Từ 1.4, tại các khu đô thị (KĐT) do HUD làm chủ đầu tư sẽ tăng phí dịch vụ mới tới 1.500 đồng/m2/tháng đối với các chung cư có thang máy và 1.000 đồng/m2/tháng đối với chung cư 5 tầng. Phí dịch vụ tăng cao trong khoảng thời gian ngắn và cách thực hiện không minh bạch đã gây bức xúc đối với người dân sống tại đây.

5 năm tăng phí gấp… 6 lần


Cuối tháng 2.2012, các cư dân KĐT Việt Hưng (Hà Nội), xôn xao về việc Công ty TNHH MTV Dịch vụ nhà ở và Khu đô thị (HUDS) có Công văn số 28/HUDS-DVDT về việc điều chỉnh giá chung cư tại các KĐT do do Tập đoàn phát triển Nhà và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. Điều đáng nói là công văn trên không phải gửi cho khách hàng, mà gửi cho UBND phường sở tại, nhưng lại niêm yết tại bảng tin của các tòa nhà chung cư của KĐT.


HUD tăng phí dịch vụ chung cư, người dân bức xúc
KĐT do HUD làm chủ đầu tư sắp áp dụng mức phí dịch vụ mới

Trong công văn, HUDS thông báo đã tính toán giá dịch vụ chung cư phân bổ trên mỗi m2 nhà chung cư sở hữu riêng trung bình là 5.483 đồng/ m2/tháng (?). Do vậy, từ 1.4 đến hết 31.12.2012, HUDS sẽ áp dụng mức phí đối với nhà chung cư cao tầng là 1.500 đồng/m2/tháng, đối với nhà chung cư 5 tầng là 1.000 đồng/m2. Từ năm 2013, HUDS sẽ áp dụng giá dịch vụ chung cư theo quy định của UBND TP Hà Nội. Theo HUDS, việc thu phí trên nhằm “tránh gây đột biến trong việc tăng giá đối với hộ dân”, đồng thời chỉ là “bù đắp một phần chi phí vận hành nhà chung cư”. Theo HUDS, đợt điều chỉnh giá dịch vụ là thực hiện đúng theo Quyết định số 4520/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc ban hành khung giá trần đối với từng loại khu chung cư và căn cứ phương pháp xác định giá dịch vụ chung cư theo Thông tư số 37/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng.


Trước thông tin trên, rất nhiều hộ dân không khỏi lo lắng và bức xúc. Chị Nguyễn Vân Anh (K6 KĐT Việt Hưng) phản ánh: Khi chuyển tới sinh sống tại KĐT năm 2007, mức phí dịch vụ chung cư mới có 30.000 đồng/ hộ/tháng. Rồi giá dịch vụ chung cư điều chỉnh lên lần lượt 45.000 đồng, 60.000 đồng, 90.000 đồng/hộ/tháng. Nếu áp dụng cách tính mới, từ ngày 1.4 tới, thì căn hộ 120 m2 của chị phải chịu mức phí tới 180.000 đồng/tháng. “Phí dịch vụ đã tăng gấp 6 lần là thỏa đáng hay không trong khi chỉ số giá tiêu dùng tính trong suốt cả giai đoạn này chỉ tăng chưa tới 100%”, chị Vân Anh đặt câu hỏi.


Là cán bộ hưu trí và cũng là một trong những cư dân đầu tiên của KĐT, ông Phạm Đình Văn khẳng định, ông và các hộ dân ở đây không nhận được bất cứ thông báo chính thức nào của HUDS về việc tăng giá phí dịch vụ, nhưng các nhân viên của HUDS đã “nhắc” cư dân đóng phí theo giá mới. “Tăng phí dịch vụ mà không có thỏa thuận trước và không gửi thông báo là thiếu tôn trọng khách hàng”, ông Văn nói.


