Phát biểu tổng kết trong cuộc họp của UBND TP. Hà Nội với Bộ GTVT sáng 7.3, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải nhận định dù ngốn nguồn vốn đầu tư cực lớn, góp phần làm tăng nợ công nhưng hạ tầng giao thông tại thủ đô vẫn đang ở mức báo động khi không thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, nhiều dự án giao thông vừa hoàn thành đã rơi vào tình trạng quá tải và vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Hà Nội đang đối mặt với tình trạng quá tải giao thông và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: T.C.A
Nhu cầu giao thông tăng như “nước sôi”
Sáng 7.3, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội họp với lãnh đạo Bộ GTVT triển khai công tác quản lý về GTVT, phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2016-2020. Bí thư Hoàng Trung Hải nhận định hạ tầng giao thông tại Hà Nội đã có sự phát triển mạnh mẽ, có nhiều đột phát từ hàng không, tới đường bộ đồng thời chứng kiến nhiều thay đổi và điều chỉnh quy hoạch cực lớn. Bộ mặt Hà Nội đã có tiến bộ trông thấy, đáp ứng nhu cầu của đô thị trong thời gian qua.
Tuy nhiên, theo ông Hải, hệ thống hạ tầng giao thông dù thường xuyên chiếm 50% tổng nguồn vốn cho các ngành khác nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu vì tăng trưởng cầu giao thông quá lớn, công tác quản lý giao thông chưa tốt. Tới nay, công tác quản lý giao thông, điều độ giao thông cũng như việc nâng cao trách nhiệm văn hoá của người tham gia giao thông chưa đạt tiến bộ làm hệ thống giao thông nặng nề hơn. Hiện Hà Nội đang có khoảng 5,3 triệu xe máy, 560.000 ôtô, hơn 10.000 xe đạp điện và tốc độ tăng lượng ôtô vào khoảng 17%/năm, tốc độ tăng xe máy khoảng 11%. Tốc độ này đang cao gấp 1 -1,5 lần tốc độ tăng GPD cộng với việc dân số tăng nhanh đang gây sức ép cực lớn lên hạ tầng.
Bí thư Hà Nội cũng điểm hàng loạt vấn đề từ tư duy hạ tầng chậm chạp, không có dự phòng trong công tác phát triển và quy hoạch giao thông tới vấn đề quản lý chưa tốt ở các bến xe, xử lý chưa nghiêm việc lấn chiếm vỉa hè, vấn đề ô nhiễm môi trường do xe quá niên hạn tới việc vệ sinh môi trường giao thông. “Bây giờ với Hà Nội, vấn đề hạ tầng giao thông có thể nói là ở mức báo động, báo động vì từng người dân ra đường gặp vô cùng nhiều khó khăn khi tham gia giao thông” - Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhận định.
Quyết liệt tìm giải pháp đặc thù
Trước đề xuất của Bộ GTVT về cơ chế đặc thù cho Hà Nội, Bí thư Hoàng Trung Hải cho rằng các vấn đề giao thông hiện nay của thủ đô đòi hỏi phải có những nỗ lực quyết liệt hơn, nỗ lực tìm kiếm các giải pháp đặc thù hơn, khắc phục trong thời gian ngắn nhất vì “càng làm chậm về sau sức ép càng lớn”. Ông Hải đưa ra ví dụ về việc mất bao công đầu tư vành đai 3 nhưng “vi vu được mấy hôm, bắt đầu bàn chuyện tăng tốc độ thì đã quá tải”. Bí thư khẳng định phải có những giải pháp đặc biệt hơn, chứ không thể chờ đến lúc có bất cập mới quay lại quy hoạch.
Ông đưa ra hàng loạt yêu cầu về việc triển khai quy hoạch ngầm cho Hà Nội, phát triển giao thông tĩnh, quy hoạch sớm để mở rộng sân bay Nội Bài, đồng bộ việc triển khai các dự án đường sắt trên cao, hệ thống tàu điện ngầm, quy hoạch đề án xe buýt nhanh. Tuy nhiên, Bí thư nhấn mạnh không nên chỉ nhìn hạ tầng mà phải nhìn vào quản lý và cho rằng nếu quản lý hoàn toàn có thể giảm được cầu giao thông xuống khoảng 30% đồng thời cho rằng việc quản lý các bến xe ở Hà Nội đang có vấn đề.
Hàng loạt các yêu cầu để thay đổi và cải thiện quản lý giao thông theo đó được đưa ra. Cụ thể, về vấn đề môi trường, Bí thư khẳng định Hà Nội có nhiều việc phải làm trong đó riêng với ôtô, cần tăng cường xử phạt với các xe chở vật liệu gây bụi bẩn. Ông yêu cầu phải quy hoạch các điểm rửa xe ở đầu vào các cửa ô, đưa ra tiêu chuẩn gọi nhà đầu tư vào, bắt buộc xe chở vật liệu xây dựng, cát sỏi bẩn thỉu phải rửa mới được vào nội đô. Về xe quá hạn, cần theo luật mà xử lý nghiêm, “đúng ngày đúng tháng là xử lý thôi”.
Hà Nội hiện đang đưa ra 8 dự án giao thông trọng điểm trong đó, riêng năm 2016 phải xong 7 dự án để giải quyết 23 điểm ùn tắc, 23 điểm còn lại buộc phải dùng biện pháp phân luồng quản lý giao thông, điều độ giao thông. Đề án quản lý hệ thống giao thông bộ cũng được đưa ra để số hoá trong thời gian tới.
Dự kiến từ 2016 - 2020, ngoài các dự án đang triển khai, Hà Nội sẽ khởi công đầu tư 46 dự án trọng điểm với tổng kinh phí 401.322 tỉ đồng với 31 dự án đường bộ, 6 tuyến đường sắt, 5 dự án bến xe... Đến năm 2020, Hà Nội sẽ phấn đấu vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30-35% tổng nhu cầu đi lại.
Lao động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.