Mặc dù hợp đồng chuyển nhượng đất đã có chứng thực của UBND xã Tân Ước (huyện Thanh Oai, Hà Nội) và người dân phải vất vả đi lại nhiều lần suốt gần 10 năm, nhưng hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” vẫn chỉ “loanh quanh” ở UBND xã.

Mới đây chính quyền xã còn “bổ sung” điều kiện, người dân phải “hiến” đất, thì hồ sơ mới được xem xét, giải quyết.

“Ngâm” hồ sơ suốt 10 năm?

Theo đơn phản ánh của anh Bùi Quang Chính, tháng 8.2004, anh mua mảnh đất đã được UBND huyện Thanh Oai cấp giấy chứng nhận số T149744, có diện tích 540m2, tại thôn Phúc Thụy, xã Tân Ước từ hộ gia đình ông Lê Tự Vinh. Anh Chính đã nhờ mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Phúc đứng tên trong hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ có xác nhận của UBND xã Tân Ước. Sau đó, anh nộp hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” cho ông Nguyễn Đình Tân - cán bộ địa chính xã - nhưng ông này lấy lý do chưa có đợt làm “sổ đỏ” nên chưa nộp hồ sơ lên huyện. Sau đó gia đình anh liên tục đề nghị ông Tân nộp hồ sơ cấp GCNQSDĐ, thế nhưng ông Tân viện mọi lý do để từ chối.

Khoảng tháng 4.2011, anh Chính được ông Tân “hướng dẫn” làm lại hợp đồng chuyển nhượng từ tên hộ gia đình ông Lê Tự Vinh sang tên anh Chính, để tiện cho việc làm “sổ đỏ”(?). Vì muốn được việc, anh Chính sau đó đã liên hệ lại với chủ cũ của thửa đất nhờ ký lại hợp đồng, rồi chuyển hồ sơ tới UBND xã Tân Ước. Thế nhưng đến khoảng tháng 5.2011, ông Tân lại thông báo: Nếu anh Chính “tình nguyện” tặng lại ngõ đi riêng của thửa đất (đã được thể hiện trên GCN) để làm ngõ đi chung cho các hộ liền kề, thì hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” của gia đình anh mới được xem xét, giải quyết (!?)

Ngõ đi chung hiện vẫn đang nằm trên giấy, nên hộ liền kề đang “mượn” ngõ đi riêng của hộ anh Chính.

Yêu cầu này của chính quyền xã theo anh Chính là không hợp lý, bởi trước đây chủ cũ (ông Vinh) đã tôn tạo ngõ đi riêng này và đã được vẽ chi tiết trong “sổ đỏ”, sau đó mới chuyển nhượng cho gia đình anh. Nay mỗi mét vuông đất có giá hàng triệu đồng. Nếu phải “hiến” đất, gia đình anh sẽ bị thiệt hại rất lớn. Cũng theo anh Chính, khu vực ao hồ liền kề thửa đất của anh được UBND xã phân thành nhiều lô và bán đấu giá cho hộ gia đình khác, nhưng chỉ để ngõ đi rất nhỏ, sát ngõ đi của gia đình anh. “Vậy, chính quyền xã từ trước đã có ý “biến” ngõ đi riêng của gia đình tôi thành ngõ đi chung. Thực chất nếu tôi hiến đất thì chỉ có lợi cho một số gia đình mua đất sau này” - anh Chính cho hay.

Cuối năm 2011, ông Tân yêu cầu anh ra nhận lại hồ sơ và thông báo: Xã sẽ không xét hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” nếu gia đình không đồng ý “hiến” đất.

Chính quyền xã quanh co?

Khảo sát thực địa cho thấy, những lô đất liền kề thửa đất của gia đình anh Chính được chính quyền bán đấu giá, mới chỉ có một gia đình tới ở và đang sử dụng luôn cả ngõ đi thuộc thửa đất của gia đình anh Chính. Các lô còn lại và lối đi của các lô này thực tế vẫn đang là... ao nước.

Điều khó hiểu, khi quy hoạch đất phân lô để bán đấu giá, chính quyền xã Tân Ước có đủ quỹ đất làm ngõ đi. Thế nhưng, thay vì để ngõ rộng 4 mét, thì ngõ chỉ được quy hoạch bằng một nửa, sau đó lại “vận động” gia đình anh Chính “hiến đất”. Vấn đề này được ông Tân giải thích: “Bởi đã có cái đường kia (ngõ đi thửa đất của anh Chính - PV), nên mở trông nó rất xấu (?). Chúng tôi đề nghị gia đình người ta tạo điều kiện, nếu người ta giải quyết thì đường này rất rộng...

Mục đích là để ngõ đi chung, anh vẫn có quyền được đi cơ mà”. Cũng theo ông Tân, chủ trương của xã là vận động để gia đình anh Chính tự nguyện hiến đất, chứ không ép. Thực hiện chuẩn nông thôn mới, đường ngõ phải rộng 4m. “Ngõ chỗ này (đất của anh Chính - PV) chỉ có hơn 2m, cắt thêm 2m (ngõ đi chung) là đủ 4m theo tiêu chuẩn” - ông Tân nói.

Về vấn đề hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” của người dân chưa được xem xét, ông Nguyễn Đình Toàn - Chủ tịch UBND xã Tân Ước - cho rằng: Đây là lỗi của người dân, bởi gia đình chưa hoàn thiện hồ sơ và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước (?). Hơn nữa, dù hợp đồng chuyển nhượng đã có xác nhận của UBND xã, nhưng đã để quá lâu, nên “hầu như không còn giá trị pháp lý”, các bên phải làm lại hồ sơ. “Con dấu chức danh của bác Ước (ông Nguyễn Như Ước - Chủ tịch UBND xã Tân Ước năm 2004 - PV) không còn giá trị nữa... Hiện trạng từ năm 2004 đến nay có thể có biến động, nên giấy tờ ký năm 2004 không thực hiện được”.

Trao đổi với chúng tôi, anh Chính cho rằng: “Gia đình tôi mong được cấp “sổ đỏ” từng ngày, không thể có chuyện chúng tôi không nộp hồ sơ, hoặc “trốn” thực hiện nghĩa vụ. Do đó, nếu chính quyền đổ lỗi cho gia đình tôi là không thuyết phục. Hơn nữa, gia đình tôi nhiều lần nói rõ quan điểm không đồng ý hiến đất cho xã và việc chính quyền xã vẫn tiếp tục “gợi ý” hiến đất là ép chúng tôi phải thực hiện những giao dịch trái với nguyện vọng của mình”.

Theo LS Nguyễn Văn Sinh (Cty Luật TNHH YouMe), nếu chính quyền xã yêu cầu người dân phải ký lại hợp đồng chuyển nhượng đã có chứng thực là đã hướng dẫn sai quy định, bởi: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân tại nông thôn được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của UBND cấp xã nơi có đất.

Người dân có thể nộp trực tiếp hồ sơ tới văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Văn phòng có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, gửi hồ sơ cho cơ quan quản lý đất đai có thẩm quyền để làm thủ tục cấp GCNQSDĐ.

Nhật Thăng (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.