Tòa chung cư A7 Tân Mai cao 5 tầng hiện đang đổ nghiêng về phía sau, tường chịu lực ở tầng 1 đã đứt rời khỏi móng, trồi lên khỏi mặt đất… đe dọa tính mạng của các hộ dân sinh sống nơi đây khiến quá nửa số hộ đã “bỏ chạy” thoát thân.
Phản ánh với PV Infonet, ông Nguyễn Quang Gắng, Tổ trưởng tổ dân phố 15 cũng là người hàng ngày sinh sống tại chung cư A7 nằm trên phố Nguyễn Chính (Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) tỏ ra buồn rầu khi hiện cả tòa có 58 hộ nhưng có tới 35 hộ đã bán nhà hoặc cho thuê để chuyển đi nơi khác sinh sống.
Trước sự xuống cấp nguy hiểm của chung cư này, 35/58 hộ dân đã "bỏ chạy" bằng cách bán nhà và cho thuê để chuyển đến nơi khác sinh sống an toàn hơn.
Nguyên do các hộ không dám ở nhà mình nữa được ông Gắng cho biết, vì chung cư A7 được xây dựng từ năm 1984 theo công nghệ lắp ghép bê tông với quy mô 5 tầng, đến nay đã sử dụng được 32 năm. Từ nhiều năm nay tòa nhà đã xuống cấp nghiêm trọng khi tường chịu lực ở tầng 1 đã đứt móng, dời khỏi móng lên khỏi mặt đất, cả tòa nhà đang nghiêng đổ về phía sau.
Chung cư A7 nằm trên phố Nguyễn Chính (Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) đã được sử dụng 32 năm.
Nhớ như in, ông Gắng trình bày, ngày 20/4/2008 là ngày ông chuyển lá đơn đầu tiên đến các cơ quan chức năng như UBND phường Tân Mai, UBND quận Hoàng Mai, Xí nghiệp nhà Hai Bà Trưng, Công ty TNHH 1 thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội, Sở Xây dựng… để phản ánh tình hình xuống cấp của tòa nhà.
Sau đó các cơ quan chức năng có xuống kiểm tra và đánh giá sự xuống cấp rồi cuối năm 2009 đã bắt đầu gia cố một phần hệ thống giàn giáo để chống đỡ khu vực cầu thang ở tầng 5. Đầu năm 2010, Sở Xây dựng đã cho giám định tòa nhà và đến 17/5/2010, Sở Xây dựng chính thức công bố nhà A7 nguy hiểm cấp độ C.
Tháng 12/2010, Sở Xây dựng đã chỉ đạo gia cố hoàn chỉnh hệ thống giàn giáo từ tầng 1 đến tầng 5, nhờ có hệ thống giàn giáo này mà đến nay nhà A7 chưa bị sập.
“Tuy nhiên, tình trạng xuống cấp của tòa nhà vẫn chưa ngừng lại, hệ thống giàn giáo về cơ bản chỉ chống sập, còn tòa nhà vẫn bị lún và nghiêng đổ về phía sau và phía đông nên tất cả các dầm đỡ bản thang đều bị rút ra, có những dầm đỡ bản thang ở tầng 3, tầng 4 đã ra mép tường chủ lực. Vì tòa nhà đổ nghiêng về phía đông nên tường chịu lực ở tầng 1 đã đứt móng, dời khỏi móng lên khỏi mặt đất nên độ nghiêng đổ về phía sau là rất lớn, quá độ cho phép”, ông Gắng liệt kê.
Chưa hết, hệ thống mái còn xuống cấp nặng, toàn bộ 8 đường ống thoát nước mái nhiều năm nay bị “tê liệt” nên không thoát được mà rò rỉ, thấm lan khắp nơi, khiến các thép kết nối vào các lõi bê tông bị gỉ và đứt, càng gây thêm độ nguy hiểm của tòa nhà.
Trước thực trạng này, ông Gắng cho biết năm 2012 tiếp tục gửi đơn đề nghị cải tạo toàn bộ hệ thống mái, khôi phục các đường ống thoát nước mái và một số vấn đề khác và được Sở Xây dựng đã đồng ý, giao Công ty TNHH 1 thành viên Quản ý và phát triển nhà Hà Nội cùng Xí nghiệp nhà Hai Bà Trưng khảo sát, thống nhất các hạng mục sửa chữa.
Tháng 11/2013, Sở Xây dựng đã phê duyệt phương án sửa chữa với tổng kinh phí hơn 730 triệu đồng nhưng chưa bố trí được vốn. Trong lúc chờ vốn thì phát sinh ra quy định “nhà nước và nhân dân cùng làm” thế nên đến giờ vẫn chưa thể thực hiện được. Ông Gắng cho rằng, người dân ở đây đa số là cán bộ nghỉ hưu và mất sức, hơn nữa tới 35/58 hộ đã bán và cho thuê nên việc kêu gọi nhân dân cùng đóng tiền xây dựng lại nhà là điều khó.
Song, điều mà ông Gắng cùng các hộ dân ở tòa chung cư A7 thấy băn khoăn trước sự xuống cấp như vậy mà tòa nhà A7 lại không có tên trong danh sách 42 chung cư cũ xuống cấp, hư hỏng nguy hiểm mà UBND TP.Hà Nội công bố hồi đầu năm 2016.
Mãi đến tháng 4/2016, Viện Khoa học Công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội (Viện KHCN) đã tiến hành kiểm định, đánh giá chất lượng hiện trạng nhà A7 theo hợp đồng của Sở Xây dựng.
Đến ngày 1/8 vừa qua, ông Gắng “khoe” mới được Viện KHCN gọi lên để ký vào biên bản có các đầu mục kiểm tra tòa nhà, trong đó có điều kết luận tòa nhà A7 ở mức độ nguy hiểm cấp D để gửi tới Sở Xây dựng.
Tuy nhiên, sau khi văn bản đó được gửi sang Sở Xây dựng thì Sở này vẫn chưa tin nên đã tiếp tục đưa đoàn của Cục giám định chất lượng nhà nước cùng Viện KHCN tiếp tục xuống kiểm tra lại.
Ông Gắng cho hay, đến nay, người dân chung cư A7 vẫn đang mòn mỏi mong chờ kết quả thẩm định cuối cùng từ Sở Xây dựng.
Một số hình ảnh xuống cấp nguy hiểm của tòa chung cư A7 được PV Infonet ghi lại:
Nghiêng, lún... đã tạo ra những hiện trạng nguy hiểm trên cho tòa nhà A7 khiến người dân lo sợ.
Cuối năm 2010, Sở Xây dựng đã chỉ đạo gia cố hoàn chỉnh hệ thống giàn giáo từ tầng 1 đến tầng 5, nhờ có hệ thống giàn giáo này mà đến nay nhà A7 chưa bị sập.
Hiện trạng vô cùng nguy hiểm khi bức tường chịu lực ở tầng 1 đã đứt rời khỏi móng nhà, trồi lên khỏi mặt đất.
Còn phần mái tầng 5 thì không biết sẽ đổ sập lúc nào....
Trước sự xuống cấp nguy hiểm này hiện đã có 35/58 hộ dân đã bán và cho thuê để chuyển đến nơi khác sinh sống.
Minh Thư (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.