Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 2,2% so với tháng trước, bằng mức tăng của cả 7 tháng đầu năm 2012 đã khiến mục tiêu kiềm chế CPI cả năm nay ở mức một con số trở nên khó khăn.

Theo nhận định của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Tổ Điều hành thị trường trong nước (Bộ Công thương), những tháng cuối năm, CPI sẽ tiếp tục xu hướng tăng do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng trong dịp lễ, tết cuối năm. Thêm vào đó, một số loại nguyên, nhiên liệu đang có xu hướng điều chỉnh giá cũng sẽ tác động làm tăng giá hàng hóa tại thị trường trong nước. Hai "kịch bản" cho CPI tháng 10 đã được các chuyên gia dự báo. Với "kịch bản" 1, nếu dịch vụ y tế và giáo dục chưa điều chỉnh tăng tại một số địa phương, dự kiến CPI tháng 10 chỉ tăng khoảng 0,8-1% so với tháng 9 và CPI cả năm sẽ tăng khoảng 8%. Trong trường hợp giá dịch vụ y tế, giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình (hiện đã có 6 tỉnh được UBND cấp tỉnh phê duyệt tăng phí dịch vụ y tế trong tháng 10) thì CPI tháng 10 sẽ tăng khoảng 1,2-1,5%. Như vậy, khả năng kiềm chế lạm phát cả năm nay ở mức 1 con số sẽ rất khó khăn. Dự báo của các cơ quan chức năng cũng cho thấy, giá thực phẩm cũng sẽ là mối lo ngại trong những tháng cuối năm, bởi nhóm thịt nhiều khả năng sẽ tăng giá do thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao trong khi dịch cúm gia cầm thường bùng phát vào thời điểm này.

CPI tháng 9 bất ngờ tăng mạnh trong bối cảnh giá nhiều hàng hóa, dịch vụ tiếp tục điều chỉnh khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền bày tỏ, mức tăng này là quá cao và cần có những biện pháp để kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm. Nếu để CPI cả năm nay ở mức 9% trở lên thì sẽ ảnh hưởng đến lạm phát năm 2013. Bởi lạm phát luôn có độ trễ, nếu có yếu tố tăng giá xuất phát từ quý IV-2012 thì giá cả sẽ chịu ảnh hưởng tăng trong những tháng đầu năm tiếp theo khiến lạm phát cả năm 2013 tăng cao. Giải pháp kiềm chế tăng CPI cho các tháng tiếp theo được chuyên gia Nguyễn Thị Hiền đưa ra là giảm tăng trưởng tín dụng bởi nhu cầu mua sắm của người dân những tháng cuối năm là rất lớn khiến cung tiền ra thị trường tăng mạnh. Siết chặt tín dụng chính là giải pháp hữu hiệu trong thời điểm cuối năm. TS Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu khoa học Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, chính sách tiền tệ những tháng cuối năm có thể duy trì nới lỏng để cứu các DN. Nhưng nếu Chính phủ đã có chủ trương nới tiền tệ thì cần siết chặt chính sách tài khóa, mà ở đây là thực hiện đúng mục tiêu kiềm chế lạm phát đã đặt ra từ đầu năm để không làm ảnh hưởng tới lạm phát trong năm sau.

Để triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường, qua đó góp phần kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các cơ quan chức năng đã kiến nghị một số giải pháp: kịp thời cấp tín dụng cho khu vực DN có nhu cầu vay vốn, khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho DN tại các hiệp hội, ngành hàng... Mỗi địa phương cần chủ động rà soát cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ các dịp lễ, tết cuối năm, tránh để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Đối với lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường với một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai một cách thận trọng, tránh điều chỉnh tăng giá đồng loạt sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới mức tăng CPI như vừa qua.

Theo Hương Ly (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.