Sáng nay, 16/5, tại TP.HCM, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội, đề xuất xây dựng Luật Nhà ở và Luật kinh doanh BĐS (sửa đổi), với sự tham dự của đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương, các doanh nghiệp, hiệp hội và các Sở Xây dựng từ Đà Nẵng trở vào.


Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam phát biểu khai mạc hội nghị: ảnh: Mạnh Cường

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh: Việc Quốc hội thông qua Luật Nhà ở năm 2005 và Luật Kinh doanh BĐS năm 2006 là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà ở và hoạt động kinh doanh BĐS, có nhiều vấn đề lần đầu tiên được đưa vào 2 đạo luật này để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện như: cơ chế phát triển nhà ở thương mại để bán, cho thuê; cơ chế phát triển và quản lý nhà ở xã hội; việc quản lý sử dụng nhà chung cư; cơ chế phát triển và quản lý nhà ở công vụ; hoạt động kinh doanh BĐS của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; các giao dịch về BĐS; các hoạt động kinh doanh dịch vụ BĐS (môi giới, định giá, đấu giá, quản lý…), đặc biệt, vấn đề sở hữu BĐS của các các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam…Ngoài ra, cũng có một số vấn đề đã được pháp luật điều chỉnh nhưng lại quy định tản mát tại nhiều văn bản với hiệu lực pháp lý khác nhau, gây khó khăn trong việc áp dụng và chỉ sau khi có 2 đạo luật này thì mới có sự thống nhất, đồng bộ trong một văn bản như: vấn đề giao dịch về nhà ở quy định trong Pháp lệnh nhà ở năm 1991, vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở quy định tại Nghị định số 60/CP năm 1994 của Chính phủ, việc ưu đãi phát triển nhà ở thương mại quy định tại Nghị định số 71/2001/NĐ-CP năm 2001 của Chính phủ, vấn đề sở hữu hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài quy định trong Nghị định số 81/2001/NĐ-CP năm 2001 của Chính phủ…

Như vậy, chỉ sau khi Quốc hội thông qua 2 đạo luật quan trọng nêu trên thì các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phát triển, kinh doanh nhà ở nói riêng và BĐS nói chung mới có hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để thực hiện, đồng thời các cơ quan nhà nước có liên quan cũng mới có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện việc quản lý 2 lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Sau 8 năm triển khai thi hành Luật Nhà ở, 7 năm thi hành Luật Kinh doanh BĐS và 5 năm thi hành chính sách nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng đã phát sinh nhiều tồn tại, bất cập cần phải tiến hành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Việc ban hành mới Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐSsẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường BDS, giải quyết mối quan hệ hài hòa lợi ích giữa Nhà nước -doanh nghiệp -người dân. Đồng thời, việc sửa đổi Luật nhằm đạt được các mục tiêu quan trọng: Đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh sự trùng lặp, chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật; sửa đổi các quy định pháp luật bất cập, các quy định đã trở nên không còn phù hợp; bổ sung các quy định mới để điều chỉnh các lĩnh vực, các quan hệ còn bỏ trống chưa được pháp luật điều chỉnh, quy định cụ thể các nội dung còn mang tính nguyên tắc, quy định chung chung để nâng cao tính khả thi trong việc áp dụng pháp luật. Nhà nước, các doanh nghiệp và người dân sẽ được hưởng lợi ích từ việc thị trường bất động sản ngày càng phát triển mạnh, minh bạch và bền vững.

Cao Cường (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.