CafeLand - Đánh giá việc ngân hàng nhà nước hạ trần lãi suất huy động tiền đồng giảm từ 8% xuống 7,5%, ngân hàng HSBC cho rằng động thái này phản ánh những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để hỗ trợ nền kinh tế nhưng nó chỉ mang lại hiệu quả về mặt tâm lý hơn là thực tế.

HSBC cho rằng, việc hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chỉ mang lại hiệu quả về mặt tâm lý hơn là thực tế. Ảnh: Internet

Theo HSBC, mặc dù lạm phát tháng 3 giảm đã tạo cơ hội cho NHNN bật tín hiệu cho các doanh nghiệp là họ đang làm hết khả năng để kích cầu nội địa. Thống đốc Nguyễn Văn Bình gần đây phát biểu rằng ông muốn các ngân hàng hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ các lĩnh vực kinh doanh đang suy yếu.

Bênh cạnh đó, Chính phủ đã tiết lộ rằng vào cuối tháng 3 sẽ thành lập một công ty quản lý tài sản (AMC) do NHNN quản lý. AMC có số vốn ban đầu là 4,78 triệu USD để mua các khoản nợ xấu trong hệ thống (ước tính vào khoảng 11,2 tỷ USD) từ các tổ chức tín dụng thông qua việc phát hành chứng khoán.

Tuy nhiên HSBC cho rằng, công ty quản lý tài sản AMC và việc giảm lãi suất sẽ chỉ mang lại hiệu quả về mặt tâm lý nhưng không tác động đáng kể đến nhu cầu nội địa. Bởi vì, chi tiêu và đầu tư công giảm phản ánh ưu tiên của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô vốn đòi hỏi giảm chi tiêu vào những dự án đầu tư công lãng phí cũng như giảm hỗ trợ đối với các doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả. Chính phủ có thể duy trì chính sách này, có nghĩa là không bơm tín dụng giá rẻ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp kém hiệu quả.

Mặc khác, tiêu dùng tư giảm do lãi suất cao, các cá nhân và doanh nghiệp tìm cách trả bớt nợ. Lãi suất qua đêm tương đối thấp cũng như tăng trưởng nhập khẩu yếu phản ánh nhu cầu nội địa trì trệ. Do đó, giảm lãi suất không có ý nghĩa nhiều trong bối cảnh này.

Về vấn đề lạm phát, HSBC nhìn nhận lạm phát tháng 3 giảm đáng kể là nhờ vào giá lương thực thực phẩm giảm nhưng lạm phát cơ bản vẫn còn tăng. Trong vòng 3 tháng tới, lạm phát toàn phần có thể sẽ tăng tới 7%. Nếu các áp lực cơ bản vẫn còn cao và nhu cầu nội địa đang có dấu hiệu hồi phục do điều kiện tín dụng sáng sủa hơn, dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng trưởng tốt, doanh thu bán lẻ được cải thiện nhờ các biện pháp giảm giá và thu nhập tăng từ xuất khẩu thì áp lực lạm phát đang trên đà tăng.

Không kỳ vọng có thêm động thái cắt giảm lãi suất nào trong quý 2, HSBC tỏ ra quan ngại về những rủi ro với đồng nội tệ từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Cán cân thương mại đã được cải thiện trong năm qua, nhưng nếu chính sách tiền tệ chuyển qua hướng tích cực thúc đẩy cầu nội địa, thì cán cân thương mại sẽ lại chịu áp lực khi hoạt động nhập khẩu bắt đầu phục hồi.

HSBC khuyến cáo, vào thời điểm này tiền đồng sẽ không tiếp tục giảm giá. Ngân hàng nhà nước gần đây đã cam kết không giảm giá tiền đồng và cũng đã trích lập một khoản dự trữ ngoại hối lớn hơn để có thể xử lý trong trường hợp có áp lực giảm giá. Nhưng nếu lãi suất tiếp tục bị cắt giảm, những lo ngại về tính ổn định của đồng tiền sẽ nổi lên khiến tiền đồng chịu nhiều áp lực hơn.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.