181 ngôi nhà “siêu xuyệt” thuộc khu phố 4, UBND phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM đã được lập danh sách cấp đổi lại số nhà ít xuyệt hơn.

Ngày 13-5, Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Điên đầu với số nhà “siêu xuyệt”” nêu tình trạng ở một số khu vực thuộc huyện Nhà Bè và quận Bình Tân (TP.HCM), người dân khổ sở vì nhà được cấp số quá nhiều xuyệt, khó nhớ, khó giao dịch. Mới đây, PV Pháp Luật TP.HCM đã trở lại đường Bùi Tư Toàn (phường An Lạc, quận Bình Tân), tìm đến khu nhà “siêu xuyệt” mà báo đã phản ánh.

“Mừng quá trời!”

Chỉ vào số nhà mới 2/31/35 đường 2D nối dài (phường An Lạc, quận Bình Tân), bà Châu Mỹ Hồng vui vẻ: “Số nhà của tôi được đổi hơn một tháng nay, sau khi tổ trưởng dân phố tổ chức họp lấy ý kiến việc đổi số nhà theo đường 2D nối dài để giảm xuyệt. Ai nấy đều đồng ý”.

Trước đây gia đình bà Hồng rất mệt mỏi với số nhà dài dằng dặc 36/45/32/49/13/22 Bùi Tư Toàn. Bà Hồng gặp khá nhiều khó khăn trong việc giao dịch. Mỗi lần đi lấy hàng tạp hóa, bà Hồng đều phải tự chở về vì thuê người chở nhưng họ không tìm được nhà; nhiều trường hợp phải vẽ sơ đồ hướng dẫn. Mỗi khi người quen, khách khứa tìm đến thì phải hẹn ở ngoài đầu đường rồi gọi điện thoại để người nhà bà Hồng ra rước vào. Việc gọi taxi cũng gặp khó khăn, thư từ và giấy tờ gửi từ nước ngoài về thường bị thất lạc.

Bà Hồng kể: Sau cuộc họp tổ nói trên, bà Hồng cùng nhiều hộ gia đình khác nộp lại giấy chứng nhận số nhà cũ cho tổ trưởng dân phố. Đến cuối tháng 7, bà Hồng được UBND quận Bình Tân cấp cho giấy chứng nhận số nhà mới. Lập tức bà Hồng đã làm biển số nhà mới dán ngay dưới biển số nhà cũ.

“Đây là mong mỏi của tất cả người dân sống ở khu vực này nhiều năm nay, bây giờ ai nấy mừng lắm. Mấy hôm nay ai đến đây cũng dễ dàng tìm ra nhà, chỉ cần hướng dẫn họ đi đại lộ Đông Tây rẽ vào đường 2D là tới ngay” - bà Hồng nói.

Đối diện nhà bà Hồng, bà Lê Thị Nguyệt (ngụ nhà 2/31/40 đường 2D nối dài) cũng bộc lộ sự vui mừng khi được cấp lại số nhà ít xuyệt. Trước đây số nhà cũ là 35/45/32/49/12/23 khiến bà nhiều phen bực dọc. “Bây giờ đi làm giấy tờ khi điền số nhà ngắn hơn cũng thấy khỏe” - bà Nguyệt nói.


Nhà bà Châu Mỹ Hồng nay đã được cấp số mới ít xuyệt, dễ nhớ hơn (biển số ở dưới). Ảnh: LÊ THOA

Sẽ hỗ trợ dân chỉnh sửa giấy tờ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Từ Tiến Tân, Phó Chủ tịch UBND phường An Lạc, cho biết ngay sau khi có chỉ đạo của UBND quận về việc rà soát điều chỉnh số nhà có nhiều xuyệt, phường đã kết hợp với ban điều hành khu phố, tổ trưởng dân phố tiến hành thu hồi bản chính quyết định, thông báo, chứng nhận cấp số nhà của các hộ dân; lập danh sách chuyển UBND quận Bình Tân cấp đổi số nhà cho các hộ dân, đồng thời nhận lại kết quả, trao tận tay cho bà con. Qua quá trình rà soát, phường An Lạc đã thống kê 181 trường hợp nhà có nhiều xuyệt nằm trên địa bàn khu phố 4, trong đó đợt 1 đã cấp đồng loạt cho 80 hộ và đợt 2 cấp cho 40 hộ đăng ký đơn lẻ. Thời gian tới phường sẽ để người dân tự chủ động làm lại thủ tục cấp số nhà.

Bên cạnh đó, các hộ dân khu vực này cũng thắc mắc sau khi đổi sang số nhà mới thì các giấy tờ như sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân... có được cấp lại để cập nhật số nhà mới hay không. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Gia Thái Bình cho biết quận sẽ hỗ trợ cho người dân đổi số nhà trong các giấy tờ có liên quan nếu người dân có nhu cầu.

Ông Bình cũng cho biết trường hợp một số nhà có nhiều xuyệt ở đường Bùi Tư Toàn có thể đổi lại thành ít xuyệt hơn vì có đường 2D nối dài mới được hình thành. “Tuy nhiên, ở các khu vực khác, nếu không tìm được con đường thay thế để giảm xuyệt thì sẽ rất khó khăn vì cách đánh số nhà vốn đã có quy định sẵn” - ông Bình nói.

Ngày 6-6, UBND TP.HCM đã có văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND các quận, huyện rà soát để xử lý tình trạng số nhà “siêu xuyệt”. Việc này xuất phát từ bài báo “Điên đầu với số nhà “siêu xuyệt”” đăng trên Pháp Luật TP.HCM ngày 13-5-2016.

TP cũng yêu cầu sở này cùng UBND quận Bình Tân và huyện Nhà Bè xử lý, khắc phục việc quản lý cấp số nhà như bài báo phản ánh. Kết quả thực hiện phải báo cáo cho Thành ủy và UBND TP.
Lê Thoa (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.