Hà Giang đang kêu gọi nhà đầu tư tham gia phát triển dự án nhà hợp khối trụ sở các cơ quan hành chính và trung tâm hội nghị của tỉnh với tổng mức đầu tư 603 tỉ đồng theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và xã hội hóa.

Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, có vốn đầu tư 1.400 tỉ đồng, khánh thành hồi đầu năm 2014. Ảnh: MINH KHUÊ

Theo UBND tỉnh này, dự án “nhằm đáp ứng được các yêu cầu về trụ sở làm việc, đồng thời tạo nên một quần thể công trình kiến trúc đẹp, tạo nên diện mạo cảnh quan đô thị hiện đại có tính biểu tượng cho tỉnh Hà Giang”.

Đặt mục tiêu này bên cạnh thực tế từ trước đến nay, Hà Giang là tỉnh miền núi nghèo, ngân sách trung ương phải bù đắp rất nhiều, thấy nó hết sức không… thực tế. Theo dự toán ngân sách năm 2015, Hà Giang chỉ thu được 1.345,5 tỉ đồng, trong khi tổng chi tới 6.295,964 tỉ đồng

Cái tên Hà Giang gắn với những từ khóa như “vỡ nợ”, “đại công trình”. Khoảng năm 2004, chính quyền Hà Giang gần như mất khả năng thanh toán các khoản nợ xây dựng cơ bản cho doanh nghiệp trên địa bàn do quyết định đầu tư ồ ạt các công trình. Thời đó, trả lời báo Tiền Phong, ông Hoàng Đình Châm, Phó chủ tịch UBND tỉnh này, cho biết: “Tính đến 31-12-2004, khối lượng các công trình được duyệt trị giá 2.705,82 tỉ đồng nhưng mới được thanh toán 1.320,83 tỉ”. Ông này tính: “Với nguồn vốn trung ương cấp như hiện nay, phải mất 15 năm nữa mới trả được nợ gốc (với điều kiện không thực hiện các công trình đang dở dang và không phê duyệt các công trình mới)”. Không có thông tin từ đó tới nay Hà Giang đã trả nợ thế nào nhưng với kế hoạch trả trong “15 năm nữa” nói trên, thì tới năm… 2019 mới có thể trả xong.

Bây giờ là năm 2015, Hà Giang lại đưa ra đại dự án - xây tòa nhà hành chính tập trung - với số vốn bằng chừng một nửa tổng số nợ phải trả trong kế hoạch 15 năm.

Vấn đề là tính cần thiết, hiệu quả của mỗi dự án và khả năng tài chính của địa phương, doanh nghiệp. Các trung tâm hành chính tập trung, bản thân nó không làm nên cải cách thủ tục hành chính - điều mà người dân trông chờ nhất và các địa phương hay lấy đó làm mục tiêu khi lập dự án. Cái chính vẫn là các quy định, quy trình và con người thực hiện. Đó là chưa nói đến chuyện nhiều địa phương đang có các trụ sở cơ quan, ban ngành rất lớn và mới.

Các mô hình xã hội hóa ngày càng phát triển, biến tướng và khó có thể hình dung, trong khi khuôn khổ thể chế chưa hoàn thiện, cơ chế giám sát chưa có hay không theo kịp, thì nguy cơ rủi ro từ các dự án khoác chiếc áo xã hội hóa dễ trở thành hiện thực và cũng đa dạng hơn.

Trong bối cảnh đất nước còn nghèo, thiết nghĩ, vấn đề xây dựng trung tâm hành chính tập trung cần được cân nhắc kỹ, để không thành phong trào tốn kém, lãng phí. Chỉ nên làm ở nơi nào có phương án tài chính xử lý các trụ sở làm việc hiện hữu một cách… kinh tế, khả thi nhất. Đặt yêu cầu “khả thi” là vì nhiều nơi dự tính bán các trụ sở làm việc cũ hay tài sản khác để cân đối khoản ngân sách đã bỏ ra xây cái mới nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Với kế hoạch xây tòa nhà hành chính tập trung, Hà Giang nói mình sẽ không dùng tiền ngân sách mà áp dụng hình thức PPP và xã hội hóa. Có vẻ như hình thức gọi vốn này đang là “mốt” của các địa phương, bộ, ngành... vì dễ thuyết phục để xin chủ trương đầu tư hơn trong bối cảnh ngân sách cạn kiệt, nợ công tăng cao.

Thực ra PPP hay xã hội hóa không có nghĩa là Nhà nước không phải bỏ ra cái gì. Doanh nghiệp tham gia PPP hay xã hội hóa đều phải trên cơ sở lợi ích thu lại được từ đồng tiền bỏ ra. Nếu Nhà nước không trả bằng tiền tươi thóc thật thì cũng phải trả bằng “thương quyền” và quyền này có thể vốn hóa, như ví dụ nêu trên. Mà suy cho cùng, tất cả những thứ đó đều từ tiền thuế của dân mà ra.

