Một trong những vấn đề mà các thành viên Ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng Nhân dân TPHCM đề xuất trong buổi họp bàn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế chiều nay 15-6 là các ngân hàng nên nới rộng điều kiện cho vay thay vì chỉ giảm lãi suất.

Theo ông Văn Đức Mười, thành viên Ban Kinh tế Ngân sách, Tổng giám đốc Công ty Kỹ nghệ súc sản Vissan, hiện nay vấn đề khó của doanh nghiệp chính là các quy định xét hồ sơ vay từ phía ngân hàng, vì vậy, dù có đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất mà các điều kiện vay không được nới lỏng thì khả năng không vay được vốn là rất cao.

Cùng ý kiến này, ông Vương Đức Hoàng Quân, Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh cho rằng với quy định tài sản đảm bảo rất khắt khe, trong khi quỹ bảo lãnh tín dụng của TPHCM chưa thể đứng ra bảo lãnh thì doanh nghiệp thường không vay được vốn. Ông Quân cho rằng NHNN nên cân nhắc yếu tố này nếu muốn giúp đỡ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.

Trong khi đó, ông Từ Minh Thiện, Phó ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM cho rằng hiện tại ngoài các ngân hàng, ở các sở, ngành cũng có nhiều chương trình ưu đãi cho vay đối với doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa được hưởng, phải chăng vì điều kiện cho vay khó, quy trình phức tạp.

Trả lời các thắc mắc trên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, cho rằng thực tế hoạt động vay vốn của doanh nghiệp đã sôi động trở lại từ tháng 5 vừa qua, khi lãi suất cho vay dần hạ nhiệt. Trong 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ cho vay dự ước đạt 779.000 tỉ đồng, tăng 1,96% so với cuối năm 2011, riêng tín dụng của tháng 6 đã tăng 1,94% so với tháng trước. Ông Minh cho biết đây là con số khá cao sau khi tín dụng âm trong 5 tháng qua và cao hơn so với con số 1,72% của cả nước. Và tại TPHCM một số ngân hàng đã tăng tín dụng bằng với chỉ tiêu cả năm.

Tuy vậy, ông Minh cho rằng trong năm nay, tín dụng trên địa bàn sẽ chỉ tăng từ 8-10%, vì hiện nay hoạt động cho vay vẫn gặp khó do nợ xấu của các ngân hàng tăng liên tục theo tháng từ đầu năm đến nay, từ mức 3,6% trên tổng dư nợ vào cuối năm ngoái, đến hết 6 tháng con số này đã lên đến hơn 6%. Theo ông Minh nếu không xử lý được vấn đề này thì việc tăng trưởng tín dụng sẽ gặp nhiều trở ngại.

Về tình hình giảm lãi suất cho vay trên địa bàn, theo ông Minh, mức thấp nhất là 13% theo 4 nhóm đối tượng ưu tiên, một số ngân hàng cho vay với lãi suất 11,5% nhưng không nhiều. Lãi suất dành cho các nhóm đối tượng khác cao nhất lên đến 18%, và đang có xu hướng giảm dần. Lãi suất khó giảm ngay do 4 đợt giảm lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong chưa đầy 3 tháng, khiến ngân hàng ngay lập tức chưa có vốn rẻ cho vay.

Về việc doanh nghiệp rất cần cơ cấu lại nợ, cho vay mới, thu nợ cũ, ông Minh cho rằng dù Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo nhưng chưa có quy định cụ thể nên đang đề xuất để các ngân hàng thương mại thực hiện thống nhất, giúp doanh nghiệp đang nợ có cơ hội cơ cấu lại khoản vay với lãi suất thấp hơn. Đồng thời cơ quan này cũng đã gửi công văn xin phép chính phủ được khoanh nợ đối với các doanh nghiệp thuộc những ngành nghề chính phủ khuyến khích để các nơi này được tiếp cận món vay mới.

Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.