Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang thu hút sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội. Qua thẩm tra, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã dành cho ĐTTC cuộc trao đổi về một số nội dung quan trọng trong dự luật.

-Phải phân định “đất vàng” do ai tạo ra

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, hiện có nhiều ý kiến rất khác nhau về nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tìm được tiếng nói chung khi trình dự luật ra Quốc hội lần này?

Ông NGUYỄN ĐỨC KIÊN: - Tất nhiên vẫn còn những vấn đề phải tiếp tục trao đổi, hoàn thiện. Lịch sử quản lý đất đai nước ta đối với các vùng miền (Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ) có những đặc điểm riêng không thể không quan tâm, trong khi Luật Đất đai cần được thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Vì thế, thể hiện như thế nào để tạo sự đồng thuận cao là việc không dễ dàng.

- Theo ông, vấn đề nào của dự luật sẽ tạo ra những ý kiến còn khác nhau tại Quốc hội?

- Một khó khăn trong thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là đặt trong bối cảnh ta chưa hoàn thành việc sửa đổi Hiến pháp 1992, chưa tiếp thu được ý kiến của người dân về sửa đổi Hiến pháp, để từ đó thể hiện vào Luật Đất đai. Nhưng tôi cho rằng vấn đề được nhiều người đề cập nhất và chưa thống nhất là giá đất.

Thí dụ, khu vực đất nông nghiệp sau khi Nhà nước bỏ hàng ngàn tỷ đồng ra làm một con đường, nay có dự án cần thu hồi đất, người dân phải di dời, yêu cầu đền bù theo giá mặt tiền của đường quốc lộ liệu có đúng? Nhiệm vụ của cơ quan soạn thảo và thẩm tra là phải thống nhất quan điểm và thuyết phục được dư luận hiểu tại sao giá đền bù của chúng ta lại cao nhất thế giới.

- Vậy quan điểm của ông về trường hợp cụ thể vừa nêu? Đó là giá giao dịch trên thị trường khi chưa có con đường, khi có quy hoạch về con đường hay khi con đường đã được làm xong, đưa vào sử dụng?

- Từ trước đến nay, chúng ta vẫn kiên định quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nhưng phải phân chia một cách khoa học và tôn trọng thực tế hơn. Đất nông nghiệp phải coi là tư liệu đặc thù của sản xuất. Nếu không có sự đồng ý thay đổi mục đích sử dụng cũng như khoản đầu tư hàng tỷ đồng đó của Nhà nước thay đổi quy hoạch đất, dù ai mua nó cũng chỉ là đất nông nghiệp.

Tôi cho rằng giá đền bù phải là giá trước khi Nhà nước công bố quy hoạch. Nhưng khi thu hồi đất nông nghiệp, điều cần quan tâm là việc chuyển đổi mục đích sẽ tạo ra bao nhiêu việc làm ở đấy, Chính phủ có trách nhiệm trợ cấp cho người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất, di chuyển chỗ ở, đào tạo nghề... để đảm bảo cuộc sống của họ khi không còn tư liệu sản xuất. Quan niệm như vậy đất đai mới thực sự trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, thay vì trở thành một lực cản lớn.

- Thế nếu đó là đất ở?

- Vấn đề sẽ hơi khác. Đất ở gắn liền với nhà ở, là tài sản của công dân được Hiến pháp bảo vệ. Vì thế luật đã quy định thêm một số quyền về đất đai so với trước. Như tôi đã nói, cần có sự phân chia một cách khoa học và thực tế hơn. Khi thu hồi đất ở, trách nhiệm của Nhà nước là bố trí cho chủ sử dụng đất bị thu hồi chỗ ở mới, ít nhất bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ về diện tích, các dịch vụ sinh hoạt, điều kiện phát triển văn hóa xã hội… Xin lưu ý việc này không đồng nghĩa phải cấp lại một miếng đất khác.

-Phải chống “lợi ích nhóm”

- Như vậy mục đích sử dụng đất có thể coi là then chốt của mọi vấn đề?

- Có thể nói như vậy. Chúng ta cứ nói về những “khu đất vàng” giữa trung tâm thành phố. Đấy là nếu cắt ra chia lô phân nền để bán. Nhưng vẫn miếng đất ấy quy hoạch làm công viên cây xanh, với điều kiện phải giữ cho cây cối xanh tốt, bán 10.000 đồng/m2 liệu có ai mua? Cái tạo ra “vàng” không phải là tự thân miếng đất mà do tác động quản lý nhà nước. Vì thế phòng chống tham nhũng từ đất đai chính ở chỗ này. Chẳng hạn, đang từ chỗ được quy hoạch là đất bệnh viện, trường học, nay thay đổi thành đất xây nhà ở bán sẽ tạo ra siêu lợi nhuận. Nếu việc ấy đem lại quyền lợi cho một bộ phận, một nhóm nào đó, người dân xót ruột và phản ứng gay gắt là điều dễ hiểu. Vì vậy cần xem xét lợi ích chuyển đổi thuộc về ai.

- Dự thảo luật đã ngăn ngừa nguy cơ tham nhũng từ chênh lệch địa tô như thế nào?

- Cần phân định rạch ròi quyền của Nhà nước với tư cách cơ quan quản lý hành chính và là đại diện, chủ sở hữu đất đai. Ở vai trò quản lý, chính quyền xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cho dù đất đang được ai sử dụng cũng phải quy định hết sức chặt chẽ để hạn chế việc một số đối tượng lợi dụng quyền được thay đổi quy hoạch để trục lợi, tham nhũng. Dự thảo lần này đưa ra xin ý kiến Quốc hội về việc ai có thẩm quyền thay đổi quy hoạch sử dụng đất: Chủ tịch tỉnh hay UBND tỉnh, đồng nghĩa với việc vấn đề đó được quyết định theo chế độ tập thể hay cá nhân… Xác định rõ như thế để người dân - thông qua cơ chế đại diện của mình - có thể giám sát được việc chuyển mục đích sử dụng đất sẽ thu về được bao nhiêu cho ngân sách, có thực hiện đấu giá công khai, minh bạch? Từ đó, có thể thấy quy định hiện hành về giá đất do chủ tịch tỉnh công bố hàng năm sau khi được HĐND tỉnh thông qua rõ ràng là bất cập, vì quy hoạch sử dụng đất có giá trị 5 năm. Sự khập khiễng này có thể tạo điều kiện “xô đẩy” giá đất, cũng như tâm lý cố tình dây dưa trì hoãn không thực hiện bàn giao mặt bằng với hy vọng giá đất lên. Giải quyết bất cập này cần phải có nghị định.

- Thực tế sau khi ban hành Luật Đất đai 2003, cơ quan chức năng đã cho ra đời nhiều “siêu” nghị định, trong đó có không ít quy định mâu thuẫn với luật, mà báo cáo của cơ quan soạn thảo và thẩm tra đều đã chỉ ra?

- Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, cố gắng để càng ít phải ra nghị định càng tốt. Nhưng với một luật phức tạp như thế cũng không thể đưa hết mọi thứ vào luật được.

- Xin cảm ơn ông.

Theo Anh Thư (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.