Nếu làm PPP hay xã hội hóa theo kiểu phong trào trong khi khuôn khổ thể chế chưa hoàn thiện, cơ chế giám sát chưa có như hiện nay thì nguy cơ rủi ro sẽ khôn lường. Đó không chỉ là chuyện “bánh ít trao đi, bánh quy trao lại” không công bằng, gây thiệt hại cho Nhà nước và tạo cơ hội cho tham nhũng. Nói là vốn tư nhân nhưng thực ra cũng là vốn nhà nước và xã hội bởi chủ đầu tư chỉ bỏ tiền túi ra một ít, sau đó đi vay ngân hàng. Nếu không cân nhắc kỹ lưỡng, đầu tư vào các dự án không hiệu quả, doanh nghiệp vỡ nợ, ngân hàng bị nợ xấu, thì hậu họa cho cả nền kinh tế.

Trong bối cảnh các mô hình xã hội hóa ngày càng phát triển, đa dạng và khó có thể hình dung, nguy cơ này dễ trở thành hiện thực và cũng đa dạng hơn. Gần đây, khi dự án xây dựng tháp truyền hình Việt Nam được chấp nhận, có nhiều câu hỏi đặt ra, không chỉ về sự cần thiết, cấp thiết, hiệu quả của dự án, mà còn về “nguyên tắc” sử dụng nguồn vốn xã hội hóa. Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chọn Công ty cổ phần tập đoàn Đầu tư BRG để thành lập công ty cổ phần thực hiện dự án này. Với sự tham gia của SCIC - một siêu doanh nghiệp nhà nước, liệu chiếc áo xã hội hóa được giới thiệu có khoác bên trong nó bản chất phi ngân sách thực sự? Vì sao SCIC lại tham gia vào dự án có “ruột” là bất động sản này trong khi định hướng chung là thoái vốn ra những ngành rủi ro hoặc không cần sự có mặt của vốn nhà nước?

Thi nhau xây trung tâm hành chính tập trung

- Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ (chinhphu.vn) ngày 16-5- 2015, tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Giang năm 2015, tỉnh Hà Giang đã giới thiệu danh sách những dự án mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) và xã hội hóa. Trong đó có dự án Nhà hợp khối trụ sở các cơ quan hành chính và trung tâm hội nghị của tỉnh với tổng mức đầu tư 603 tỉ đồng

- Theo chinhphu.vn ngày 11-4-2015, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý về nguyên tắc áp dụng hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện Dự án khu hành chính tập trung tỉnh Hải Dương có tổng mức đầu tư khoảng 2.060 tỉ đồng.

- Theo chinhphu.vn ngày 2-4-2015, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý về nguyên tắc áp dụng hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để xây dựng Khu trung tâm hành chính tỉnh Khánh Hòa rộng 35 héc ta với chi phí đầu tư dự kiến là 2.788 tỉ đồng.

- Đài tiếng nói Việt Nam (vov.vn) ngày 18-4-2015 dẫn thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết tỉnh này đã chốt phương án do chủ đầu tư là tập đoàn Vingroup trình bày. Cụ thể, chủ đầu tư sẽ xây khu hành chính mới trên diện tích rộng 2,33 héc ta. Sau khi hoàn thành, chủ đầu tư sẽ được sở hữu quỹ đất tại khu trung tâm hành chính cũ.

- Báo Hải quan (baohaiquan.vn) ngày 4-4-2015 dẫn thông tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết tỉnh này đang lên kế hoạch xây dựng trung tâm hành chính với số vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỉ đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án sẽ từ ngân sách tỉnh; tiền bán, đấu giá đất lân cận; tiền thu được từ việc bán các trụ sở sẽ chuyển đi...

- Giữa tháng 3-2015, ông Lý Thành Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, cho báo chí biết tỉnh này đang bàn phương án xây trung tâm hành chính mới tại khu đô thị mới Tam Phước (thành phố Biên Hòa) với tổng diện tích xây dựng 122.000 mét vuông, vốn đầu tư 2.200 tỉ đồng. “Chắc chắn là chỉ sử dụng vốn ngân sách để xây dựng hạ tầng, còn các tòa nhà và công trình phụ trợ sẽ thực hiện theo hình thức xã hội hóa”, ông Phương nói.

• Bên cạnh các trung tâm hành chính còn nằm trong kế hoạch nói trên, nhiều trung tâm hành chính tập trung đã được khánh thành:

- Ngày 20-2-2014, tỉnh Bình Dương khánh thành Trung tâm Hành chính tập trung có vốn đầu tư 1.400 tỉ đồng.

- Ngày 8-9-2014, Đà Nẵng khánh thành Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng có tổng mức đầu tư 1.981 tỉ đồng.

- Ngày 23-4-2015, Lâm Đồng khánh thành Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng có tổng mức đầu tư 1.014 tỉ đồng (mức ban đầu chỉ 495 tỉ đồng).

Tường Mỹ (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.