Hàng chục hộ dân tại ấp 4, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM đang sống trong tâm trạng vừa bức xúc vừa hoang mang lo lắng không biết sẽ đi về đâu và sống như thế nào khi chính quyền địa phương giải tỏa trắng phần đất mà họ đã sống gần 30 năm qua để làm dự án nhưng chỉ hỗ trợ một khoản tiền ít ỏi mà không bồi thường và bố trí tái định cư.

Người dân tại ấp 4, xã Bình Lợi bức xúc trình bày với phóng viên

Không bồi thường vì… lấn chiếm đất kênh?

Hơn 2 năm qua, gần chục hộ dân tại ấp 4, xã Bình Lợi, đứng trước nguy cơ phải ra đường sinh sống vì chính quyền địa phương lấy đất để làm dự án mở rộng tỉnh lộ 10 (TL10) nhưng không có quyết định thu hồi đất, không được bồi thường và bố trí tái định cư để ổn định cuộc sống mà chỉ được hỗ trợ cho mỗi hộ dân với khoản tiền ít ỏi.

Cầm quyết định bồi thường, hỗ trợ 134m2 đất chỉ vỏn vẹn 310 triệu đồng, bà Huỳnh Kim Nguyên bức xúc: Năm 1985 gia đình bà được UBND xã Bình Lợi cấp phần đất diện tích 134m2 mở tiệm sửa xe đường TL10 để làm kinh tế và mở mang bộ mặt cho Hợp tác xã (HTX). Hơn 4 năm sau, HTX ngưng hoạt động, gia đình bà vẫn tiếp tục sinh sống trên mảnh đất này, hàng năm đóng thuế đầy đủ, được UBND huyện Bình Chánh cấp số nhà và trong suốt gần 30 năm qua, gia đình bà không bị bất kỳ quyết định xử phạt nào về hành vi lấn chiếm đất.

Tương tự, năm 1988 bà Võ Thị Hoa (gia đình liệt sĩ) cũng được UBND xã Bình Lợi cấp diện tích đất 3,5x30m TL10 để mở cửa hàng chất đốt. Năm 1989, bà Hoa sang nhượng thêm phần đất ngang 6,6m, dài 28m của ông Phan Tấn Trị để mở thêm cửa hàng may mặc (sau này bà Hoa đã ủy quyền nhượng lại cho con trai là ông Ca Văn Thiện). Cũng như bà Nguyên, gia đình bà vẫn tiếp tục bám trụ sinh sống cho đến nay. Thế nhưng, UBND huyện Bình Chánh ra Quyết định bồi thường, hỗ trợ phần đất 105m2 của bà số tiền 238.724.960 đồng. Ông Ca Văn Thiện cũng được áp mức bồi thường giống như mẹ mình.

Trường hợp của các hộ Hồ Thị Châu, Vũ Thị Kỳ, Trần Thị Kim Trang và Nguyễn Thị Kim Tiếng cũng tương tự như bà Nguyên. Mỗi hộ nói trên đều có quá trình sử dụng đất từ thời điểm trước năm 1990, do UBND xã cấp, không hề bị xử phạt hành vi lấn chiếm, không tranh chấp. Thế nhưng, họ chỉ được hỗ trợ 30% của 40m2 đất ở với tổng mức hỗ trợ chỉ khoảng từ 200-300 triệu đồng mà không hề được bồi thường, bố trí tái định cư để đảm bảo cuộc sống.

Ông Trần Thế Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lợi - cho rằng: Những hộ dân này có nhà ở trên kênh, theo pháp lý thì nhà ở trên kênh không được bồi thường mà chỉ hỗ trợ… Lý do ông Vinh đưa ra là căn cứ vào Tài liệu 02 (năm 1994) mà Tài liệu 02 lại căn cứ vào Tài liệu 299 ban hành từ trước năm 1980 thì đất này là đất kênh.

Thế nhưng khi được hỏi, những hộ dân này lấn chiếm đất kênh tại sao trong thời gian dài như vậy mà họ không hề bị xử phạt và buộc phải di dời thì ông Vinh cho rằng không thể trả lời vì ông là người mới về sau này. Cũng theo ông Vinh, trong thời gian tới, trên cơ sở các văn bản này, UBND xã sẽ rà soát lại và xử lý những hộ lấn chiếm đất kênh này theo quy định của pháp luật!

Sự bất hợp lý trong việc áp dụng các văn bản pháp luật khiến hơn 20 năm qua người dân nơi đây vẫn phải sống trong những căn nhà xập xệ

Tại sao giải tỏa trắng?

Như đã trình bày, 7 hộ dân trong diện giải tỏa dự án mở rộng TL10 là những hộ dân được chính quyền cấp đất và sinh sống ổn định từ trước năm 1990. Đến năm 2010, chính quyền địa phương vẫn xác nhận là những hộ dân này không hề có tranh chấp. Như vậy, theo Luật Đất đai 1993 thì những hộ dân này phải được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, việc công nhận Tài liệu 02 ban hành năm 1994, tức ra đời sau Luật Đất đai 1993 và Tài liệu 299 (năm 1980) nhưng lại phủ nhận việc chính quyền địa phương giao đất cho người dân vào những năm trước 1990 để từ đó đưa ra phương án hỗ trợ rẻ mạt cho người dân một cách phiến diện, không hợp lý và thiếu tính thuyết phục.

Trong khi đó, dự án mở rộng TL10 chỉ đi qua một phần đất của những hộ dân này, nhưng khi lấy đất chính quyền lại thực hiện biện pháp giải tỏa trắng. Hầu hết những người dân bức xúc cho rằng, với khoản tiền bồi thường chỉ từ 200 – 300 triệu đồng, chúng tôi biết đi đâu và sinh sống như thế nào? Tại sao không cho chúng tôi được tiếp tục sinh sống trên phần đất còn lại mà giải tỏa trắng? Việc Nhà nước thu hồi đất để làm dự án chúng tôi không phản đối, nhưng với cách thu hồi và giải quyết bồi thường như vậy, chúng tôi không đồng ý.

Với những điều nêu trên, mong rằng quyền lợi của người dân ở ấp 4, xã Bình Lợi, sẽ được huyện và thành phố xem xét thỏa đáng hơn.

Đào Thiện (Pháp luật Việt Nam)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.