TP Hải Phòng hiện có 9 KCN tập trung đã và đang hình thành với quy mô diện tích đất sử dụng 4.400ha. Dự kiến, khi các KCN này được lấp đầy sẽ thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 200 nghìn công nhân, trong đó người lao động đến từ các huyện ngoại thành và vùng lân cận có thể chiếm tới 70%.

Một dãy nhà trọ tư nhân cho công nhân thuê để ở.

Do vậy, không chỉ trong những năm tới, mà thực tế vài năm gần đây, vấn đề nhà ở đối với công nhân làm việc tại các KCN đang đòi hỏi nhu cầu khá lớn và mang tính bức thiết.

Điều dễ nhận thấy, hầu hết số công nhân đang làm việc tại các KCN như: Hải Phòng-Nomura, Đình Vũ, VSIP, Tràng Duệ hay các nhà máy, xí nghiệp thuộc ngành dệt may…đều phải thuê nhà trọ tư nhân nằm rải rác chung quanh những địa bàn giáp ranh hoặc ven khu vực đô thị trung tâm thành phố.

Cho thuê nhà trọ đã và đang trở thành một “nghề” kinh doanh-dịch vụ tạo điều kiện “phất lên” đáng kể cho rất nhiều hộ dân ở Hải Phòng. Có điều, hầu như chẳng có mấy ông, bà chủ nhà trọ nào chịu đầu tư xây dựng “nhà cho ra nhà”.

Cũng bởi thu nhập của người công nhân hạn hẹp, nên dường như họ đều chấp nhận góp chung 2-3 người cùng thuê ở một căn hộ cấp 4 (nhà tạm) rộng chừng mươi, mười lăm m2 với những tiện nghi hạ tầng thiếu thốn, tồi tàn và chất lượng kém.

Điều kiện ăn ở ẩm thấp, nóng bức ngột ngạt, điện, nước phập phù, công trình vệ sinh, thoát nước tàng tàng… là một thực tế phổ biến trong những khu, dãy nhà trọ.

Có không ít dãy nhà trọ cho công nhân thuê ở, nhưng vẫn phải sử dụng chung một công trình WC như những năm thời bao cấp của Thế kỷ trước. Song, được cái thuận là nhà trọ ở vị trí gần nhà máy, xí nghiệp mà những người thợ tiện đi làm hàng ngày, nên họ vẫn cố thuê để ở theo triết lý “khó khăn khắc phục”.

Tuy nhiên, rất nhiều người công nhân-vốn là những nam thanh, nữ tú từ các vùng miền nông thôn đã “thoát khỏi lũy tre làng” tự nguyện gắn bó với nhà máy, xí nghiệp để sinh cơ lập nghiệp, thì ai ai cũng ước muốn có được một căn hộ (dù là nhà thuê) đúng nghĩa của nó để ăn ở ổn định lâu dài.

Đáng tiếc là những mong ước chính đáng đó của người lao động tại các KCN ở Hải Phòng vẫn chỉ là…mong ước, mà vẫn chưa biết đến bao giờ mới trở thành hiện thực (!)

Đúng ra vấn đề xây dựng khu nhà ở tập trung cho công nhân phải được đặt ra ngay từ khi nghiên cứu, lập quy hoạch, phê duyệt dự án đầu tư các khu, cụm công nghiệp, đồng thời có cơ chế, giải pháp ràng buộc để các chủ đầu tư song song thực hiện việc hình thành KCN cùng với xây dựng nhà ở dành cho người lao động.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hải Phòng, hầu hết các KCN hình thành từ trước đến nay đều chưa có khu nhà ở tập trung dành cho công nhân. Hiện có 6 dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, nhưng chỉ mới có Cty CP Hóa dầu & Sơ sợi dầu khí thuộc KCN Đình Vũ hoàn thành giai đoạn 1 khu nhà ở cho công nhân với tổng số 4099 căn hộ trên tổng diện tích sàn 385.121m2, còn lại các dự án khác vẫn chỉ đang “rục rịch” thủ tục lập dự án đầu tư.

Nhìn chung, như vậy là quá chậm. Trong khi đó, giai đoạn 2013-2015, thành phố cần phải xây mới 71.000m2 sàn nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu của khoảng 16.300 người lao động sẽ được thu hút vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay thì thật sự không phải là điều dễ dàng. Bởi vì, ngoài việc cần khơi dậy sự tâm huyết, tính tích cực của các chủ đầu tư dự án, còn phải có biện pháp hữu hiệu từ phía chính quyền các cấp để tháo gỡ một số vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn.


Khu nhà ở này được hoàn thành từ khá lâu, song vẫn chưa có người sử dụng.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng từng đề xuất: “Để khuyến khích đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân, sinh viên…nhà đầu tư rất cần được tạo điều kiện về quỹ đất sạch và cơ chế, chính sách ưu đãi của thành phố. Thực tế, khâu giải phóng mặt bằng vẫn rất gian nan, là một trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư dự án”.

Duy Tuấn (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.