm quyền lợi người dân, là quy định nửa vời, cải lương.

Luật sư sẽ hỗ trợ

Đó là khẳng định của luật gia Lê Hiếu Đằng khi trả lời phỏng vấn của Thanh Niên. Theo ông, khi một đồ án quy hoạch bị treo quá lâu, nghĩa là quy hoạch không đúng, từ đó làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân nên họ có thể kiện. Thực tế hiện nay, việc giải quyết các vụ kiện như vậy sẽ nhùng nhằng, kéo dài nhưng người dân vẫn phải kiện. “Có thể tòa án không giải quyết được, nhưng dư luận, người dân sẽ ủng hộ. Nếu không kiện ra tòa thì người dân chịu rất nhiều thiệt thòi. Có những luật sư (LS) sẵn sàng đứng ra giúp người dân. Giới luật gia TP, các đoàn thể sẽ hỗ trợ việc này”, ông Đằng cho hay.

Theo LS Trần Văn Sáu (Đoàn LS An Giang), quy hoạch treo là rào cản phát triển của xã hội, của người dân. Theo quy định của pháp luật, mọi việc gây thiệt hại cho người dân phải bồi thường. Tuy nhiên có tình trạng hiện nay ở nhiều nơi, chính quyền thông báo là quy hoạch nhưng lại “ém” không ban hành văn bản chính thức về vấn đề này nên người dân khó có cơ sở để kiện. “Đây là cái sai rất lớn của cơ quan hành chính nhà nước, vi phạm quyền cơ bản của công dân”, LS Sáu phân tích.

Sẽ thu hồi các dự án không triển khai

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, qua kiểm tra những DA được phê duyệt từ năm 2006 - 2009, đã phát hiện 16 DA chưa triển khai đầu tư xây dựng do chủ đầu tư không còn khả năng tài chính để thực hiện, do vướng mắc các thủ tục pháp lý về đền bù giải phóng mặt bằng. Sở sẽ kiểm tra năng lực thực hiện các DA của chủ đầu tư. Trường hợp chủ đầu tư không còn khả năng thực hiện, sẽ kiến nghị UBND TP thu hồi quyết định giao đất hoặc quyết định phê duyệt DA đã phê duyệt.

  • Kẹt cứng trong quy hoạch treo - Kỳ 2: Xóa quy hoạch, dân vẫn khổ

    Kẹt cứng trong quy hoạch treo - Kỳ 2: Xóa quy hoạch, dân vẫn khổ

    Tại nhiều dự án ở TPHCM, mặc dù quy hoạch treo đã được xóa, nhưng hầu như quyền lợi của người dân vẫn không được khôi phục. Nhiều người nói rằng đó là kiểu xóa quy hoạch và xóa cả quyền lợi của dân.

  • Kẹt cứng trong quy hoạch treo

    Kẹt cứng trong quy hoạch treo

    Theo quy định, dự án đã lập nếu sau 3 năm không thực hiện phải xóa quy hoạch, trả lại tự do cho các hộ dân bị ảnh hưởng thực hiện quyền của mình liên quan đến đất đai, nhà ở. Nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều dự án “treo” hàng chục năm khiến người dân không thể nhúc nhích đi đâu được.

Theo Thanh Niên
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.