Hai tập đoàn dệt may lớn của Hồng Kông đang đàm phán mua hoặc thuê lại khu công nghiệp (KCN) Lai Vu (Hải Dương), một dự án đứng trên bờ phá sản do Vinashin đầu tư trước đây, nay thuộc quyền quản lý của Tập đoàn Dầu khí (PVN)

KCN Lai Vu đang bỏ hoang hầu hết diện tích đất đã giải phóng mặt bằng từ nhiều năm nay. Ảnh: T.L

Theo nguồn tin của TBKTSG Online, tập đoàn dệt may Hồng Kông là Pacific và Công ty TNHH Tinh Lợi (công ty con của Tập đoàn dệt may Crystal) đang đàm phán với PVN về việc chuyển nhượng KCN Lai Vu để hai tập đoàn này tiếp tục khai thác, kinh doanh, tránh tình trạng bỏ hoang như hiện nay.

Lý do của đề nghị này là cách đây gần 2 năm, hai doanh nghiệp Hồng Kông đã được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư cho hai dự án dệt và may lớn, dự kiến đặt tại cụm công nghiệp Nguyên Giáp. Một dự án dệt và sản xuất các nguyên phụ liệu đi kèm của Pacific, dự kiến có tổng vốn đầu tư hơn 423 triệu đô la Mỹ, và dự án của Tinh Lợi chuyên về sản xuất hàng may mặc thành phẩm, trị giá khoảng 115 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, vướng mắc về giải phóng mặt bằng ở cụm công nghiệp Nguyên Giáp đã khiến việc triển khai hai dự án bị đình trệ.

Công ty TNHH Tinh Lợi hiện đã đầu tư vào KCN Nam Sách tỉnh Hải Dương với ngành nghề kể trên và thu hút 6000 lao động địa phương.

Do vậy, hai doanh nghiệp Hồng Kông đã chuyển hướng, muốn mua lại KCN Lai Vu, rộng hơn 200 héc ta để thực hiện các dự án này. Quá trình đàm phán giữa các nhà đầu tư với PVN đang diễn ra nhưng do KCN Lai Vu trước đây của Vinashin đầu tư và PVN nhận lại sau khi Vinashin đứng trên bờ vực phá sản, nên việc chuyển nhượng dự án có thành hay không đang được tỉnh Hải Dương và PVN báo cáo Chính phủ quyết định.

KCN tàu thủy Lai Vu là một trong số bảy dự án đầu tư của Vinashin năm 2011 đã bị Thanh tra Chính phủ kết luận là mắc nhiều sai phạm trong quá trình đầu tư. Tính đến thời điểm tháng 10-2011, dự án đã giải ngân vốn đầu tư khoảng 600 tỉ đồng. Theo thông tin của TBKTSG Online, đây cũng là mức giá mà các nhà đầu tư Hồng Kông đang đàm phán với PVN. Tuy nhiên cả PVN và các bên đang tham gia đàm phán không xác nhận con số này.

Lan Nhi (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.