CafeLand - Nhiều doanh nghiệp đề xuất chỉ cần cán bộ nhà nước các cấp "ký nhanh hơn", đừng xử lý hồ sơ với thái độ "hành là chính" thì sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của đất nước, thành phố và doanh nghiệp.

Thủ tục hành chính vẫn đang là gánh nặng với các doanh nghiệp.

Đó là ý kiến được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa gửi đến các cơ quan thẩm quyền nhằm khơi dậy tiềm năng và phát triển thị trường bất động sản TP.HCM.

Theo ông Châu, hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản chưa thật sự hoàn thiện, còn nhiều bất cập, thậm chí có nội dung xung đột nhau. Do vậy, việc hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sảnn là hết sức cần thiết và cấp bách. Hiện nay, còn nhiều hồ sơ dự án bất động sản đề nghị được tính toán để doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất, nhưng chưa được giải quyết kịp thời làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

“Nhiều doanh nghiệp đề xuất chỉ cần cán bộ nhà nước các cấp "ký nhanh hơn", đừng xử lý hồ sơ với thái độ "hành là chính" thì sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của đất nước, thành phố và doanh nghiệp”, ông Châu nói.

Ông Châu cho biết, thị trường bất động sản mặc dù đang trên đà phục hồi khá nhanh nhưng chưa thật sự vững chắc. Thị trường đang có sự tăng trưởng nguồn cung rất lớn ở phân khúc bất động sản cao cấp, trong lúc thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ với giá bán hợp túi tiền của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị. Mặt khác, thành phố hiện có 1.219 dự án, nhưng có đến 405 dự án chưa khởi công, 189 dự án đã bị thu hồi chủ trương đầu tư. Trong số 325 dự án đã khởi công thì có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công (nếu tính các dự án tạm ngưng thi công và chưa khởi công thì số lượng lên đến 502 dự án chiếm 41,18%). Do đó, HoREA kiến nghị thành phố nên có cơ chế để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với những dự án đã giải phóng mặt bằng, bồi thường trên 80%. “Nhiều dự án bất động sản không thể triển khai được do vướng đền bù giải tỏa, nhiều dự án đã giải phóng được mặt bằng trên 80% diện tích, thậm chí đến 98% đất dự án, nhưng phần còn lại doanh nghiệp không thể thỏa thuận đền bù được, nên rất cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sớm triển khai dự án và vừa đảm bảo lợi ích của người có đất, vừa đảm bảo lợi ích chung của xã hội”, ông Châu chia sẻ.

Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Châu kiến nghị nhà nước cần xem xét hợp lý khi khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng để tính tiền sử dụng đất dự án. Bên cạnh đó, cần đảm bảo nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường bất động sản.

Ông Châu cho biết: “Đặc điểm hoạt động của thị trường bất động sản có tính trung hạn và dài hạn, nhưng hiện nay chưa có nguồn vốn trung hạn, dài hạn trước hết là nguồn vốn tín dụng với lãi suất hợp lý, nhà nước cần có cơ chế để tạo nguồn vốn tín dụng cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội dài hạn, tối thiểu 20 năm, với lãi suất khoảng 3-3,5%/năm, cũng là một nhân tố góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững”.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.