Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để gia tăng kiều hối cả về lượng và chất, cần có chính sách hướng lượng kiều hối mạnh hơn nữa vào hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Đây là nội dung được trao đổi tại Hội thảo khoa học quốc gia “Mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư tại Việt Nam” do Đại học Kinh tế Quốc dânphối hợp với Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức ngày 29/9 tại Hà Nội.

PGS.TS Phạm Văn Hùng, Trưởng Khoa Đầu tư (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng kiều hối là nguồn vốn quan trọng, cả thế giới đều đang có những chính sách hút kiều hối về quốc gia mình. Kiều hối là nguồn vốn bổ sung trực tiếp vốn cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh (trực tiếp bỏ vốn đầu tư kinh doanh hoặc gián tiếp qua gửi tiết kiệm), góp phần tăng tiêu dùng, dẫn đến tăng tổng cầu và thúc đẩy gia tăng đầu tư, gia tăng đầu tư gián tiếp.

Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Mại cho biết, hiện lượng người Việt Nam ở nước ngoài đang chiếm khoảng 5% tổng dân số. Đây là con số khá cao khiến Việt Nam lọt vào nhóm nước có lượng kiều hối hằng năm nhiều nhất trên thế giới.

Theo thống kê, trong giai đoạn 1991-2014, lượng kiều hối lũy kế về Việt Nam đạt khoảng 92 tỷ USD, cộng thêm với khoảng 10 tỷ USD vốn Việt kiều đầu tư về nước thông qua FDI. Tổng lượng kiều hối này gần tương đương nếu so với tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thuần cùng kỳ vào Việt Nam.

Theo PGS.TS Phạm Văn Hùng, hiện nay, hơn 80% lượng kiều hối về nước là từ Việt kiều, chỉ khoảng 7% đến từ lao động xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, dù tương đương giá trị số tiền nhưng vốn FDI đang tạo ra hiệu ứng và thành quả tích cực hơn nhiều so với kiều hối. Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) đã lý giải một phần nguyên nhân vấn đề này. Cụ thể, hơn 50% lượng kiều hối vào Việt Nam để sử dụng vào mục đích tiêu dùng hoặc để trả nợ. Trong khi đó, lượng vốn kiều hối đem đi đầu tư còn hạn chế.

Theo thống kê trong giai đoạn 3-5 năm gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và một số chuyên gia kinh tế, có tới 30% lượng kiều hối được gửi vào ngân hàng để lấy lãi, 20% đã mua vàng để tích trữ, hơn 16% đổ vào bất động sản, 30% được đầu tư cơ sản xuất kinh doanh và dịch vụ, 5-7% dành cho tiêu dùng. Lượng đầu tư gián tiếp như đầu tư vào thị trường chứng khoán còn quá nhỏ.

Chia sẻ về những vướng mắc thực tế, ông Lê Thanh Bình, Trưởng đại diện Hội DN Việt kiều Ba Lan cho rằng, Việt Nam đã có chính sách cho Việt kiều mua nhà, nhưng khi triển khai ở các cấp dưới thì có nhiều việc chưa thực chất. Ví dụ như hàng trăm Việt kiều đã mua nhà ở làng Việt kiều, nhưng hơn 10 năm rồi chưa được cấp sổ đỏ do đòi hỏi có hộ khẩu.

Đại diện Việt kiều cũng chia sẻ, trong số 10 đồng bà con Việt kiều muốn gửi về nước thì chỉ có 3 đồng là gửi về thông qua đường chính thức, còn lại 7 đồng được giữ lại hoặc phải gửi qua các kênh phi chính thức. Điều này chứng tỏ lượng kiều hối thực tế có thể cao hơn các số liệu thống kê.

Đại diện Ngân hàng Vietinbank cho rằng, lý do của việc chuyển tiền qua kênh chính thức hạn chế là do rào cản từ chính sách của các quốc gia nơi bà con người Việt làm ăn sinh sống. Còn bản thân các ngân hàng Việt Nam luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chuyển tiền của kiều bào.

Để thu hút kiều hối nhiều hơn và hướng vào đầu tư nhiều hơn, ông Nguyễn Mại khuyến nghị, cần có chính sách thông thoáng hơn với kiều hối. Một mặt tạo điều kiện cho Việt kiều thực hiện các hoạt động mua bán, đầu tư tự do hơn. Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam học tập, làm việc, định cư tại nước ngoài, tạo nguồn lực quan trọng từ bên ngoài để phát triển đất nước.

Còn ông Phạm Văn Hùng cho rằng, trong bối cảnh các quốc gia ngày càng có xu hướng tạo thuận lợi cho kiều bào chuyển tiền về nước, Việt Nam cần phải có chính sách thu hút, sử dụng hợp lý, lâu dài và bền vững dòng kiều hối, hướng nguồn vốn này đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Thực tế trong những năm gần đây, Chính phủ đã có những hành động quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt ban hành các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hay Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các bộ ngành, địa phương cần thường xuyên lắng nghe ý kiến phản hồi của DN để triển khai các chủ trương của Chính phủ một cách hiệu quả hơn.

“Việt Nam cũng cần xây dựng niềm tin và tạo động lực cho kiều bào thông qua các chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư. Nên hình thành quỹ hỗ trợ sản xuất cho DN nhỏ từ dòng kiều hối. Bên cạnh đó là xây dựng chiến lược thu hút nhân tài về nước và chuyên nghiệp hóa hoạt động xuất khẩu lao động”, ông Hùng đề xuất.

Chính phủ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.