Nếu so sánh phân khúc mặt bằng bán lẻ với các phân khúc khác của thị trường bất động sản vào thời điểm này, thì có lẽ phân khúc được coi là một thời “làm tất, ăn cả” – mặt bằng bán lẻ đã hết thời mà thay vào đó là mô hình chợ truyền thống và cửa hàng nhỏ.

Mặt bằng bán lẻ - đã hết thời “làm tất, ăn cả”. Nguồn: Internet

Ba năm trước nhiều chuyên gia dự báo, phân khúc bán lẻ sẽ phát triển như “vũ bão” tại thị trường Việt Nam với sự xuất hiện của các thương hiệu nổi tiếng quốc tế tại các trung tâm thương mại (TTTM). Thế nhưng đến thời điểm này các dự báo trên hoàn toàn sai lệch. Tại hai thị trường lớn nhất của cả nước (Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) mặt bằng bán lẻ đang có xu hướng dư cung lớn dù giá thuê giảm mạnh.

Báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản của Savills Việt Nam cho thấy, tại Hà Nội, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tính đến hết quý I/2013 đạt 763.200 m2, tăng 1% so với quý trước và tăng 16% so với năm ngoái (ngoại trừ trung tâm mua sắm lớn nhất Việt Nam Vincom Mega Mall Royal City sẽ khai trương trong tháng 7/2013). Điều đáng nói, mặc dù giá thuê trung bình của toàn thị trường giảm 3,3% so với quý trước nhưng tỷ lệ lấp đầy của phân khúc này trên địa bàn Hà Nội đạt thấp, chiếm khoảng 89%, cá biệt có một số TTTM đóng cửa, vì không có khách thuê.

Điển hình là dự án TTTM cao cấp Grand Plaza (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy) đi vào hoạt động từ cuối năm 2010, với diện tích lên tới 16.000 m2, do áp dụng “sai sách” đã nhanh chóng thất bại khi thực hiện chiến lược giao cho các đầu tư thứ cấp “cầm trịch”.

Đáng nói, các nhà đầu tư đã không thống nhất được với nhau về mức phí quản lý, giá thuê cũng như chi phí vận hành TTTM. Thêm vào đó, dự án này đã không thu hút được khách hàng đến mua sắm đã khiến các gian hàng thuê tại đây phải rút lui, hàng nghìn m2 đang bị bỏ trống.

Một dẫn chứng khác là TTTM Hàng Da Galleria ra mắt thị trường từ cuối năm 2011, với gần 7.000 m2 sàn thương mại cho thuê thì đến tháng 3/2013 đã phải đóng cửa để tiết kiệm chi phí sau hơn 1 năm vận hành không hiệu quả.

Tương tự, tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, tổng nguồn cung bán lẻ trong quý I/2013 vào khoảng 796.000 m2, tăng 4% so với quý trước và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, do có sự gia nhập của 1 trung tâm mua sắm và 2 siêu thị mới… Giá thuê trung bình của toàn thị trường giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước nhưng tỷ lệ “lấp đầy” vẫn không tăng mạnh như kỳ vọng.

Như vậy, phân khúc mặt bằng bán lẻ một thời là “miếng ngon” thì nay các chủ đầu tư kinh doanh phân khúc này đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm khách thuê khi đưa sản phẩm vào vận hành đúng lúc kinh tế đi xuống, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Chính điều này đã khiến chủ đầu tư “rát mặt” do không có sự “chia lửa” từ phía khách hàng với các hợp đồng góp vốn giống như phân khúc căn hộ.

Từ nay đến 2015, dự kiến TP. Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 1,3 triệu m2 diện tích bán lẻ mới gia nhập thị trường, trong đó, khu vực nội thành chiếm khoảng 57% tổng diện tích bán lẻ tương lai, tiếp theo là khu vực ngoại thành và khu vực trung tâm. Dự kiến thị trường bán lẻ Hà Nội sẽ có khoảng 1,6 triệu m2 từ 69 dự án bán lẻ gia nhập thị trường.

Theo Savills

Minh Hà (Tạp chí Tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.