Các vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận được Pháp Luật TP.HCM nêu trong số báo ngày 5-8 đã được Sở TN&MT nhanh chóng tiếp thu và có hướng giải quyết.

“Để giải quyết những vướng mắc có thể gây trễ hạn hồ sơ nhà, đất của người dân, Sở TN&MT TP.HCM đã thống nhất với các quận, huyện về phân định thẩm quyền. Sắp tới, Sở sẽ ban hành quy chế phối hợp theo hướng quy trách nhiệm cụ thể trong công tác cấp giấy” - ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP (VPĐKĐĐ, thuộc Sở TN&MT), cho hay.

Thống nhất thẩm quyền với quận/huyện

. Phóng viên: Đề án thành lập VPĐKĐĐ đã quy định rõ thẩm quyền giải quyết những loại hồ sơ nhà, đất của cơ quan này. Thế nhưng trên thực tế vẫn xảy ra những trường hợp lấn cấn về thẩm quyền giữa UBND quận, huyện và Sở TN&MT. Sở đã giải quyết vấn đề này như thế nào?

+ Ông Phạm Ngọc Liên (ảnh): Sở TN&MT nhìn nhận hiện nay việc phân cấp thẩm quyền ký giấy chứng nhận (GCN) cho người dân còn chưa được hiểu thống nhất giữa các đơn vị. Sở đã tổng hợp, báo cáo TP vấn đề này. Trong lúc chờ TP chỉ đạo, để tránh chậm trễ hồ sơ của người dân, ngay trong ngày 5-8 Sở đã có văn bản gửi các quận, huyện thống nhất về thẩm quyền đối với một số trường hợp đang lấn cấn.

Cụ thể, trường hợp người dân đã được quận, huyện cấp GCN nay muốn hợp thức hóa thêm phần đất nằm ngoài ranh trong chủ quyền thì thẩm quyền giải quyết của UBND quận, huyện. Nếu người dân muốn hợp hai thửa đất đã được cấp GCN và phần mới được cấp bổ sung thành một thửa thì cũng do quận, huyện giải quyết.

Trường hợp cấp GCN cho trường hợp tách thửa theo Quyết định 33/2014 của UBND TP, Sở cũng thống nhất là thẩm quyền của UBND quận, huyện.

. Vậy còn trường hợp cấp GCN cho người dân xây dựng mới nhà trên phần đất đã được cấp GCN vẫn phải chờ ý kiến của Bộ?

+ Ngay khi Pháp Luật TP.HCM thông tin trên bài báo ngày 5-8, tôi đã trao đổi với anh Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN&MT, về vấn đề này. Anh Kiệt chỉ đạo cứ thực hiện theo Thông tư 02/2015 (tức Sở TN&MT ký) trong lúc chờ hướng dẫn của Bộ để tránh ùn tắc cho người dân. Do đó VPĐKĐĐ TP sẽ sớm chuyển các hồ sơ trên cho Sở để giải quyết luôn.

Làm thủ tục nhà đất tại Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM. Ảnh: HTD

Phân định trách nhiệm từng bên

. Các quận, huyện cho hay do thiếu quy chế phối hợp giữa VPĐKĐĐ với các địa phương nên việc thực hiện thủ tục ĐKĐĐ cho người dân gặp nhiều khó khăn, dẫn đến trễ hạn hồ sơ. Sở đã giải quyết tới đâu?

+ UBND TP đã chấp thuận cho Sở TN&MT được ký quy chế phối hợp tạm thời trong khi chờ quy chế chính thức ban hành theo trình tự thủ tục quy định. VPĐKĐĐ TP đã soạn dự thảo quy chế phối hợp trình Sở thông qua. Nội dung quy chế nói rõ chức năng nhiệm vụ, công tác phối hợp, thời gian thực hiện của các bên, thời gian luân chuyển hồ sơ… Đó là cơ sở để các bên thực hiện và truy trách nhiệm nếu trễ hạn hồ sơ cho dân. Nếu không có gì thay đổi, trong nay mai Sở sẽ ban hành quy chế này.

. Khi công tác ĐKĐĐ gom về chỉ còn một đầu mối, Sở đã có những chấn chỉnh nào để công tác cấp GCN cho người dân được thuận lợi hơn không, thưa ông?

+ Hiện nay có một số quận, huyện ký GCN (hoặc xác nhận thay đổi trên GCN đã cấp) rồi mới gửi phiếu chuyển cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính. Làm như vậy là không đúng quy định tại Nghị định 43/2014.

Để thực hiện đúng quy định, Sở TN&MT thống nhất với Cục Thuế và các quận, huyện chỉ đạo các cơ quan thụ lý hồ sơ (như phòng TN&MT, các chi nhánh VPĐKĐĐ và chi cục thuế) phải cung cấp các thông tin địa chính để người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính trước khi trình ký GCN hoặc trình ký thay đổi trên GCN. Sau khi có xác nhận của cơ quan thuế về việc người sử dụng đất đã hoàn thành hoặc xin ghi nợ tiền sử dụng đất thì mới ký GCN hoặc xác nhận thay đổi trên GCN.

. Quy định như vậy liệu có gây lo lắng cho người dân vì GCN chưa được ký, chưa được xác nhận thay đổi nhưng người dân phải nộp nghĩa vụ tài chính. Giả sử hồ sơ không được giải quyết thì sao?

+ Người dân chỉ nộp nghĩa vụ tài chính (hoặc xin ghi nợ) khi cơ quan đăng ký hoặc phòng TN&MT xác nhận hồ sơ đủ điều kiện cấp GCN hoặc đủ điều kiện được xác nhận thay đổi lên GCN. Do đó người dân không cần phải lo ngại. Quy định này còn có thuận lợi là nếu trong quá trình thực hiện nghĩa vụ tài chính mà có những vấn đề cần xác định lại như thời điểm sử dụng đất, diện tích đất được cấp… thì cũng dễ điều chỉnh hơn so với trường hợp ký GCN xong mới thực hiện nghĩa vụ tài chính. Theo tôi, quy định này làm tăng tính trách nhiệm của các chi nhánh VPĐKĐĐ và phòng TN&MT.

.Xin cám ơn ông.

Ủy ban MTTQ quận, huyện giám sát công tác cấp giấy

Trong ngày 5-8, Sở TN&MT có thông báo đề nghị các quận, huyện chỉ đạo phòng TN&MT và UBND phường, xã, thị trấn rà soát, báo cáo về công tác cấp GCN (với số liệu mới nhất) để phục vụ đoàn giám sát của ủy ban MTTQ các quận, huyện. Báo cáo phải nêu rõ số lượng hồ sơ đã được cấp giấy, chưa được cấp giấy, việc thông tin hoặc trả lời bằng văn bản hồ sơ đủ hoặc không đủ điều kiện cấp GCN cho người dân.

____________________________________

116.632 trường hợp ở TP.HCM chưa được cấp GCN do người dân không có nhu cầu hoặc không đủ điều kiện cấp (số liệu tính đến ngày 30-3-2015). Cụ thể, đến thời điểm trên TP đã cấp được hơn 1.406.000 GCN trên tổng số hơn 1.523.000 nhà, đất.

Chủ đề: Tái định cư,
Cẩm Tú (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.