Để tìm hiểu phản ứng của người dân trước việc HUDS áp dụng phí dịch vụ chung cư mới, PV laodong.com.vn liên hệ với một số bạn đọc là cư dân ở KĐT do HUD là chủ đầu tư như Văn Quán (Hà Đông), Linh Đàm (Hoàng Mai), họ cho biết chưa nhận được thông báo tăng phí dịch vụ. Tuy nhiên, nếu phí dịch vụ tăng thì người dân khó lòng đồng thuận khi HUD đã tự động thay đổi tính phí dịch vụ theo diện tích (m2), trong khi thỏa thuận trước đó giữa các bên là theo hộ gia đình. Đối với lý do tăng phí dịch vụ lần này mà HUDS đưa ra là giá thành phí dịch vụ lên tới 5.483 đồng/m2/tháng… thì dư luận đặt câu hỏi như vậy HUD đã chấp nhận lỗ nặng cả chục năm nay, khi đợt điều chỉnh phí tới đây chỉ bù đắp một phần chi phí?


Có “tát nước theo mưa”?


Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Sinh cho biết, có nhận được nhiều thắc mắc liên quan tới phí dịch vụ nhà chung cư của cư dân của các KĐT tại Hà Nội do HUD làm chủ đầu tư. Theo Luật sư Nguyễn Văn Sinh, các căn cứ pháp lý chính để HUDS đưa ra trong đợt tăng phí chung cư lần này là Quyết định 4520/QĐ-UBND ngày 29.9.2011 của UBND TP Hà Nội và Thông tư số 37/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 01.12.2009.


HUD tăng phí dịch vụ chung cư, người dân bức xúc

Tuy nhiên, tại Quyết định 4520/QĐ-UBND quy định rất rõ mức giá dịch vụ nhà chung cư là mức tối đa (giá trần) tương ứng với dạng nhà chung cư, loại dịch vụ và thành phần công việc được nêu chi tiết tại bảng giá. Đồng thời, mức giá (trần) dịch vụ này đã bao gồm chi phí để thực hiện hoàn chỉnh các thành phần công việc, chi phí quản lý chung, lợi nhuận của doanh nghiệp, thuế VAT và chưa tính đến nguồn thu để bù đắp chi phí dịch vụ nhà chung cư theo đặc thù của từng dự án. Như vậy, nếu trừ đi các phần chi phí cho Ban quản trị (các khu chung cư này chưa có Ban Quản trị), thì về nguyên tắc, giá dịch vụ nhà chung cư tính trên sở hữu riêng trung bình phải thấp hơn mức giá trần mà UBND TP Hà Nội đã quy định trong Quyết định. Còn nếu tính đầy đủ các nguồn thu như phí trông giữ ôtô, xe đạp, xe máy được hạch toán riêng và được bù đắp vào chi phí quản lý vận hành nhà chung cư.…, thì chắc chắn giá dịch vụ chung cư phải thấp hơn mức giá trần rất nhiều.


Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Sinh, việc xác định giá dịch vụ chung của tòa nhà cụ thể còn phải căn cứ theo đặc thù, như tính cả các nguồn thu kinh doanh thuộc phần sở hữu chung của tòa nhà, từ thỏa thuận của các bên liên quan hoặc từ điều kiện hạ tầng, môi trường… để xác định cho phù hợp. Khách hàng có quyền yêu cầu HUDS phải công khai, minh bạch về việc tổ chức thu, chi, hạch toán giá dịch vụ nhà chung cư và các nguồn thu, chi khác. Hơn nữa, quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 37/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Theo đó, giá dịch vụ nhà chung cư “phải được trên 50% các thành viên trong Ban quản trị nhà chung cư thông qua bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín. Đối với nhà chung cư chưa thành lập được Ban quản trị thì giá dịch vụ nhà chung cư phải được trên 50% hộ dân cư đang sống tại nhà chung cư nhất trí thông qua bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín...”. Việc HUDS tự ý tăng giá khi chưa thực hiện thủ tục này, thì không thể nói “đã thực hiện đúng quy định của pháp luật”, luật sư Sinh nhận định.

Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.